'Nghệ thuật Xòe Thái': Lưu giữ, trao truyền di sản giữa các thế hệ trong đời sống đương đại

Tròn 1 năm kể từ khi đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, 'Nghệ thuật Xòe Thái' đã có những bước phát triển mạnh mẽ, qua đó đóng góp không nhỏ vào sự phát triển nói chung của du lịch, văn hóa và cả kinh tế ở tỉnh Yên Bái.

Nhìn lại những dấu mốc đặc biệt

Vào ngày 15/12/2021, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Như đã biết, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên được xem là 4 cái nôi của Xòe Thái, trong đó Trung tâm của Xòe Thái có thể được coi là ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên, Thuận Châu (Sơn La).

Và đúng tầm này một năm về trước, chính xác là tối 24/9, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, UBND các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu phối hợp với Bộ Ngoại Giao, Bộ VH-TT&DL tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Sự kiện này đã chính thức đưa Xòe Thái trở thành một phần văn hóa đặc biệt không chỉ của đồng bào Thái, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn vươn ra tầm thế giới; trở thành một giá trị văn hóa chung cần được bảo tồn, gìn giữ và phát triển của nhân loại.

Trong lễ đón nhận Bằng của UNESCO cách đây một năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phát biểu chỉ đạo nhằm mục đích thúc đẩy sức sống mới, sự lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái”, cũng như “giá trị cao đẹp của Nghệ thuật Xòe Thái cần được bảo tồn, phát huy không chỉ trong nước mà còn quốc tế” và “tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống của các dân tộc nói chung và Xòe Thái nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Những bước phát triển ấn tượng

Kể từ đó cho đến nay, các cấp chính quyền và người dân Yên Bái đã không ngừng phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các ban bộ ngành Trung ương và địa phương để có thể tiếp tục duy trì và phát triển Xòe Thái; không chỉ giúp tăng cường đưa nghệ thuật này vào đời sống nhân dân trong tỉnh, mà còn quảng bá nghệ thuật văn hóa này đến với người dân trên cả nước và quốc tế, cũng như tạo đòn bẩy phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái.

Trước tiên, nhờ sự bền bỉ và những đóng góp của các nghệ nhân… mà đến nay, 100% trường học trên địa bàn đã đưa 6 điệu xòe cổ vào sinh hoạt ngoại khóa, bài tập thể dục giữa giờ giúp học sinh thư giãn sau những tiết học. Từ đó, khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ, giúp lan tỏa những giá trị yêu thương, an toàn trong học đường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt, từ 6 điệu xòe cơ bản, người Thái đã phát triển thành 36 điệu xòe.

Ngay từ năm 2022, các cấp Đảng và chính quyền Yên Bái đã khẩn trương xây dựng và ban hành các kế hoạch về phục hồi và phát triển du lịch, kích cầu phát triển du lịch và thu hút khách du lịch, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động và tổ chức chương trình nghệ thuật phát triển Nghệ thuật Xòe Thái.

Có thể nói, với đóng góp của sự kiện Xòe Thái đón nhận Bằng của UNESCO, năm 2022 đã đánh dấu sự phục hồi và phát triển du lịch của Yên Bái. Ngành du lịch Yên Bái đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 28.000 lượt (đạt 100% mục tiêu), trong đó, khách du lịch tham quan di tích và dự các lễ hội di sản chiếm tỷ lệ khá cao.

Trong 9 tháng năm 2023, Yên Bái ước tính đã đón trên 1.568.000 lượt du khách (vượt 104,5% kế hoạch năm); khách quốc tế đạt gần 84.000 lượt; doanh thu ước đạt trên 1.284 tỷ đồng (tăng 44,8% so với cùng kỳ). Kết quả đó cho thấy sự nỗ lực, năng động, sáng tạo của thành phố Yên Bái trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch nói chung, Xòe Thái nói riêng.

Xòe Thái trong không gian “Xanh - Hài hòa - Bản sắc và Hạnh phúc”

Để phát triển bền vững du lịch, văn hóa và kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND về văn hóa đối ngoại của tỉnh năm 2023, trong đó việc phát huy các giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái được xem như một mũi nhọn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái cũng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030, đề xuất các giải pháp tổng thể cho vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Để quảng bá du lịch Yên Bái, tỉnh cũng đã xây dựng Sổ tay các chương trình du lịch Yên Bái, xuất bản sách “Yên Bái - Con đường di sản”; nhất là hướng tới mục tiêu rộng lớn hơn là xây dựng Yên Bái trở thành một tỉnh “Xanh, Hài hòa, Bản sắc và Hạnh phúc”.

Hoa hậu Hoàn cầu năm 2017 Khánh Ngân trong vòng xòe tại một sự kiện quảng bá Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái.

Đặc biệt, trong Lễ công bố quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và công nhận đô thị loại 2, trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho thành phố Yên Bái và tối 24/9 vừa rồi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã rất kỳ vọng rằng Yên Bái sẽ nhanh chóng phát triển trở thành một hình mẫu về một tỉnh “Xanh - Hài hòa - Bản sắc và Hạnh phúc”.

Phó Thủ tướng cho biết trong buổi lễ: “Yên Bái có thể tạo ra cơ hội nổi trội, động lực phát triển nhanh, bền vững nếu được quy hoạch đúng hướng, với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn”.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Yên Bái có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nhiều mặt, với nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ như di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đỉnh Tà Xùa, Khau Phạ, hồ Thác Bà và nhiều giá trị văn hóa, trong đó có Xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó, Yên Bái sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới.

Minh Diễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-thuat-xoe-thai-luu-giu-trao-truyen-di-san-giua-cac-the-he-trong-doi-song-duong-dai-post266470.html