Nghệ sĩ Nhân dân Trương Mạnh Thắng: 'Đời nghệ sĩ như kiếp tằm nhả tơ…'

'Đời nghệ sĩ như kiếp tằm nhả tơ, cứ rút ruột để mà cống hiến'… Đó là quan niệm về cuộc đời làm nghệ thuật của Nghệ sĩ Nhân dân Trương Mạnh Thắng. Anh là nghệ sĩ duy nhất của Hải Dương được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong đợt 10 vừa qua.

Anh Trương Mạnh Thắng (ngoài cùng bên trái) được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ngày 6/3/2024 (ảnh nhân vật cung cấp)

Nghệ sĩ Nhân dân trẻ nhất của Hải Dương

Nghệ sĩ Nhân dân Trương Mạnh Thắng sinh năm 1973, ở tỉnh Ninh Bình. Hiện anh là Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật I, Nhà hát Chèo Hải Dương.

Anh thường được chọn diễn vai chính diện vì có hình thể cao ráo, khuôn mặt chữ điền, giọng trầm ấm, lối diễn ung dung, chững chạc. Tính đến nay, anh đã diễn gần 20 vai chính diện có nội tâm đa dạng, số phận đa đoan. Anh thể hiện thành công nhiều vai nhân vật lịch sử như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Đại danh y-Thiền sư Tuệ Tĩnh và đặc biệt được vào vai Bác Hồ thời chống Pháp… Năm 2013, anh được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật từ năm 1990 đến nay, anh giành 6 huy chương vàng, 2 huy chương bạc Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc.

Nói về danh hiệu cao quý trên, anh Thắng cho rằng, đó là niềm vinh dự, tự hào cả đời làm nghệ thuật của anh. Chưa bao giờ nghĩ sẽ hái “quả ngọt” như hôm nay, anh chỉ tâm niệm, trên con đường hoạt động nghệ thuật, trước hết phải nỗ lực, làm việc hết sức mình. Như anh nói: “Đời nghệ sĩ như kiếp tằm nhả tơ, cứ rút ruột để mà cống hiến”.

Sau Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mơ, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thái, anh Thắng là nghệ sĩ thứ ba của Hải Dương được trao tặng danh hiệu này. Anh trở thành Nghệ sĩ Nhân dân trẻ nhất của Hải Dương khi được trao tặng danh hiệu cao quý ở tuổi 51. “Đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân nghệ sĩ Mạnh Thắng mà còn là niềm tự hào chung của cả giới nghệ sĩ Hải Dương”, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mơ, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương cho biết. Theo bà, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân hoàn toàn xứng đáng với quá trình lao động, cống hiến nghệ thuật của Trương Mạnh Thắng.

Hơn 30 năm trước, khi tuyển diễn viên cho Đoàn Chèo Hải Hưng, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mơ là thành viên Hội đồng Nghệ thuật. Bà vẫn nhớ dáng vẻ thư sinh với đôi mắt sáng, giọng hát hay và khả năng biểu diễn truyền cảm của anh. “Thắng từ sớm đã bộc lộ tố chất với chèo, rất chịu khó học hỏi, yêu nghề. Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, Thắng đã khẳng định mình bằng tài năng và sự nỗ lực của bản thân”, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mơ nói.

Còn anh Thắng lại cho rằng, đi đôi với niềm vinh dự, tự hào là trách nhiệm lớn lao: “Đạt được danh hiệu đó, tôi nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng tin yêu, sự ghi nhận của Nhà nước, của khán giả”. Cùng với đó là trách nhiệm dìu dắt lớp trẻ, gìn giữ và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống của cha ông.

Qua nhiều gian truân

Nghệ sĩ Nhân dân Trương Mạnh Thắng với hình tượng Bác Hồ trong vở "Biên giới mùa thu ấy" (ảnh nhân vật cung cấp)

Đến với nghệ thuật chèo, từ khi còn trẻ, trải qua nhiều khó khăn, đã có lúc anh Thắng hoang mang, không tự tin vào bản thân và con đường đã chọn. Bằng tình yêu nghề, sự cố gắng, cuối cùng anh tìm thấy bản ngã, được là chính mình khi gắn bó với nghệ thuật chèo.

