Nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền

QĐND - Cách đây 75 năm, ngày 27-9-1940, tại châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, khoảng 600 tự vệ và quần chúng cách mạng tiến công đồn Mỏ Nhài, giải phóng châu lỵ Bắc Sơn, xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã gây tiếng vang lớn, báo hiệu mở đầu thời kỳ đấu tranh mới của cách mạng Việt Nam: Thời kỳ kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng, đánh đổ chính quyền của địch, giành độc lập, tự do. Khởi nghĩa Bắc Sơn đã giúp cho Đảng ta rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, nổi bật là nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Tượng đài chiến thắng đồn Mỏ Nhài trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Ảnh tư liệu.

Trước hết, Đảng ta đã chủ động chọn thời cơ khởi nghĩa đúng lúc, kịp thời. Chọn châu Bắc Sơn vì lúc này chính quyền địch ở đây đã hoang mang, rệu rã trước sức tiến công của quân Nhật từ miền Nam Trung Quốc vào Lạng Sơn (đêm 22, rạng sáng 23-9-1940). Khi rút chạy qua Bắc Sơn, tàn quân Pháp vẫn ức hiếp, cướp bóc, tàn sát đồng bào ta rất dã man. Tình hình đó đòi hỏi Đảng bộ Bắc Sơn phải nhanh chóng phát động nhân dân chống lại hành động ngang ngược của quân Pháp. Đây là điều kiện khách quan thuận lợi để tiến hành khởi nghĩa. Đặc biệt, Bắc Sơn là nơi nhân dân các dân tộc chung sống vốn có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng bộ Bắc Sơn đã chủ động lãnh đạo nhân dân xây dựng thực lực cách mạng đón thời cơ khởi nghĩa như: Phát triển cơ sở cách mạng, tuyên truyền vận động đoàn, dõng và binh lính địch ở địa phương theo cách mạng, chuẩn bị lượng thực, vũ khí… Khi tàn quân Pháp từ thị xã Lạng Sơn chạy qua Bắc Sơn để xuống Thái Nguyên, nhân dân địa phương đã tổ chức các tổ tự vệ phục kích, tiêu diệt và tước vũ khí của địch. Đây là yếu tố chủ quan hết sức thuận lợi để phát động nhân dân đấu tranh chống địch. Nắm bắt thời cơ cách mạng đã đến không thể bỏ lỡ, Đảng bộ Bắc Sơn quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang và thành lập Ủy ban khởi nghĩa là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời.

Đảng ta xác định, quần chúng là lực lượng quan trọng, quyết định thành công, nên đã phát động quần chúng nhân dân, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt để tiến hành khởi nghĩa. Để tiến đánh đồn Mỏ Nhài, mở đầu cuộc khởi nghĩa, Đảng bộ địa phương đã huy động các đảng viên, đông đảo quần chúng nhân dân ở các xã Hưng Vũ, Chiêu Vũ, Trấn Yên, Bắc Sơn tham gia và vận động nhân dân ủng hộ vũ khí thu được của tàn quân Pháp vứt lại trên đường chạy trốn, đồng thời tổ chức lực lượng tự vệ và vận động cả một số tổng đoàn, xã đoàn, lính dõng và khố đỏ ngả theo cách mạng cùng tham gia. Dựa vào sức mạnh của quần chúng và có LLVT làm nòng cốt, khởi nghĩa Bắc Sơn đã giành thắng lợi bước đầu. Trên cơ sở phong trào quần chúng khởi nghĩa sôi nổi, được nhân dân ủng hộ, che chở, đùm bọc và sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Đảng bộ Bắc Sơn tổ chức xây dựng Đội du kích Bắc Sơn (sau đổi tên là Trung đội Cứu quốc quân 1) làm vốn quân sự cho việc xây dựng LLVT cách mạng của Đảng sau này.

Thành quả to lớn của khởi nghĩa Bắc Sơn là đã đập tan chính quyền của thực dân, phong kiến ở địa phương, thế nhưng chính quyền cách mạng chưa được thành lập để thay thế chính quyền địch, thực hiện chuyên chính vô sản, trấn áp bọn tay sai phản cách mạng, do đó đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cách mạng Bắc Sơn, làm giảm sút sức mạnh cuộc khởi nghĩa. Sau khi làm chủ châu lỵ, Ban chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, nhưng sau đó không thành lập ngay chính quyền cách mạng để thực hiện chức năng bảo vệ thành quả khởi nghĩa giành được mà để cho tự vệ, quần chúng trở về thôn xóm và chờ chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ. Do chính quyền cách mạng chưa được thành lập và không thực hiện được chuyên chính triệt để đối với quân thù, nên thành quả của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã hạn chế nhiều và gặp những khó khăn, tổn thất sau đó. Vì vậy, để có thành công trọn vẹn, cần phải thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng và bảo vệ thành quả khởi nghĩa giành được.

Từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn cho thấy, việc kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị trong quá trình khởi nghĩa cần phải thực hiện xuyên suốt. Sau chiến thắng Mỏ Nhài, vấn đề kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị còn mờ nhạt. Đến khi Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo, công tác chính trị bắt đầu được coi trọng, sự kết hợp giữa quân sự với chính trị trong đấu tranh vũ trang được thực hiện, góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng Bắc Sơn phát triển. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, khởi nghĩa Bắc Sơn mới có sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, trong đó Đội du kích Bắc Sơn đảm nhiệm cả vũ trang đánh địch và vận động quần chúng (kể cả binh lính địch) ủng hộ, tham gia khởi nghĩa, mở rộng địa bàn hoạt động, xây dựng căn cứ cách mạng Bắc Sơn-Võ Nhai.

Cuộc khởi nghĩa chỉ diễn ra ở Bắc Sơn, các lực lượng tham gia không nhiều và tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng có tầm vóc, ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam và được Đảng ta đúc rút làm phong phú thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình đấu tranh cách mạng. Bài học từ khởi nghĩa Bắc Sơn cũng như các cuộc khởi nghĩa vũ trang khác sau đó là cơ sở quan trọng để Đảng rút kinh nghiệm tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền cách mạng trên phạm vi cả nước.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/khoa-hoc-nghe-thuat-quan-su/nghe-thuat-chi-dao-khoi-nghia-vu-trang-gianh-chinh-quyen/380097.html