Nghị viện chống biến đổi khí hậu bằng công cụ lập pháp

Không chỉ thực hiện các hành động chống biển đổi khí hậu tích cực, cơ quan lập pháp ở khắp nơi trên thế giới từ trước đến nay luôn đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ môi trường bằng chính những công cụ lập pháp và giám sát của mình.

Fiji lồng ghép các mục tiêu bền vững vào các ủy ban của Quốc hội

Để thực hiện tốt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Quốc hội Fiji nỗ lực lồng ghép các SDG vào công việc của sáu ủy ban thường trực: (1) Ủy ban Các vấn đề xã hội; (2) Tài nguyên thiên nhiên; (3) Tư pháp, Luật pháp và Nhân quyền; (4) Ngoại giao và Quốc phòng; (5) Kinh tế; và (6) Tài khoản công cộng. Vào năm 2019, Nghị viện đã chuẩn bị một tài liệu hướng dẫn có tên “Giám sát việc thực hiện các SDG” cho các ủy ban để hỗ trợ các nghị sĩ trong việc lồng ghép các SDG hiệu quả hơn. Ngay sau khi LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Quốc hội Fiji là một trong những Quốc hội đầu tiên trên thế giới tiến hành hoạt động tự đánh giá toàn diện để thực hiện các mục tiêu.

Công viên Tây Hồ ở Phúc Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Dreamtime

Song song với việc lồng ghép các SDG trong công việc của Quốc hội, các nghị sĩ đã được đào tạo đặc biệt về SDG để phục vụ quá trình thảo luận ở phiên họp toàn thể. SDGs và các cam kết về biến đổi khí hậu trong Thỏa thuận Paris cũng được lồng ghép vào Kế hoạch Phát triển Quốc gia (NDP) 5 năm và 20 năm của Chính phủ.

Ngoài ra, Quốc hội đặc biệt tích cực trong việc hỗ trợ các nỗ lực lập pháp và ngân sách của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, những nỗ lực này đã được tăng cường hơn nữa sau nhiệm kỳ Chủ tịch COP23 của Fiji. Các chính sách thuế đã được thay đổi để đảm bảo phù hợp với các cam kết về biến đổi khí hậu của Chính phủ.

Đạo luật Chống biến đổi khí hậu 2021 đã thể chế hóa các nghĩa vụ quốc tế của Fiji theo Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris, đồng thời cho phép thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Fiji. Đạo luật cũng cung cấp một khuôn khổ cho hành động phối hợp cho phép Fiji phát triển và thực hiện các biện pháp và chính sách biến đổi khí hậu nhất quán và dài hạn; thiết lập các cấu trúc thể chế và quản trị có liên quan; và thiết lập một hệ thống minh bạch để theo dõi, báo cáo và xác minh tiến độ.

Quốc hội Bhutan với nỗ lực chống biến đổi khí hậu

Vương quốc Bhutan là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu nhất trên thế giới. Quốc gia miền núi không giáp biển này có một hệ sinh thái mong manh với khoảng 2.700 sông băng đang bắt đầu tan chảy, gây ra lũ lụt và lở đất.

Tuy nhiên, Bhutan đang hành động với việc Quốc hội đóng vai trò nổi bật trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiến pháp Bhutan có một điều khoản cụ thể về môi trường, trong đó nêu rõ: “Mọi người dân Bhutan là người được ủy thác quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường của Vương quốc vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Nghĩa vụ cơ bản của mọi công dân là góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học phong phú của Bhutan và ngăn ngừa mọi hình thức suy thoái sinh thái thông qua việc áp dụng và hỗ trợ các chính sách và thực hành thân thiện với môi trường”.

Hiến pháp cũng quy định rằng ít nhất 60% tổng diện tích đất của Bhutan phải được bao phủ bởi rừng và ủy quyền cho Quốc hội ban hành luật để thực hiện điều đó. Do đó, Quốc hội nước này đã thông qua khá nhiều luật để bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, bảo tồn thiên nhiên hoang dã, theo cơ sở dữ liệu về luật chống biến đổi khí hậu của thế giới, được biên soạn bởi Viện Nghiên cứu Grantham của Trường Kinh tế Luân Đôn mà IPU là đối tác.

Xem xét tầm quan trọng của biến đổi khí hậu, Quốc hội Bhutan thành lập một ủy ban thường trực về môi trường và biến đổi khí hậu để xem xét các luật hiện hành và đề xuất các luật mới.

