Nghệ thuật nghi binh trong chiến dịch Tây Nguyên

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Chiến dịch Tây Nguyên có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây là chiến dịch mở màn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Dân quân địa phương tham gia chống lầy, mở đường cho xe tăng quân giải phóng xuất kích trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Ảnh: Tư Liệu

Đầu năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch chiến lược chính trên chiến trường Tây Nguyên. Với chủ trương đánh địch ở nam Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột, tiến công tỉnh lỵ Phú Bổn (Cheo Reo) và phát triển xuống đồng bằng khu 5. Ngày 5/2/1975, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên được thành lập do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh; Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy; Thiếu tướng Vũ Lăng và đại tá Phan Hàm, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang làm Phó Tư lệnh.

Ngay sau khi thành lập, Bộ Tư lệnh Mặt trận xác định mục tiêu then chốt của Chiến dịch là Buôn Ma Thuột. Để địch không co cụm, tạo điều kiện cô lập và đánh chiếm Buôn Ma Thuột nhanh nhất, cần phải lên kế hoạch nghi binh, lừa địch. Kế hoạch này do Anh hùng lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến, Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên chủ trì soạn thảo. Ngày 25/2/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên họp, thông qua phương án tiến công Buôn Ma Thuột, trong đó công tác nghi binh chiến dịch được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Khi đó, trên địa bàn Tây Nguyên, địch có 1 sư đoàn bộ binh (sư đoàn 23) và 7 liên đoàn biệt động quân (các đơn vị này có quân số tương đương 10 trung đoàn), 36 tiểu đoàn bảo an, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn tăng - thiết giáp, 1 phi đoàn máy bay chiến đấu, 2 phi đoàn trực thăng, 1 phi đoàn vận tải, trinh sát và huấn luyện. Lực lượng địch chủ yếu tập trung ở Buôn Ma Thuột, nơi đặt Tổng hành dinh của Quân đoàn II, Quân khu II ngụy Sài gòn.

Ngày 25/2/1975, tại một cánh rừng của Đắk Lắk, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, họp, thông qua phương án đánh chiếm Buôn Mê Thuột.

Ảnh: Tư Liệu

Bản thảo kế hoạch nghi binh được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Về phía ta, lực lượng ở Tây Nguyên gồm 4 sư đoàn bộ binh (Sư đoàn 2, Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 và Sư đoàn 968 Trường Sơn), 4 trung đoàn độc lập, 1 trung đoàn đặc công, 1 trung đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo binh và 3 trung đoàn phòng không. Qua các nguồn tin tình báo, địch nhận định ta sẽ đánh Tây Nguyên. Căn cứ vào việc bố trí lực lượng của ta, chúng phán đoán ta sẽ đánh Kon Tum và Pleiku (bắc Tây Nguyên), chứ không đánh xuống phía nam, bởi nếu đánh Buôn Ma Thuột, các đơn vị chủ lực của ta sẽ phải di chuyển khoảng 300 km đường rừng, nhiều sông suối. Việc hành quân, đưa xe tăng, pháo binh và các thiết bị quân sự lớn từ bắc Tây Nguyên xuống sẽ rất khó khăn. Kế hoạch tác chiến của ta là “tương kế tựu kế”. Ta xây dựng kế hoạch nghi binh đánh lừa, làm cho địch lầm tưởng ta chuẩn bị đánh Kon Tum, Gia Lai, nhưng thực tế là ta lại điều Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 xuống phía nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột.

Thực hiện kế hoạch nghi binh, ta gấp rút triển khai hàng loạt nhiệm vụ ở phía bắc Tây Nguyên. Ngay đầu năm 1975, Trung đoàn 7 công binh - Đoàn 559 mở thông đường 220, nối đường 14 ở Bắc Võ Định với đường 19 gần đèo Mang Yang, vòng qua đông bắc thị xã Kon Tum. Hai trận địa pháo binh 130 mm giả được triển khai ở phía bắc Kon Tum (thực ra chỉ có súng cối 120 mm). Một số xe tăng cũ, xe xích kéo pháo, xe vận tải được tổ chức cơ động liên tục suốt ngày đêm, cố tình cho địch phát hiện. Hai bến phà được triển khai tại cầu Diên Bình và sông Đak Bla. Trong khi Sư đoàn 10 di chuyển xuống Đắk Lắk, đơn vị để lại một lực lượng nhỏ liên tục dùng súng cối bắn phá thị xã Kon Tum và đào nhiều hầm hào trong tuyến phòng ngự. Sư đoàn 320 cũng để lại một bộ phận lực lượng hoạt động ở đường 19 phía Tây Pleiku, dùng súng cối bắn phá các căn cứ La Sơn, Thanh An, Đồn Tằm. Trung đoàn 95 hoạt động mạnh ở đường 19 đông, chặn đánh các đoàn xe quân sự và tập kích một số chốt của địch. Trung đoàn đặc công 198 để lại 2 trung đội tập kích kho xăng Pleiku...

