Nghi án Vụ trưởng Thanh tra chính phủ 'dạy' cách 'cấm cửa' báo chí

Không chỉ người làm báo mà người dân nói chung bức xúc trước những phát biểu 'chắc nịch rất tự tin' của ông Nguyễn Minh Mẫn tỏ ra coi thường báo chí, chỉ đạo các thành viên đoàn Thanh tra và các thầy cô giáo ĐHQG TP.HCM không được tiếp xúc và cung cập thông tin cho báo chí.

Ảnh minh họa.

Sợ “cởi áo cho người xem lưng”?

Theo Luật Tiếp cận thông tin thì quyền được tiếp cận thông tin được bảo đảm theo các nguyên tắc sau đây:

1. Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

2. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ.

3. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

4. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Cũng theo luật này thì một trong những kênh công khai thông tin chính thức là trên phương tiện thông tin đại chúng. Và cơ quan nhà nước cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng những thông tin theo quy định pháp luật phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thế nhưng, trong clip dài khoảng hơn 10 phút ghi lại lời và hình ảnh được cho là của ông Nguyễn Minh Mẫn - Quyền Vụ trưởng Vụ 3, Thanh tra Chính phủ trong buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia TP HCM và các trường trực thuộc đại học này ngày 28/9/2016, cho thấy các quyền này bị trở nên vô hiệu.

Báo chí bị “cấm cửa” không được tiếp cận với thành viên của đoàn Thanh tra lẫn các thầy cô giáo.

Trong clip, ông Mẫn “răn” các thành viên và cán bộ trường rằng: “Bất kỳ đoàn viên đoàn thanh tra nào, từ trưởng đoàn trở xuống mà tiết lộ thông tin công trình này bị yếu kém, ăn bớt vật tư này ra ngoài để báo chí biết thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật...

Kể cả các thầy cô các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, bởi chúng ta xấu xa lại đi cởi áo cho người xem lưng. Bởi báo chí nhiều vô số...

Kể cả trong quá trình thanh tra, các đồng chí không tiếp khách, không tiếp báo chí. Trừ báo Đảng vào tuyên truyền giúp các đồng chí trong dịp Tết như báo Nhân dân thì tiếp, còn lại thì không tiếp...”.

Người nghe lùng bùng lỗ tai không thể hiểu được ý niệm của ông Vụ trưởng. Vai trò, nhiệm vụ của Thanh tra là giúp cơ quan quản lý và đơn vị được thanh tra chấp hành đúng luật pháp, thực hiện việc quản lý công khai minh bạch, thế nhưng ông Vụ trưởng lại xem tiết lộ sai sót là việc vạch áo cho người xem lưng thì liệu thanh tra có đạt mục đích không?

Viên Vụ trưởng đòi… đuổi nhà báo

Luật quy định rõ ràng trách nhiệm và cách thức tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin. Tại điều 26 của Luật quy định: Cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin và vào Sổ theo dõi cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Trường hợp Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin chưa đầy đủ, chưa rõ ràng các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Luật này, cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm hướng dẫn người yêu cầu bổ sung.

Trường hợp thông tin được yêu cầu không thuộc trách nhiệm cung cấp thì cơ quan nhận được yêu cầu phải thông báo và hướng dẫn người yêu cầu đến cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Không có điều nào, quy định nào cho phép từ chối, gây khó cho công dân khi yêu cầu cung cấp thông tin chưa nói đó là nhà báo.

Thế nhưng trong clip này, ông Mẫn đã hùng hồn nhấn mạnh: “Tôi nói rõ, bất kỳ nhà báo nào vào quấy nhiễu các đồng chí, các đồng chí cứ điện trực tiếp cho tôi. Tôi nói thật, nhiều đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, nhiều Bộ trưởng cũng điện trực tiếp cho tôi. Tôi đuổi, tôi sẵn sàng phối hợp đuổi nhà báo ngay, chúng tôi chẳng ngại cái gì. Bởi vì trong quá trình báo chí nó nhiễu thì rất là nhục (...). Các đồng chí cố gắng khắc phục ngay, không tiếp đón gì cả, kể cả vào làm quảng cáo cũng dẹp hết. Hôm nay tôi nói rõ là trong quá trình các đồng chí làm sẽ có báo Thanh tra và Tạp chí Thanh tra, các đồng chí cũng không tiếp. Có bất kỳ phóng viên nào các đồng chí cứ điện tôi. Thứ nhất các đồng chí cứ kiểm tra thẻ nhà báo cho tôi. Thứ hai các đồng chí kiểm tra giấy giới thiệu xem ai ký, ký ngày nào hay giấy giới thiệu ép plastic. Các đồng chí cứ báo trực tiếp tôi”.

