Nghị lực người lính

ĐBP - Chiến đấu anh dũng trên chiến trường, mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh, nhưng trở về với cuộc sống đời thường, với khí phách của người lính 'Bộ đội cụ Hồ', những thương binh, bệnh binh đã tiếp tục vượt khó trên mọi mặt trận. Họ trở thành những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, là tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập, noi theo.

CCB Nguyễn Văn Hồng chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.

Khi sắc đào trên các triền đồi đua nhau khoe sắc, báo hiệu mùa xuân đang tới, chúng tôi có dịp cùng lãnh đạo Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) thăm gia đình CCB Cà Văn Diên, bản Lịch Cang - thương binh hạng 3/4. Dù là thương binh, song CCB Cà Văn Diên luôn kiên định, quyết tâm vượt mọi khó khăn tự mình vươn lên, trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống và lòng nhân ái; góp phần tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” giữa đời thường.

Trở lại thời điểm năm 1971, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Cà Văn Diên viết đơn xin nhập ngũ và được tham gia chiến trường Bắc Lào. Trải qua nhiều trận chiến ác liệt, ông luôn thể hiện được sự mưu trí, anh dũng và tinh thần quốc tế cao cả; là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng của đơn vị. Năm 1979, trong một trận đánh ác liệt, đơn vị ông gặp phục kích, cả trung đội 18 người chỉ có 5 người sống sót, bản thân ông cũng bị thương nặng, buộc phải tháo khớp chân phải.

Về quê hương sau gần 1 thập niên chiến đấu với nhiều huân, huy chương cao quý, ông Diên luôn tâm niệm phải làm sao để xứng đáng với những phần thưởng được trao. Nên dù mang nhiều thương tật, nhưng ông tiếp tục hăng say lao động, sản xuất tìm hướng thoát khỏi khó khăn, thiếu thốn. CCB Cà Văn Diên đã vay mượn tiền của người thân đầu tư chăn nuôi, trồng trọt với xuất phát điểm quy mô nhỏ. Nhờ siêng năng, chịu khó học hỏi kiến thức trên sách báo, nên mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp trồng cây ăn quả đã mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, gia đình ông tiếp tục duy trì và phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt với hàng chục con gia súc, hàng trăm con gia cầm cùng nhiều cây ăn quả.

Bên cạnh chăn nuôi, sản xuất, gia đình CCB Lò Văn Diên còn mở dịch vụ làm đầu mối thu mua nông sản trong bản, mang ra thị trấn Mường Ảng tiêu thụ. Không chỉ phát triển kinh tế riêng gia đình, ông còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn cho những hộ gia đình khó khăn để họ có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Bằng nghị lực của người lính, dù ảnh hưởng của chiến tranh và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin 61%, song CCB Nguyễn Văn Hồng ở thôn Việt Thanh, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) luôn là tấm gương sáng trong lao động, sản xuất ở địa phương. CCB Nguyễn Văn Hồng cho biết, trải qua thời gian chiến đấu tại 3 chiến trường (chiến trường miền Nam, quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc), tháng 7/1981 ông xuất ngũ. Trở về cuộc sống đời thường, nhờ chăm chỉ, cần mẫn và chịu khó làm ăn, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng hoa, cây cảnh của gia đình ông phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Hiện nay, gia đình ông có gần 700 gốc đào, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng, nuôi dạy 3 con ăn học, trưởng thành.

CCB Nguyễn Văn Hồng chia sẻ: Với người lính, dù khó khăn đến mấy cũng không được nản chí. Thêm vào đó, sự quan tâm hỗ trợ, động viên của các cấp, ngành và bà con nhân dân càng tiếp thêm động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Trong chiến đấu, người lính chung quyết tâm đánh đuổi quân thù; ở thời bình, người lính lại là người có uy tín ở khu dân cư, luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Đặc biệt, thông qua các hoạt động đoàn thể, chính trị, xã hội, họ thực sự đã và đang là cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân. Điển hình như CCB Nguyễn Văn Mỹ, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên). Hiện ông đang là Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. CCB Nguyễn Văn Mỹ không may nhiễm chất độc da cam, sức khỏe kém, thường xuyên đau ốm; song ông luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đến nay ông đang sở hữu mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

“Là thương binh bị nhiễm chất độc da cam, tôi luôn cố gắng đi đầu trong các phong trào thi đua để tạo tinh thần đoàn kết trong nhân dân, đồng đội, từ đó rèn luyện bản thân đức tính của một CCB, một thương binh tàn nhưng không phế. Giờ đây, dù tuổi đã cao, nhưng được tin tưởng, tín nhiệm giữ chức Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, tôi luôn phát huy hết khả năng của bản thân để đưa tổ chức hội thực sự là chỗ dựa tin cậy của hội viên” - CCB Nguyễn Văn Mỹ chia sẻ.

Có chứng kiến tận mắt mới thấy được nghị lực phi thường của những người lính đã từng qua năm tháng mưa bom, bão đạn. CCB Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Mỹ, Cà Văn Diên là 3 trong số rất nhiều tấm gương CCB dù đã để lại một phần máu xương ở chiến trường, nhưng luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trước gia đình, xã hội. Chính sự kiên trung, nghị lực ấy khiến tôi nhớ lại lời tâm sự của Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội CCB tỉnh khi nói đến khí chất của người lính cụ Hồ: “Với những người lính, tài sản lớn nhất khi phục viên, xuất ngũ, nghỉ chế độ không chỉ là ngôi sao trên mũ, bộ quân phục trong chiếc ba lô mà còn có cả trái tim và phẩm chất của người lính cụ Hồ... Bởi vậy, dù họ có mang trong mình những thương tật của một thời chiến tranh, song bằng ý chí, nghị lực, những CCB vẫn luôn phấn đấu lao động, sản xuất, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước... trở thành tấm gương sáng thời bình”.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/203115/nghi-luc-nguoi-linh