Trong khi các Sư đoàn 10, 320 và các trung đoàn độc lập di chuyển về quanh Buôn Ma Thuột, hệ thống điện đài của các đơn vị này vẫn giữ nguyên vị trí và liên tục phát đi các bức điện giả, báo cáo giả, mệnh lệnh giả với tần suất ngày càng cao. Để đánh lừa địch, Bộ Chỉ huy Mặt trận đã khẩn trương điều Sư đoàn 968 từ Lào về bắc Tây Nguyên, thế chân Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320. Tại đây, Sư đoàn 968 vẫn sử dụng hệ thống liên lạc vô tuyến đã có của 2 sư đoàn để lại. Toàn bộ hệ thống liên lạc điện đài 15W (loại dùng cho sở chỉ huy sư đoàn trở lên) vẫn hoạt động bình thường. Lực lượng an ninh giải phóng Pleiku và Kon Tum còn cho người vào tìm “người thân” trong khu vực do địch kiểm soát, phao tin quân giải phóng sắp đánh lớn vào Kon Tum và Pleiku. Dân chúng trong các vùng do Mặt trận kiểm soát ở quanh thị xã Pleiku - Kon Tum làm nhiều cờ, hoa, biểu ngữ với nội dung chào mừng Pleiku và Kon Tum được giải phóng.

Từ ngày 28/2 đến những ngày đầu tháng 3/1975, Sư đoàn 968 mở nhiều trận đánh nghi binh, mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. Ta tiến công thị xã Pleiku, sân bay Cù Hanh, căn cứ Hàm Rồng, thị xã Kon Tum, đồn Tầm, Tây Thanh An, cắt đường 14 Kon Tum - Pleiku,.. làm cho địch càng tin chiến dịch của ta vào bắc Tây Nguyên đã bắt đầu.

Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột.

Ảnh: Tư Liệu

Đối với lực lượng hành quân xuống phía nam, Bộ Tư lệnh quy định các đơn vị không được sử dụng máy thông tin, đặc biệt là mạng thông tin trên không. Chỉ huy hành quân hoàn toàn bằng thông tin hữu tuyến và thông tin chạy chân. Quá trình hành quân phải đảm bảo ngụy trang kỹ lưỡng, ngày vào rừng, tối hành quân, thực hiện nghiêm kỷ luật: Đi đến đâu ngụy trang, xóa dấu vết đến đó. Đầu tháng 2/1975, hơn 4 vạn quân thuộc 3 Sư đoàn bộ binh, các binh chủng xe tăng thiết giáp, pháo cao xạ... đã tập kết an toàn ở phía đông Buôn Ma Thuột mà địch không hề phát hiện. Để tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên, ta tổ chức cho Sư đoàn 316, cấp tốc hành quân từ Nghệ An vào bằng 500 xe ô tô. Vì chủ quan, nên đến khi ta tập kết Sư đoàn 320 phía bắc Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 10 ở tây Buôn Ma Thuột chuẩn bị đánh Đức Lập, Sư đoàn 316 tập kết ở khu vực Đăk Đoa, mà địch vẫn chưa biết gì.

Cùng lúc đó, tại Đắk Lắk, khi Trung đoàn 45 (Sư đoàn 23) của địch tổ chức các cuộc hành quân lùng sục xung quanh khu vực Buôn Ma Thuột, Thuần Mẫn và Đức Lập để tìm Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 của ta, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã lệnh cho các đơn vị của Sư đoàn 320A tạm lùi về phía tây, tránh giao chiến, không bộc lộ lực lượng. Các đơn vị được lệnh không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào.

Những hành động trên của Quân Giải phóng đã dẫn đến những thông tin trái ngược trong các báo cáo tình báo CIA cũng như của Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn. Từ những thông tin trên, Tư lệnh Quân đoàn II địch - Thiếu tướng Phạm Văn Phú đã có một quyết định sai lầm là điều Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 từ Ea H’leo tức tốc về lại tây thị xã Pleiku, mặc dù trước đó đã phê chuẩn kế hoạch chuyển sư đoàn này về Buôn Ma Thuột. Đến cuối tháng 2, CIA tại Sài Gòn vẫn chưa biết về việc tập trung quân của Quân Giải phóng và vẫn phán đoán mục tiêu tấn công chủ yếu của ta sẽ là Pleiku và Kon Tum.

Kế hoạch nghi binh của ta hoàn hảo tới mức, ngày 8 và 9/3/1975, khi ta nổ súng đánh vào quận lỵ Thuần Mẫn và quận lỵ Đức Lập, uy hiếp Buôn Ma Thuột mà thiếu tướng Phạm Văn Phú vẫn không đoán được ý đồ tác chiến của ta.

Hai giờ sáng 10/3/1975, cuộc tiến công của ta vào Buôn Ma Thuột bắt đầu, với các trận đột kích sâu của Trung đoàn 198 đặc công vào các mục tiêu: Sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, khu hậu cứ của Trung đoàn 53 ngụy. 4 giờ sáng ngày 10/3, xe tăng của quân giải phóng tiến vào nội đô Buôn Ma Thuột. Cũng trong ngày này, Buôn Ma Thuột thất thủ.

Có thể nói “Kế hoạch nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên” là “cuộc nghi binh hoàn hảo” trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã giữ được bí mật đến phút chót, khiến quân đội chính quyền Sài Gòn bất ngờ, không kịp trở tay. Chiến dịch thể hiện sự tài tình và độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật tổ chức nghi binh, lừa địch, giấu đi hướng tiến công chủ yếu, đánh vào nơi địch sơ hở nhất, đẩy địch vào thế bị động trên chiến trường, tạo ra thế và lực để giải phóng hoàn toàn các tỉnh Tây Nguyên, làm bàn đạp cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vũ Điền (Hội Lịch sử tỉnh)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nghe-thuat-nghi-binh-trong-chien-dich-tay-nguyen-49562