Có năng khiếu văn nghệ từ nhỏ, anh lại may mắn có người chị ruột là cố Nghệ sĩ Ưu tú Trương Ngọc Bích, diễn viên Đoàn Chèo Hải Hưng (tiền thân Nhà hát Chèo Hải Dương hiện nay). Năm 1990, anh được tuyển vào Đoàn Chèo Hải Hưng như một cơ duyên.

Tuy nhiên, suốt 3 năm, anh không tìm được vị trí thực sự trong đoàn. Các vai diễn của anh lúc bấy giờ chỉ là vai lính tráng, quần chúng. “Khi đó, tôi không nhìn thấy tương lai và không biết mình có gắn bó được với nghề này không?”, anh Thắng nói.

Được chị và anh em đồng nghiệp động viên, anh đã đưa ra một quyết định dứt khoát: “Theo, phải theo bằng được”! Anh chăm chỉ học, tự mình trau dồi và học hỏi từ các thế hệ đi trước.

Sau thời gian dài học tập, lần đầu tiên anh được diễn vai phụ (anh công an) trong vở “Nỗi đau tình mẹ”. Tuy chỉ là vai diễn bình thường nhưng được các nghệ sĩ đi trước hướng dẫn nên anh tiến bộ rất nhanh. Năm 1996, Đoàn Chèo Hải Hưng tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp vùng duyên hải tại Nam Định, vai diễn của anh đoạt huy chương vàng. Đây là tấm thẻ thông hành có ý nghĩa đánh dấu một chặng đường đi lên phía trước với anh.

Năm 1997, Đoàn Chèo Hải Hưng dựng vở “Côn Sơn hiền sĩ” nhân kỷ niệm 555 năm ngày mất của Đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Vai Nguyễn Trãi ban đầu được giao cho nghệ sĩ Ngọc Bảo. Tuy nhiên, chỉ còn 10 ngày sau công diễn, nghệ sĩ Ngọc Bảo ốm nặng. Anh Thắng được chọn thế vai. Đứng trước thử thách lớn cũng là cơ hội mang tính bước ngoặt này, anh không chỉ nghiên cứu kịch bản mà còn dày công tìm hiểu thêm tư liệu để hiểu hơn về Nguyễn Trãi. Từ cảm nhận, anh thẩm thấu, suy ngẫm, tìm ra lối diễn xuất chân thực và phù hợp nhất. Chỉ tập luyện trong 10 ngày, anh đã thể hiện vai diễn thành công. Vở diễn được ghi hình, phát trên nhiều kênh của Đài Truyền hình Việt Nam. Vai diễn của anh gây dấu ấn trong lòng khán giả và giới chuyên môn.

Sau đó, anh liên tiếp được chọn diễn các vai khó. Trong đó, khó nhất là vai diễn Bác Hồ. Để diễn vai các nhân vật tầm cỡ là điều không hề dễ. “Ngoài việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp, tài năng, nhân cách của họ qua sách, báo, người nghệ sĩ còn phải tìm ra nét riêng của mỗi nhân vật”, anh Thắng cho biết.

Theo anh Thắng, người nghệ sĩ phải đau đáu, bằng cách nào đó, phát âm, nhả chữ, thần thái, cử chỉ để khán giả xem, nghe, cảm xúc về nhân vật. Người nghệ sĩ phải là người mang cảm xúc cho khán giả…

Trong bối cảnh có nhiều loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Thắng cho rằng, lớp diễn viên trẻ phải luôn giữ được ngọn “lửa nghề”, làm việc với tâm thế cống hiến, cố gắng mới có thể thực hiện tốt sứ mệnh của một nghệ sĩ.

TƯỜNG VY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nghe-si-nhan-dan-truong-manh-thang-doi-nghe-si-nhu-kiep-tam-nha-to-376048.html