Nghe sông Cái thì thầm

Nhà tôi nằm bên dòng sông Cái - một dòng sông chảy hoài trong ký ức với bao kỷ niệm của ông cha và của tôi. Những kỷ niệm đẹp và êm đềm như dòng sông vậy.

Sông Cái, một nhánh của dòng Đồng Nai - ôm trọn đêm ngày dải đất cù lao Phố quê tôi. Bởi thế, dòng sông Cái thân thiết, gắn bó với người quê tôi từ thuở lọt lòng để rồi đi xa không ai không quay quắt nhớ về. Tôi đã đọc ở đâu đó về sự hình thành của dòng sông Cái rằng, dòng sông nào cũng có những khúc uốn, dòng Đồng Nai cũng vậy. Một trong những khúc uốn của sông Đồng Nai theo năm tháng đào khoét, xoáy mòn khiến đầu khúc uốn xích lại gần nhau hơn và tạo thành cổ khúc uốn. Nước lũ làm nước sông dâng cao cắt qua cổ khúc uốn tạo thành dòng mới. Rạch Cát là dòng sông Đồng Nai cũ cùng dòng mới ôm lấy phần đất cù lao Phố.

Tôi thường được nghe những người già kể về dòng sông với hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện của ông cha từ thuở đầu khai thiên lập địa, về những biến cố, về dòng họ từ phương xa đến đây lập nghiệp, những gian khó tạo lập thời chân ướt chân ráo đến vùng đất mới, những ký ức chiến tranh… Thiên nhiên đã ưu ái cho người dân quê tôi dòng sông với biết bao của cải còn nhiều hơn một kho báu hiếm quý. Dòng sông đắp bồi phù sa tưới tắm cho những vườn cây trái ngát xanh trĩu quả, cho ruộng đồng phì nhiêu trĩu hạt những mùa gặt, cho cá tôm và dòng nước ngọt mát quanh năm.

Nhà tôi ở làng Bình Tự, nhìn qua bên kia là cù lao Cỏ xanh mướt bóng dừa. Thời xưa ông cha sinh sống bằng nghề trồng lúa, trồng mía làm đường. Những con đường làng ngày ấy còn nhỏ lắm nên chở lúa, chở mía về nhà toàn phải dùng xuồng ghe. Con sông Cái là con đường chính để nhà tôi đi lại, sinh sống. Bến sông thân quen, gần gũi như cửa ngõ, cổng nhà vậy. Ngày xưa cá nhiều vô kể, tối tối ông ngoại tôi chỉ bơi xuồng đi vài ba tiếng là có đầy cá to. Nhiều bữa cá ăn không hết là ông cố tôi lại gọi con cháu bên Tân Mai, bên cù lao Cỏ qua mang về ăn. Nước sông được bà, má, cậu tôi gánh lên tưới cho những gốc bưởi sau nhà. Có lẽ nước sông Cái thích hợp với bưởi nên cù lao xưa bưởi ngon nức tiếng Nam bộ. Ngoại kể, vườn bưởi nhà tôi và nhiều nhà cứ gần Tết là người buôn khắp vùng gần xa tới mua xếp đầy xuồng, ghe. Bưởi Thanh Trà ngọt thanh, bưởi đường ngọt lịm, bưởi ổi thoang thoảng mùi ổi chín… mới nghe tên thôi đã thấy thèm. Tiếc là bưởi cù lao nổi danh xứ Nam kỳ nay chỉ còn trong ký ức. Ngày ấy, nước sông Cái ngọt, trong vắt và sạch lắm, người dân bên sông chỉ việc gánh nước lên xài. Tiếc thay ngày nay nước sông không còn trong xanh do làng bè nuôi cá, rác sinh hoạt vứt xuống ngày càng nhiều.

Cha bạn tôi - bậc cao niên đất cù lao, tuổi trên chín mươi cứ đau đáu trong hoài niệm về dòng sông Cái. Thời chống Pháp, bác làm thợ cơ khí ở Thủ Đức, một ngày nọ Pháp nghi hoạt động cho cách mạng nên chúng đến nhà bắt. Mấy tên lính Tây đưa ra bến sông đầu làng Bình Tự, chúng tra hỏi không được định bắn bác rồi đẩy xuống sông. Đúng cái giây phút tưởng đã trôi sông ấy thì một tên ngăn lại và giải đi giam. Đôi mắt ông già cù lao đong đầy nỗi nhớ: “Mỗi lần đi ngang qua bến sông ấy bác lại nhớ vô cùng. Dòng sông Cái đã cưu mang người dân cù lao suốt mấy trăm năm qua. Dân không giàu có nhưng đủ ăn, đủ mặc, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Mai này có cây cầu Thống Nhất bắc qua sông Cái sẽ giúp cù lao vươn lên, dân mình được đổi đời…”.

Sông Cái vẫn ngày đêm mải miết chảy, rì rào sóng vỗ, vẫn thao thức không ngủ để cù lao quê tôi ngày càng xanh tươi, trù phú. Và để có những buổi hoàng hôn ngồi bên sông tôi được nghe sông thì thầm…

Đào Hồng Khởi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202310/nghe-song-cai-thi-tham-bb05205/