Nghệ sĩ nâng tầm với dàn nhạc giao hưởng quốc tế

Lần đầu tiên ca sĩ nhạc nhẹ Tùng Dương trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng nhất Ba Lan trong đêm nhạc cổ điển kết hợp đương đại - như một cách để các nghệ sĩ gieo mầm và đưa âm nhạc hàn lâm tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ theo cách phổ cập nhất.

Lần đầu tiên ca sĩ nhạc nhẹ hát Opera

Đêm nhạc cổ điển Toyota 2016 lần đầu tiên chọn chủ đề “Giao hưởng giao thoa” - kết hợp âm nhạc cổ điển và đương đại, sẽ diễn ra vào đêm 11.11 tại Nhà hát TPHCM, với dàn nhạc giao hưởng Baltic Neopolis - một trong những dàn nhạc lừng danh tại Ba Lan, từng nhận được giải Grammy Ba Lan dành cho Album âm nhạc hay nhất năm 2015, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng kiêm nghệ sĩ violin tài hoa Vasko Vassilev.

Với chủ đề “Giao hưởng giao thoa”, khán giả có cơ hội thưởng thức những kiệt tác opera bất hủ của các nhà soạn nhạc lừng danh Puccini, Verdi và Bizet (được biên soạn lại bởi nhạc sĩ người Anh gốc Singapore - Pamela Tan Nicholson) như “Chuyện nàng Turandot”, “Hồ điệp truyện”, “Câu chuyện của Carmen” và “Cùng nâng ly và ca hát”…

Điểm nhấn của năm nay là màn biểu diễn tiết mục mang tên “Đoàn kết ASEAN” - ca khúc được nhạc sĩ Pamela Tan Nicholson sáng tác riêng dành cho chương trình. Tiết mục do dàn hợp xướng học sinh, sinh viên tại TPHCM trình diễn cùng dàn nhạc.

Tùng Dương sẽ hát 2 bài cùng dàn nhạc giao hưởng Baltic Neopolis, gồm một bản opera và ca khúc “Mắt đêm” thuộc dự án album mới “Rễ cây” của mình. Anh chia sẻ: “Hát với dàn nhạc giao hưởng danh tiếng là một điều vinh dự với Tùng Dương và đây là một trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, hát cùng dàn giao hưởng đối với ca sĩ là điều khó nhất, phải cẩn trọng hơn rất nhiều. Người nghệ sĩ dễ mắc lỗi và chỉ cần sai một chi tiết nhỏ thôi cũng làm hỏng nguyên bài. Hơn thế, nghệ sĩ phải bỏ đi cái tôi cá nhân để hòa mình cùng dàn nhạc, vì việc hát với dàn nhạc giao hưởng khác với việc đứng hát trên sân khấu nhạc nhẹ. May mắn là năm 2015 Tùng Dương đã được biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng nên đến với đêm nhạc cổ điển này, Tùng Dương cảm thấy mình rất tự tin”.

Theo Tùng Dương, chương trình nhạc cổ điển Toyota năm nay kết hợp giao hưởng và nhạc pop là một sự kết hợp hay, vẻ đẹp của âm nhạc vì thế mà được nhân rộng, không bị đóng khung. Chính vì thế mà nghệ sĩ phải hát với một tâm thế mới, góp phần vào việc làm cho nền âm nhạc Việt dịch chuyển đến gần hơn với âm nhạc thế giới.

Tiếp cận công chúng trẻ

Được biết, từ trước đến nay, đa số các nghệ sĩ Việt được mời tham gia Đêm nhạc Classic Toyota thường là ca sĩ opera hoặc các tài năng âm nhạc của Việt Nam như nghệ sĩ violin Lê Hoài Nam (năm 2012), nghệ sĩ violon Bùi Công Duy (2009), pianist Ngô Hồng Quang (2010), rồi Đặng Thái Sơn (2011), Lê Hoài Nam (2012), Nguyễn Hữu Nguyên (2013), Nguyễn Ly Hương (2014), Hoàng Tuấn Cương (2015).

Trước đó, chỉ duy nhất một lần, dàn nhạc giao hưởng của chương trình mời nghệ sĩ opera Nguyễn Bích Thủy cùng trình diễn vào năm 2009 và cô đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Tuy nhiên, vào năm 2014, chương trình đã “gây sốc” khi mời Dàn nhạc giao hưởng Covent Garden Soloists nổi tiếng đến từ Nhà hát Giao hưởng vũ kịch Hoàng gia London - Vương quốc Anh biểu diễn những bản concerto nhạc phim do chính nghệ sĩ Pamela chuyển thể. Điều đó cho thấy, âm nhạc cổ điển cũng đang đi tìm khán giả trẻ theo một cách phổ cập nhất.

Năm nay, chương trình mời ca sĩ nhạc pop Tùng Dương thử tài hát opera cùng dàn nhạc. Dĩ nhiên, Tùng Dương sẽ phải thu bớt cá tính của mình để có cách chinh phục khán giả opera, nhưng rõ ràng, việc thay đổi này đã mở ra một cơ hội cho các nghệ sĩ Việt khám phá tiềm năng của chính mình và suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc kết hợp cùng các dàn nhạc lừng danh của thế giới để nâng đẳng cấp của mình lên.

Nói về việc nghệ sĩ nhạc pop lần đầu hát opera, nhạc sĩ Dương Thụ nhấn mạnh: “Đây là một trong những cách để các bạn trẻ gieo mầm âm nhạc hàn lâm và để nó nảy nở trên mảnh vườn âm nhạc Việt Nam. Tùng Dương đã trở về với âm nhạc cổ điển với một tâm thế khác, một lựa chọn khác. Tôi từng nghe nghệ sĩ Nguyễn Bích Thủy hát Opera cùng dàn nhạc Praha trong một chương trình Classic Toyota và rất thích.

Năm nay, chủ đề giao hưởng giao thoa có thể làm một số người yêu nhạc cổ điển không hài lòng, nhưng tính chất đương đại phù hợp đời sống âm nhạc Việt Nam và cổ điển đương đại có một sức sống mới. Giới trẻ đang quan tâm đến âm nhạc thính phòng, trước họ chỉ nghe cổ điển, thì nay có thêm chất đương đại sẽ thu hút họ hơn nữa. Hơn thế, theo tôi, sẽ có nhiều bạn trẻ đến nghe, để đánh thức sự sáng tạo trong người nghệ sĩ, để biết ước mơ, rằng có ngày mình sẽ hát hoặc trình diễn cùng dàn nhạc lớn như thế thì sẽ thế nào”.

MINH THI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/nghe-si-nang-tam-voi-dan-nhac-giao-huong-quoc-te-602941.bld