Nghĩ về nghề ngân hàng

Người làm ngân hàng nghĩ gì qua một năm chứng kiến nhiều đồng nghiệp sa vào vòng lao lý?

Những người làm ngân hàng lành nghề cho rằng nền tảng cho nghề ngân hàng đã được cải thiện tích cực trong vài năm gần đây, song vẫn cần thêm nhiều thay đổi.. Ảnh: Mai Lương

Lo cho người, lo cho mình

“Năm qua là một năm nhiều khác biệt. Đầu năm thì bối rối vì không có nhiều tín hiệu dễ đoán định sự biến thiên của thị trường và sự tăng trưởng của ngành ngân hàng, đến giữa năm thì mọi thứ tốt lên khá rõ và đến bây giờ nhiều ngân hàng đã có thể “thư giãn” bởi kết quả đạt được hầu hết tốt hơn dự báo. Song, cũng dễ thấy năm 2016 là năm có nhiều người làm trong nghề dính vào vòng lao lý, bị điều tra, khởi tố, bắt giam, hay trong danh sách cấm xuất cảnh... khiến tôi và các đồng nghiệp cũng không khỏi suy nghĩ về các vấn đề liên quan đến nghề của mình”. Đó là tâm sự của một tổng giám đốc ngân hàng với TBKTSG bên thềm năm mới.

Làm nghề ngân hàng hơn 20 năm, ông nói có những việc chính bản thân ông chứng kiến với vai trò người trong cuộc, cũng có khi là người bên ngoài quan sát, tâm trạng theo thời gian cũng có nhiều thay đổi. “Trước kia tôi từng rất hoang mang, bối rối song nay thì thấy bình thường hơn. Như khi xảy ra vụ Epco - Minh Phụng, khi đó tôi mới đi làm ngân hàng được một vài năm, đã định bỏ nghề vì thấy nghề này nguy hiểm, vì sợ. Về sau này, làm trong ngành nhiều năm tôi hiểu đó thực sự là tai nạn. Tai nạn xảy ra một phần do lỗi của người thực hiện, tất nhiên rồi, nhưng một phần có lý do khách quan từ môi trường bên ngoài. Tôi dám nói như vậy bởi môi trường làm nghề còn nhiều chỗ khuất, trong điều kiện cạnh tranh thông tin rất mong manh, thậm chí có quy tắc pháp lý cũng còn mong manh lắm”, vị tổng giám đốc này nói.

Ông ngập ngừng: “Đồng nghiệp sa chân, tuy đó là chuyện của người ta nhưng cũng là chuyện liên quan đến mình... Nhìn người mà phải nhìn lại mình bởi biết đâu một ngày mình cũng có thể bị sảy chân một cách vô thức thì sao?”.

Các “ông chủ” phải thay đổi

“Khi một người lãnh đạo ngân hàng ra quyết định, họ mường tượng quyết định đó sẽ thành công và kết quả của nó là sẽ có những điều tốt hơn đến với ngân hàng và đến với cá nhân người đó. Nhưng việc thực hiện các quyết định không phải lúc nào cũng đạt kết quả thành công như kịch bản”, một người điều hành ngân hàng khác chia sẻ.

Đã đến lúc các cổ đông nhỏ cần tập trung xung quanh thành viên hội đồng quản trị độc lập để tạo áp lực cho các cổ đông lớn tuân thủ pháp luật và minh bạch hơn.

Theo ông, “trước nhiều vụ trục trặc đã xảy ra, bài học rút ra là người có quyền lực - ông chủ, phải thay đổi”. Có những ngân hàng ông biết không ai dám cản các quyết định của ông chủ và vô hình trung bộ máy bị vô hiệu hóa. Vì vậy, “khi anh đưa ra ý kiến mà trong hội đồng có ý kiến phản đối thì nên xem xét lại, học cách chấp nhận những ý kiến khác biệt với mình. Tuy anh có quyền quyết định nhưng việc mình đơn phương quyết hết là có hại cho tổ chức chứ không có lợi như anh vẫn nghĩ, thậm chí có hại cho chính bản thân anh”. Ông thẳng thắn: “Đôi khi, từ bỏ bớt vai trò của mình cũng có nghĩa là lãnh đạo”.

