Nghĩ ngợi mùa thu

Cứ tháng Tám hàng năm, người yêu thơ và sân khấu lại nhớ tới nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Xuyên suốt thập kỷ 80 của thế kỷ trước, chuỗi kịch của Lưu Quang Vũ được coi như một hiện tượng đặc biệt. Sau 35 năm kể từ khi kịch tác gia qua đời, các vở của ông vẫn được nhiều đoàn kịch dàn dựng và nội dung không hề bị lạc hậu với thời cuộc.

Ngày nay, không ít người phán rằng, kịch Lưu Quang Vũ xuất hiện đúng thời điểm của công cuộc đổi mới, nên nội dung kịch chỉ cần chĩa mũi dùi chỉ trích cơ chế là ăn khách. Tuy vậy, người yêu kịch Lưu Quang Vũ không đồng ý với điều trên. Nửa sau thập kỷ 80, thuận đà được “cởi trói” thì không ít tác phẩm sân khấu khác đã chỉ trích thậm tệ cơ chế để có những tràng vỗ tay. Họ tin rằng cách khoét sâu vào những ẩn ức càng làm người xem đã tai đã mắt.

Kịch của Lưu Quang Vũ không bao giờ chìm đắm trong những chỉ trích. Kịch của ông dù phê bình trực diện nhưng không thô thiển, nói về bóng tối nhưng luôn song hành ánh sáng về sự tốt đẹp của con người.

Dùng thơ Lưu Quang Vũ soi chiếu vào kịch của ông mới thấy vì sao các nhân vật dù tiêu cực, lỗi lầm, xấu xa đến đâu cũng có những góc ẩn chứa sự hướng thiện. Từ đó người xem rung động không cầm được nước mắt. Người viết bài đã xem khoảng 20 vở kịch (có vở xem nhiều lần) và đọc mười mấy kịch bản của Lưu Quang Vũ và tin rằng tác giả này khác biệt so với dòng chảy chỉ trích và than khóc câu khách thời ấy.

Nếu coi kịch Lưu Quang Vũ là của thời sự hay thời đại cũng chưa hẳn đúng. Bởi tính nhân văn luôn xuyên mọi thời đại. Đọc văn chương cuối thập niên 80, thấy nhiều tác phẩm dày đặc không khí ngột ngạt của sự rủa xả, rủa đời, rủa người, rủa cơ chế. Đôi khi trà dư tửu hậu, có tác giả khoe chữ nghĩa “đá xoáy” như một thành tích văn chương. Rồi than vãn biên tập viên hèn không dám đăng. Rồi lại khoe những bản thảo không cơ quan nào dám nhận xuất bản như một đỉnh cao của văn đàn.

Trong cái không khí nhộn nhạo ngày ấy, có những giọng văn than khóc, hung hãn, bạc khẩu lại ăn khách. Dạng văn chương này thỏa mãn những ẩn ức dồn nén khiến người đọc hả hê với sự rủa xả. Nói như bây giờ là được “bật” chế độ hung hãn.

Lưu Quang Vũ không đi cùng dòng chảy đó mà đi riêng một con đường. Đọc thơ hay xem kịch của ông thấy mỗi vai diễn dù người ngay, kẻ gian vẫn muốn vịn vào một sợi dây nhân tính. Khán giả mê đắm những tác phẩm này bởi tâm hồn thiện của họ tìm được nơi trú ngụ.

Thời nào cũng có kẻ ghét đời. Một nhân vật lướt qua trong bài thơ “Phố ta” là bác thợ mộc luôn nhả khói thuốc lên trần nhà và nói rằng cuộc đời toàn xấu xa cả. Người đọc tự nhận thấy cái tốt đẹp với hình ảnh ẩn dụ cây táo nở hoa cuối bài thơ.

Ngày nay cũng không ít người ghét đời, bất mãn nhưng không phải là bác thợ mộc nói văng mạng trong thơ mà là những người có học hành, bằng cấp, địa vị trong xã hội, được chế độ chăm sóc, đào tạo. Thế mà họ hoài nghi tất cả những gì tốt đẹp mà cả dân tộc đấu tranh, hy sinh suốt gần một thế kỷ qua. Họ xuyên tạc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là đánh đuổi hai nền văn minh. Họ hoài nghi câu thơ “…lịch sử chọn ta làm điểm tựa”.

Họ cho rằng không cần hy sinh cũng có thể được độc lập giống như các nước thuộc địa châu Phi. Họ nhắm mắt để không thấy rằng các thuộc địa được Pháp trao trả độc lập chỉ là một cái vỏ rỗng. Có tới 14 nước châu Phi bị trói vào một hiệp ước thuộc địa do Pháp khống chế từ năm 1961 gồm 11 nội dung như 11 “vòng kim cô”. Điểm sơ qua thì 14 nước này bị buộc phải gửi dự trữ tiền tệ quốc gia của họ vào Ngân hàng Trung ương Pháp, 14 quốc gia châu Phi gồm: Benin, Burkina Faso, Guinea-Bissau, Bờ Biển Ngà, Mali, Niger, Senegal, Togo, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Congo-Brazzaville, Guinea Xích đạo và Gabon. Các nước nói trên không có quyền tiếp cận số tiền của mình, Pháp cho phép họ chỉ được sử dụng 15% số tiền trong bất kỳ năm nào. Như vậy, 85% thuộc về mẫu quốc. Gọi là mẫu chứ đâu có “cha căng chú kiết”.

Hoa Độc lập chỉ nở, trái tự do chỉ kết trong đấu tranh bằng máu xương. Độc lập cho không vẫn chỉ là một thứ nô lệ mà thôi. Hãy thức tỉnh khi chưa quá muộn!

Trong bài thơ “Nói với mình và các bạn”, Lưu Quang Vũ cho rằng chức năng của thơ “Không hát ta say mà lay ta thức”, rằng “Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ/ Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi”. Tác giả viết những câu thơ đầy trách nhiệm như trên khi mới 22 tuổi, bằng tuổi một bạn trẻ sinh năm 2001.

May mắn làm sao, thế hệ Gen Z ngày nay rất độc lập. Họ làm rất nhiều điều tốt đẹp cho xã hội. Gen Z có điều kiện đi vòng quanh trái đất, tiếp cận với rất nhiều tư liệu mọi ngôn ngữ và họ trân trọng cuộc đấu tranh của cha ông. Vậy tại sao những tiền nhân từng trong cuộc lại có thể bất mãn méo mó? Không sợ hậu bối chê cười sao?

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nghi-ngoi-mua-thu-i705936/