Nghi án giữ xe “làm luật“ trong vụ “dàn trận“ bắt gạo của dân

"Gạo là hàng hóa không bắt buộc phải ghi nhãn do vậy ông Trụ không có hành vi vi phạm hành chính về việc ghi nhãn hàng hóa. Việc QLTT Thái Nguyên bắt hàng, giam xe của chủ hàng, chủ xe là trái pháp luật”, luật sư Vũ Văn Thiệu, công ty luật Incip khẳng định.

TIN LIÊN QUAN
QLTT Thái Nguyên “dàn trận” bắt gạo của dân!

"Gạo là hàng hóa không bắt buộc phải ghi nhãn do vậy ông Trụ không có hành vi vi phạm hành chính về việc ghi nhãn hàng hóa. Việc QLTT Thái Nguyên bắt hàng, giam xe của chủ hàng, chủ xe là trái pháp luật”, luật sư Vũ Văn Thiệu, công ty luật Incip khẳng định.

Ông tạ Đình Dũng, người ra các quyết định giữ xe, giữ gạo

“Vụ này chúng tôi thuộc bài lắm”!

Bày tỏ quan điểm hoan nghênh báo chí vào cuộc, làm rõ sự vụ, ông Nguyễn Tiến Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Thái Nguyên nói “vụ này chúng tôi thuộc lòng” và tự tin xác định 52 tấn gạo đội QLTT thành phố Thái Nguyên bắt giữ của hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Văn Trụ vi phạm quy định về nhãn mác theo NĐ 89.

Không biết các ban ngành chức năng Thái Nguyên “thuộc bài, thuộc luật” đến đâu mà đã bỏ qua một thực tế khi vận dụng pháp luật đó là mặt hàng gạo không phải mặt hàng nhà nước cấm lưu thông, buôn bán, vận chuyển.

Số gạo bị lực lượng QLTT Thái Nguyên bắt giữ đang trên đường vận chuyển nội địa, có thể được đem bán trực tiếp cho người tiêu dùng ở Cao Bằng hoặc bán cho đại lý sau đó đại lý mới bán cho người dân. 52 tấn gạo được đóng trong 1040 bao quy cách, mỗi bao 50 kg với tính chất là đựng hàng hóa với mục đích vận chuyển chứ không phải bao bì thương phẩm.

“Khoản 2, điều 5, Nghị định 89/2006 về nhãn hàng hóa cũng quy định, hàng hóa không bắt buộc phải ghi nhãn bao gồm: hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu ( nông sản, thủy sản, khoáng sản)…không có bao bì và bán trực tiếp theo thỏa thuận với người tiêu dùng.

Gạo là hàng hóa không bắt buộc phải ghi nhãn do vậy ông Trụ không có hành vi vi phạm hành chính về việc ghi nhãn hàng hóa. Do đó, việc QLTT Thái Nguyên bắt hàng, giam xe của chủ hàng, chủ xe là trái pháp luật”, luật sư Vũ Văn Thiệu, công ty luật Incip khẳng định.

Việc ông Nhữ Văn Tâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, chỉ đạo miễn xử phạt hành chính ông Trụ ( 50 triệu đồng) nếu xác định ông Trụ vi phạm kinh doanh hàng hóa không nhãn mác thì việc miễn phạt này đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước bởi ông Trụ không thuộc trường hợp miễn được xử phạt ( tuổi cao, sức yếu, vi phạm lần đầu…)

Về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa, luật sư Thiệu cũng cho rằng thông tư 09 quy định : Hàng hóa sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức cá nhân hoàn thiện hàng hóa hoặc thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa.

Ông Trụ là hộ kinh doanh cá thể, số gạo ông thu gom của nông dân chứ không phải ông sản xuất, ông đóng gạo vào bao tải và chở số gạo lên Cao Bằng chứ không phải hoàn thiện hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông ( bán lẻ) cho người tiêu dùng trên thị trường do vậy ông cũng không thuộc đối tượng buộc phải có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa cho số gạo nói trên.

Để bảo vệ quan điểm bắt hàng là đúng, giữ xe không sai, lãnh đạo lực lượng QLTT Thái Nguyên vẫn khăng khăng quan điểm: gạo nằm trong bao nên buộc phải có nhãn ghi rõ là: gạo tẻ. địa chỉ của người bán, xuất xứ hàng hóa, định lượng, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Lần sau ông Trụ chở gạo qua Thái Nguyên vẫn đóng bao sẽ bị phạt vì tái phạm còn đổ xuống…sàn hoặc đựng trong thùng, trong nồi thì…không sao.

Nghi án bắt xe, “làm luật”?

Hành vi vi phạm của ông Trụ được xác định không nghiêm trọng song đội QLTT thành phố Thái Nguyên phải sử dụng nghiệp vụ mua tin từ cơ sở rồi tổ chức vây bắt, dừng xe, giữ hàng tới 40 ngày theo ông Hoàn là do hàng hóa không có…giấy tờ, hóa đơn và đương sự không hợp tác, không ký biên bản nên phải giữ hàng, giữ xe để xác minh nguồn gốc hàng hóa.

“Nếu không phải hàng cấm, hàng lậu thì không phải giữ xe nhưng do đương sự không hợp tác không làm việc nên chúng tôi phải giữ. Tôi đã nhắc anh Dũng ngay từ đầu hành vi này có cần giữ xe không nhưng người ta không hợp tác, không làm việc, còn nếu hàng lậu hàng cấm thì đã cho vào nhà giữ của công an rồi”, ông Hoàn nói.