Còn về phía những người chọn nghề ngân hàng, theo vị này, cũng cần “thức tỉnh”. Từ lúc bắt đầu vào nghề- “làm lính”, cần hiểu ngành ngân hàng là ngành huy động, quản lý tiền của công chúng nên có nhiều cám dỗ, việc đầu tiên phải làm cho được là tách bạch tiền của người ta với tiền của mình. Ông khuyên những người mới vào nghề tìm ngân hàng nào có nền tảng tốt, quy tắc hành xử bền vững để khởi nghiệp. Vì xét cho cùng, đạo đức kinh doanh nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng không thời nào là không cần thiết.

Xây dựng nền tảng nghề

Những người làm ngân hàng lành nghề cho rằng nền tảng cho nghề ngân hàng đã được cải thiện tích cực trong vài năm gần đây. Đó là điểm đáng ghi nhận của thị trường với cơ quan quản lý, song vẫn cần thêm nhiều thay đổi.

“Trong năm năm qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành, sửa đổi và trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan, có những văn bản mang tính đột phá hướng đến các chuẩn mực quản trị hệ thống quốc tế. Tuy còn một số điểm đang gây tranh luận về tính đồng bộ nhưng nhìn chung hệ thống pháp luật trong ngành ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay đã an toàn hơn trước khá nhiều”, lãnh đạo một ngân hàng nước ngoài nhận xét.

Tuy nhiên, theo vị này, NHNN cần có hành động triệt để với các sai phạm tồn đọng kéo dài. Bộ máy thanh tra, giám sát ngân hàng phải được tăng cường hơn. Nhiều vụ việc cho thấy sai phạm của ngân hàng xảy ra rất lâu nhưng qua nhiều đợt thanh tra giám sát mới phát hiện ra. Vì sao lại như vậy? Trách nhiệm thuộc về ai?

NHNN cũng cần siết chặt hơn các quy định về tiêu chuẩn với những người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng. Không phải cứ là cổ đông lớn, bỏ ra nhiều tiền mua cổ phần là nghiễm nhiên được ứng cử vào hội đồng quản trị ngân hàng mà còn cần có các tiêu chuẩn về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Có rất nhiều trường hợp các thành viên hội đồng quản trị ngân hàng chưa từng có chút kinh nghiệm làm việc ngân hàng, chỉ đơn thuần lại đại diện vốn cho một cổ đông lớn. Những người đó sẽ điều hành ngân hàng thế nào, liệu họ có dễ dàng bị chi phối hay không?

Bên cạnh đó, theo một luật sư phụ trách pháp chế ngân hàng, cần quan tâm đến vai trò giám sát của cổ đông ngân hàng và tách bạch vai trò quản trị của cổ đông lớn (đại diện trong hội đồng quản trị) và vai trò điều hành của ban điều hành. Ông nói: “Rất nhiều trường hợp sai phạm trong ngành là do chính các cổ đông lớn thao túng mà có trường hợp cổ đông lớn vừa làm quản trị vừa làm điều hành ngân hàng. NHNN cần nhấn mạnh vai trò của các thành viên độc lập trong hội đồng quản trị ngân hàng. Nhiều vụ sai phạm trong ngân hàng cho thấy vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập rất mờ nhạt. Đã đến lúc các cổ đông nhỏ cần tập trung xung quanh thành viên hội đồng quản trị độc lập để tạo áp lực cho các cổ đông lớn tuân thủ pháp luật và minh bạch hơn”.

Ngoài ra, cần làm rõ hơn các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Các chức danh thành viên hội đồng quản trị độc lập hay tổng giám đốc tại các ngân hàng nước ngoài đều có những quy tắc đạo đức nghề nghiệp bắt buộc phải tuân thủ (ví dụ, tổng giám đốc ngân hàng không được phép bước vào casino, kể cả chỉ đi vào để tham quan). Các ngân hàng Việt Nam đã xây dựng được các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp như vậy chưa?

Đáng lưu ý, còn có các ý kiến cho rằng các cổ đông của ngân hàng cũng không phải là vô can. Cổ đông ngân hàng phải hiểu rằng do tính chất hoạt động đặc thù của ngân hàng nên việc tuân thủ pháp luật, minh bạch thông tin, đảm bảo sự an toàn... là các tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của tổ chức này, thứ đến mới là lợi nhuận, cổ tức. Nhưng ở nhiều cuộc họp đại hội đồng cổ đông ngân hàng, cổ đông “làm loạn” như “hàng tôm càng cá” chỉ vì lợi nhuận và cổ tức mà không nghĩ đến các yếu tố khác.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/155675/nghi-ve-nghe-ngan-hang.html/