Mexico thúc đẩy thanh niên đóng góp vào luật chống biến đổi khí hậu

Để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thượng viện Mexico đã thành lập một Ủy ban Đặc biệt, bao gồm 18 Thượng nghị sĩ từ tất cả các đảng phái chính trị và từ các bang khác nhau, cho phép thúc đẩy các SDG xuyên suốt các nhóm chính sách và nâng cao nhận thức về các nguyên tắc phát triển bền vững chính của Chương trình nghị sự 2030.

Ủy ban đặc biệt này có nhiệm vụ đưa ra các ý kiến kỹ thuật, quan sát hoặc khuyến nghị về các vấn đề trong Chương trình nghị sự 2030; Gửi các khuyến nghị cho các cơ quan liên bang; Tổ chức tham vấn với lãnh đạo các cơ quan chính phủ Mexico tham gia thực hiện và giám sát SDG.

Ủy ban Đặc biệt cũng đã thực hiện một chiến lược cải thiện đối thoại nhằm duy trì mối quan hệ trực tiếp và hợp tác giữa các cơ quan lập pháp tiểu bang để bảo đảm rằng các lãnh thổ địa phương khác nhau tiến tới đạt được các ưu tiên SDG cụ thể của riêng họ. Cách tiếp cận hai chiều này cho phép các thành viên của Ủy ban Đặc biệt phản ánh những nhu cầu cấp thiết nhất của cộng đồng địa phương, thúc đẩy phân phối nguồn lực công một cách công bằng hơn và đảm bảo rằng tất cả công dân đều được tham gia nhiều hơn vào luật được đề xuất.

Ủy ban Đặc biệt cũng hợp tác với Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững ở Mexico và Chương trình thanh niên để thúc đẩy hoạt động Quốc hội mở. Đây là cơ hội để các thế hệ trẻ đưa ra những mối quan tâm cụ thể liên quan đến môi trường và Chương trình nghị sự 2030. Ý kiến đóng góp cụ thể của thanh niên tham gia được thu thập dưới dạng đề xuất sửa đổi Luật chung về Biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các đề xuất của các đại diện trẻ đã dẫn đến việc xác định 13 dự án sáng tạo sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu và có thể được tài trợ bởi Quỹ Biến đổi Khí hậu quốc gia.

Quốc hội Trung Quốc cân bằng mục tiêu môi trường và kinh tế

Trong những năm gần đây, Quốc hội Trung Quốc NPC đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác lập pháp để thúc đẩy các SDGs với việc ban hành hơn 30 luật liên quan, hơn 100 quy định hành chính và hơn 1.000 quy định cấp địa phương. Tất cả những điều này đã định hình hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường và sinh thái của Trung Quốc, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường và an ninh sinh học; Luật đặc biệt về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí, nước, đất, chất thải rắn, tiếng ồn và phóng xạ; Luật Bảo vệ đa dạng sinh thái và đa dạng sinh học; Luật Bảo tồn và sử dụng tài nguyên; Luật Bảo vệ sinh thái và môi trường lưu vực sông, Luật Bảo vệ các vùng địa lý đặc biệt…

Các luật này ưu tiên phòng ngừa và bảo vệ, thiết lập một hệ thống quản lý toàn diện, khuyến khích sự tham gia của công chúng và vạch ra trách nhiệm đối với mọi hành vi gây tổn hại đến môi trường, tạo thành một khuôn khổ bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.

Nhờ các công cụ pháp lý, môi trường của Trung Quốc không ngừng được cải thiện. Về chất lượng không khí, tỷ lệ số ngày có chất lượng không khí tốt hoặc tuyệt vời tại các thành phố cấp tỉnh trở lên đã tăng từ 76,7% năm 2015 lên 87,5% vào năm 2021. Nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm đã giảm từ 50 mcg/m3 vào năm 2015 xuống 30 mcg/m3 vào năm 2021. Số thành phố đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng không khí đã tăng từ 73 vào năm 2015 lên 218 vào năm 2021, với sự cải thiện ổn định về chất lượng không khí trên toàn quốc. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận liên quan đến chất lượng nước của Trung Quốc.

Pháp luật bảo vệ môi trường của Trung Quốc đã tạo ra những kết quả bền vững và có tác động sâu rộng. Đặc biệt là việc áp đặt thuế bảo vệ môi trường đã truyền đi thông điệp rằng, không một hành vi nào gây ô nhiễm được phép miễn trừ, từ đó tăng cường ý thức bảo vệ môi trường của từng cá nhân và doanh nghiệp.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nghi-vien-chong-bien-doi-khi-hau-bang-cong-cu-lap-phap-i333773/