Nghi vấn thông thầu: Giám đốc Ban Quản lý khu các làng dân tộc'ôm' giấy tờ của phóng viên về Hà Nội

Mặc dù gói thầu được thông báo đấu thầu rộng rãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thế nhưng trong hồ sơ mời thầu của gói thầu này lại có những tiêu chí, yêu cầu “trái khoáy”. Trong đó, tiêu chí về tài chính thì nhà thầu phải có doanh thu trung bình trong vòng 3 năm gần đây phải trên 20 tỷ đồng. Phải có ít nhất 2 công trình có giá trị trên 3,5 tỷ đồng. Kỹ sư phải có trên 7 năm kinh nghiệm… Như vậy, nếu theo như bài thầu này thì sẽ chỉ có một doanh nghiệp sẽ trúng thầu, còn những doanh nghiệp khác tham gia thì không có “cửa”… Khi phóng viên đến Ban Quản lý làm việc, ông Nguyễn Thanh Sơn là giám đốc nơi đây không những không trả lời mà còn bỏ mặc phóng viên ngồi lại để chờ, còn ông Sơn thì “ôm” giấy tờ của phóng viên rồi… bỏ về Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Ban quản lý khu các làng dân tộc đeo kính, ngồi bên phải.

Tiêu chí đấu thầu "lạ lùng"?

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp tham gia mua hồ sơ mời thầu gói thầu XL01: Sửa chữa, duy tu nhà dân tộc H’Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì, La Chí, Sán Chay, Thổ, Xinh Mun, Lào, Phù Lá, Cờ Lao, SiLa, Pà Thẻn, Lự, Tày, Tà Ôi, Chứt, Bru – Vân Kiều, Cor, Chu Ru, Chơ Ro, Chăm, Khơ Mer, nhà dịch vụ làng I (03 nhà loại I, 04 nhà loại II), làng II (04 nhà DV), chòi nghỉ làng II (03 chòi mẫu 1, 08 nhà mẫu 2); Bảo trì kết cấu các làng dân tộc Giẻ Triêng, Ba Na, Gia Lai, Ê Đê, Mạ, Raglai, Rơ Măm, Cơ Ho, H’Rê, Cơ Tu, Brâu, X’Tiêng.

Gói thầu này có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước do Ban quản lý khu các làng dân tộc (địa chỉ: xã Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) làm chủ đầu tư, bắt đầu phát hành ngày 23/06/2016 đến ngày 06/07/2016 thì mở thầu. Gói thầu này được tư vấn thực hiện bởi Công ty cổ phần tư vấn kinh tế kỹ thuật xây dựng Việt Nam có địa chỉ tại quận Ba Đình (TP. Hà Nội).

Cụ thể, những tiêu chí bị phản ánh là bất hợp lý đó là những tiêu chí về năng lực tài chính và kinh nghiệm, trong đó hồ sơ này yêu cầu những nhà thầu tham gia phải có doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng tối thiểu là 20 tỷ đồng, trong vòng 3 năm trở lại đây (2013, 2014, 2015). Doanh thu xây dựng hàng năm được tính bằng tổng các khoản thanh toán cho các hợp đồng xây lắp mà nhà thầu nhận được trong năm đó?

Yêu cầu về kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp, phải có trên 2 hợp đồng đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vai trò nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ, mỗi hợp đồng có tối thiểu là 3,5 tỷ đồng?

Đối với yêu cầu về tiêu chuẩn đánh giá nhân sự chủ chốt, nhà thầu phải đáp ứng tiêu chí phải có nhân sự chủ chốt là chỉ huy trưởng, phải là kỹ sư xây dựng hoặc kiến trúc sư, phải đã làm chỉ huy trưởng công trình thu công xây dựng ít nhất có 01 công trình tương tự và phải có trên 07 năm kinh nghiệm?

Hồ sơ mời thầu của gói thầu trên.

Như vậy, nếu như theo thông báo đấu thầu rộng rãi của gói thầu trên của Ban quản lý khu các làng dân tộc là dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì những tiêu chí này lại đi trái lại với thông báo trên. Vì theo phản ánh của một số doanh nghiệp, gói thầu trên có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 4 tỷ đồng, vậy mà yêu cầu về năng lực tài chính phải có doanh thu trung bình 20 tỷ đồng?

Cũng theo thông tin một số doanh nghiệp tiết lộ, phía Ban Quản lý khu các làng dân tộc đã “bố trí” sẵn một nhà thầu ở Hà Nội sẽ trúng thầu gói thầu trên cho nên mới ra bài thầu lạ lùng như vậy. Được biết, mặc dù mới chỉ là giai đoạn đang bán hồ sơ để tiến hành các thủ tục đấu thầu rộng rãi, công khai theo quy định pháp luật nhưng nhà thầu được bố trí trên đã tập kết vật liệu để chuẩn bị xây dựng?