“Phản pháo” lại thông tin này, lái xe Lê Khắc Tỉnh, chủ hàng Ngô Văn Trụ, chủ xe Phạm Văn Đại cho biết không phải họ không hợp tác và không chịu ký biên bản. Thực tế, ngày 10/02/2012, ông Nguyễn Văn Trụ ủy quyền cho con trai là Nguyễn Hà Thuyên thay mặt ông toàn quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến số gạo đang bị tạm giữ... nhưng Đội QLTT thành phố Thái Nguyên không chấp nhận: “Anh Thuyên không đủ tư cách pháp nhân để giải quyết đến số gạo đang vận chuyển trên xe 89C- 00188. Yêu cầu anh Thuyên về thông báo với ông Nguyễn Văn Trụ trực tiếp đến với Đội QLTT – TP.TN để làm việc”.

Ông Ngô Văn Trụ cho rằng lực lượng QLTT nói số gạo không có hóa đơn đỏ nên phải giữ để làm rõ nguồn gốc là không hợp lý bởi lẽ số gạo trên xe ông thu gom của nông dân, không thể có hóa đơn đỏ. Ông Trụ cũng ước tính, việc bị giữ hàng gây thiệt hại cho ông 79 triệu đồng bao gồm: giá gạo giảm sút, lãi hàng tháng ông phải trả ngân hàng, tiền thuê xe…

Nếu khởi kiện, ông Trụ- chủ hàng- và ông Đại- chủ xe- có thể khởi kiện ngay chính thông báo số 11/TB/UBND ngày 7.3.2012. Nếu thắng kiện, ông Trụ và ông Đại sẽ được bồi thường thiệt hại do bị giữ hàng và giữ xe trái pháp luật. Thời hiệu khởi kiện là trong vòng 01 năm.

Ngày 13/02/2012, anh Nguyễn Hà Thuyên tiếp tục mang giấy ủy quyền của bố từ Bắc Giang và một số giấy tờ khác lên Thái Nguyên nhưng Đội QLTT–TP.TN chỉ tiếp nhận những giấy tờ của ông Thuyên để lưu vào hồ sơ vụ việc rồi chuyển lên cấp trên để xem xét giải quyết. Cũng cùng ngày, Đội QLTT-TP.Thái Nguyên lập biên bản làm việc với lái xe Lê Khắc Tỉnh yêu cầu “anh Tỉnh thông báo cho chủ xe cùng chủ hàng có mặt trụ sở Đội QLTT–TP.TN vào thời gian sớm nhất khi được thông báo của cơ quan QLTT để làm việc”.

“Chúng tôi đã đi đi lại lại nhiều lần mà không được giải quyết, biên bản viết xong chúng tôi xin bản sao cũng không được cấp để làm bằng chứng”, ông Phạm Văn Đại, chủ xe cho biết.

Hơn thế, ông Đại cung cấp thêm thông tin đây là lần thứ 3 các xe của công ty Đồng Lợi bị QLTT Thái Nguyên bắt giữ. Hai lần trước, ông phải nhờ nhiều mối quan hệ mới lấy được xe ra và đều phải nộp phạt. Lần này, giữa các khoảng thời gian Đội QLTT thành phố Thái Nguyên “gia hạn” giữ xe, giữ hàng, ông cũng được “bắn tin” phải A,B.C để từ nay có thể “an tâm” qua Thái Nguyên.

Phủ nhận có chuyện “bắt xe làm luật”, ông Tạ Đình Dũng Đội trưởng Đội QLTT Thành phố Thái Nguyên cho rằng đây là lần đầu bắt giữ xe tải biển kiểm soát 89C-00188 của công ty Đồng Lợi. Còn ông Nguyễn Tiến Hoàn thì khẳng định nếu như có chứng cứ thì sẽ kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, cấp phó của ông Hoàn lại “dọa” rằng nếu như không có chứng cứ thì những người cung cấp thông tin trên sẽ phạm tội…vu khống!

Cần nói thêm rằng, đây không phải lần đầu QLTT Thái Nguyên bắt hàng rồi lại gọi chủ hàng lên...tha. Trước đây, báo PLVN đã từng phản ảnh vụ việc tương tự ở Đội QLTT huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Khi được hỏi ông suy nghĩ sao trước “hiện tượng” này, ông Hoàn cho rằng căn nguyên nằm ở sự yếu kém của lực lượng QLTT do không được đào tạo chính quy.

Yếu kém dẫn tới vận dụng pháp luật khiên cưỡng hay còn có “động cơ” nào đằng sau sự vụ này, chỉ có sự kiểm tra, vào cuộc của cơ quan chức năng mới có thể làm sáng tỏ. Chúng tôi đã liên lạc với ông Trương Quang Hoài Nam- Cục trưởng Cục QLTT và được ông Nam chỉ đạo làm việc với người phát ngôn của Cục là ông Đỗ Thanh Lam về vụ việc này. Ông Lam cho biết hiện đang rất bận, sẽ làm việc với cơ quan báo chí vào đầu tuần sau.

Thanh Lương

Theo luật sư Vũ Văn Thiệu thì Bộ Công Thương cần giải thích rõ gạo có phải mặt hàng nông sản khi vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng phải dán nhãn mác hay không bởi nếu như cách vận dụng pháp luật của QLTT Thái Nguyên trong vụ việc này được áp dụng phổ biến thì không phải chỉ hạt gạo Bắc Giang không thể ra khỏi “lũy tre làng” mà sẽ thành một tiền lệ rất xấu đối với nông dân các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long hay Tây Nguyên. Nơi mà người nông dân, các đại lý thu gom vào vụ vẫn chở ầm ầm hàng ngàn bao tải thóc, gạo, hồ tiêu, cà phê đi bán cho các tư thương.

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-noi/201203/Nghi-an-giu-xe-lam-luat-trong-vu-dan-tran-bat-gao-cua-dan-2065234/