Tổng Thanh tra Chính phủ nói gì?

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, buổi làm việc trên còn có sự tham gia của ông Đặng Công Huẩn, Phó tổng Thanh tra Chính phủ. Ông Huẩn khẳng định, hôm đó ông có tham dự khi công bố quyết định thanh tra.

Sau đó ông có việc rời đi nên không nghe được đoạn ông Mẫn nói. “Tôi đã nghe anh em báo cáo rồi. Đang chuẩn bị nghe lại báo cáo diễn biến thế nào. Tôi đã giao Vụ Kế hoạch rà soát lại và báo cáo lại”, cũng theo ông Huẩn, ông Mẫn chưa có báo cáo chính thức bằng văn bản về việc này.

Trong khi đó, ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, ông chưa nắm được thông tin và không rõ nội dung được cho là ông Mẫn phát ngôn. Ông Sáu nói: “Tôi sẽ cho kiểm tra lại và sẽ yêu cầu báo cáo sự việc”...

Chúng ta hoan nghênh tinh thần cầu thị, khách quan của Tổng Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên điều cần được minh định ở đây là nội dung phát biểu của ông quyền Vụ trưởng có phù hợp pháp luật hay không?

Cần kết luận rõ vấn đề này vì phát biểu ấy không chỉ xúc phạm báo chí mà còn gây ngộ nhận hoang mang dư luận về thái độ ứng xử với báo chí.

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ cũng cần xem xét đánh giá, với nhận thức pháp luật hoàn toàn không tôn trọng quyền tiếp cận thông tin, xem minh bạch sai phạm là vạch áo cho người xem lưng như ông quyền Vụ trưởng Mẫn lại nắm trong tay quyền lực khá lớn trong thực hành pháp luật, có quyền thanh tra, đánh giá kiến nghị xử lý những đơn vị, cá nhân có trọng trách của xã hội, thì có thể gây ra những ngộ nhận, lệch lạc hay không?

Hơn thế nữa, về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Mẫn làm Quyền Vụ trưởng Vụ 3, Thanh tra Chính phủ vẫn còn nợ công chúng câu trả lời chính thức là có đúng quy trình không?

Việc bổ nhiệm có thật sự minh bạch không? Ông Mẫn có xứng đáng bổ nhiệm không?

Theo báo Tuổi Trẻ TP.HCM, trước khi ông Huỳnh Phong Tranh (Tổng Thanh tra Chính phủ tiền nhiệm) nghỉ hưu, đã có một số quyết định bổ nhiệm cán bộ bất hợp lý gây bức xúc.

Trong các quyết định ấy vào đầu tháng 3/2016, ông Tranh ký quyết định số 518 bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Mẫn, phó vụ trưởng Vụ 3, phụ trách vụ này.

Tại thời điểm đó, ông Ngô Văn Cao vẫn đang là vụ trưởng Vụ 3, chưa có quyết định nghỉ hưu, đến tháng 6/2016 ông Cao mới nghỉ hưu. Do đó tại Vụ 3 đã tồn tại câu chuyện vụ phó “phụ trách” vụ trưởng trong ba tháng.

Giải thích về việc này, ông Hoàng Hưng (phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Thanh tra Chính phủ), cho biết thời điểm trước khi nghỉ hưu, ông Cao có đơn xin nghỉ phép đi chữa bệnh.

Vì vậy, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ phải bố trí người điều hành đơn vị và cũng thuận lợi cho bàn giao công việc sau này. Tuy nhiên, theo tài liệu mà báo Tuổi Trẻ có được, thời điểm trước khi nghỉ hưu, ông Cao vẫn đi làm và điều hành công việc của Vụ 3.

Theo thông báo số 73 do ông Cao ký ngày 20/5/2016 thể hiện rõ ông đang điều hành công việc bình thường, do đi công tác nên ủy quyền cho ông Nguyễn Hữu Nhường (phó Vụ trưởng) điều hành, giải quyết công việc của vụ.

Trả lời việc bổ nhiệm như vậy đúng quy định hay không, ông Hưng nói: “Thông tin thì nhà báo nắm được rồi, trong câu hỏi nhà báo cũng nắm được rồi”.

E rằng cách trả lời của ông Hưng như vậy cũng chưa đủ rõ, ông Hưng cũng chưa đủ thẩm quyền để trả lời vụ việc này. Để bảo đảm danh chính ngôn thuận cho ông Mẫn cũng như tính minh bạch, gương mẫu của ngành Thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cần xem xét quy trình bổ nhiệm và chính thức trả lời dư luận.

Thư Khôi

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nghi-an-vu-truong-thanh-tra-chinh-phu-day-cach-cam-cua-bao-chi-d30053.html