Nghi vấn "thông thầu" và hành động khó hiểu của vị giám đốc

Chiều ngày 28/06/2016, phóng viên Báo PLVN đến liên hệ làm việc trực tiếp với Ban quản lý khu các làng dân tộc để có thông tin khách quan, chính xác. Sau khi xuất trình giấy tờ liên hệ công tác tại phòng lễ tân của Ban quản lý này, lễ tân yêu cầu phóng viên ngồi chờ để lên báo cáo lãnh đạo đơn vị.

Khoảng 5 phút sau, nhân viên lễ tân mời phóng viên lên phòng làm việc, cùng lúc này có ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Ban quản lý khu các làng dân tộc và ông Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng phòng quản lý hạ tầng vào phòng và ngồi làm việc với phóng viên.

Sau khi phóng viên giới thiệu và trao đổi lý do, nội dung đến liên hệ công tác, ông Sơn liền đứng phắt dậy và nói: “Thôi! Việc này tôi sẽ trao đổi với phía đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần tư vấn kinh tế kỹ thuật xây dựng Việt Nam có địa chỉ tại quận Ba Đình (TP. Hà Nội) – PV), các anh muốn cung cấp tài liệu gì thì cứ bảo Báo làm công văn mang đến đây. Còn các anh cứ nói đi, tôi đang ghi âm đây…”.

Thấy ông Sơn cương quyết như vậy, phóng viên yêu cầu ông Sơn vẫn cứ ghi âm và có thể quay phim lại, đồng thời xác nhận cho phóng viên về việc phóng viên đã đến liên hệ làm việc với Ban quản lý tại thời điểm trên và những yêu cầu về công văn của Báo mà ông Sơn yêu cầu để phóng viên về báo cáo lãnh đạo Ban Biên tập.

Sau đó, ông Sơn đồng ý và cùng ông Dũng bỏ ra ngoài, rồi bảo phóng viên ngồi đợi ở phòng để ông Sơn đi xác nhận vào bản phô tô của giấy giới thiệu.

Trụ sở làm việc của Ban quản lý khu các làng dân tộc.

Ngồi chờ ở phòng làm việc khá lâu mà không thấy ông Sơn hay cán bộ nào của Ban quản lý sang bên phòng làm việc, phóng viên đành sang phòng ông Sơn để hỏi. Tuy nhiên, khi sang phòng thì thấy ông Sơn đang ngồi ở bàn làm việc và nói: “Tôi giao cho nhân viên rồi, các anh cứ ngồi đợi đi, lát nữa lễ tân sẽ lên…”. Thấy vậy, phóng viên đành quay về phòng ngồi đợi.

Ngồi đợi khá lâu vẫn không thấy ông Sơn hay cán bộ nào của Ban quản lý lên phòng làm việc, phóng viên đành sang phòng ông Sơn gõ cửa lần nữa. Tuy nhiên, lúc này phòng của ông Sơn đã khóa của bên ngoài. Đúng lúc này, nhân viên lễ tân của Ban quản lý này đi qua phòng, phóng viên liền hỏi thì nhân viên này cười và nói: “Tôi không thấy sếp Sơn giao gì cả”.

Nhận thấy có biểu hiện trốn tránh, phóng viên liên lên phòng ông Dũng và hỏi về nội dung mà ông Sơn và ông Dũng đã trao đổi trong phòng làm việc, ông Dũng thản nhiên nói: “Tôi không thấy anh Sơn chỉ đạo hay thông báo gì, chắc bản xác nhận vào giấy giới thiệu của các anh thì anh Sơn giao cho phòng hành chính hoặc lễ tân rồi”.

Sau đó, một cán bộ của phòng quản lý hạ tầng đã đưa phóng viên xuống phòng hành chính để hỏi về sự việc, thế nhưng đại diện phòng hành chính cho biết cũng không nhận được chỉ đạo hay thông báo nào của ông Sơn. Đến lúc này, vị cán bộ này liền lấy máy điện thoại gọi cho ông Sơn để trao đổi. Sau cuộc gọi với ông Sơn, cán bộ này nói: “Anh Sơn mang giấy giới thiệu của các anh về Hà Nội rồi!”, rồi bỏ đi. Nhận thấy, có sự bất hợp tác và trốn tránh nên sau đó phóng viên đành ra về.

Trước biểu hiện bất hợp tác, trốn tránh của ông Sơn - Giám đốc Ban quản lý khu các làng dân tộc và những tiêu chí bất hợp lý trong hồ sơ mời thầu của gói thầu trên, Báo PLVN đề nghị Cục quản lý đấu thầu (Bộ kế hoạch đầu tư), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban quản lý làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam là cơ quan chủ quản của đơn vị trên vào cuộc, làm rõ sự việc để quá trình đấu thầu được công bằng, minh bạch.

Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.

Tố Vân - Phước Long

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/nghi-van-thong-thau-giam-doc-ban-quan-ly-khu-cac-lang-dan-tocom-giay-to-cua-phong-vien-ve-ha-noi-281428.html