Nghề nuôi ong lấy mật

Khai thác lợi thế của địa phương có nhiều nguồn hoa, nhất là hoa nhãn; các hộ dân ở huyện Sông Mã đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, liên kết thành lập Hợp tác xã nuôi ong mật Sông Mã, mở ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Anh Lê Văn Kính, Giám đốc HTX nuôi ong mật Sông Mã, thông tin: HTX hiện có 16 thành viên nuôi ong, trung bình mỗi hộ nuôi 150 đàn, chủ yếu là giống ong mật nhập ngoại. Với vùng cây ăn quả lớn; hoa nhãn, xoài và hoa rừng đã tạo cho sản phẩm mật ong chất lượng tốt. Sản lượng mật của HTX luôn đạt năng suất 30 lít/đàn/năm, với giá thu mua giao động từ 70.000-150.000 đồng/lít tùy loại, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt trên 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. HTX quan tâm xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm, đến nay, mật ong của HTX không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà còn tại một số tỉnh thành lớn trên cả nước.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX nuôi ong mật Sông Mã.

Ông Đặng Đình Quý, thành viên của HTX ở bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật. Ông Quý chia sẻ: Sông Mã là vựa nhãn lớn nhất tỉnh, đây cũng là nguồn hoa chất lượng để phát triển nuôi ong. Việc nuôi ong lấy mật dưới tán cây nhãn có vốn đầu tư ban đầu không lớn, không tốn nhiều nhân lực, mà còn tăng thêm thu nhập cho gia đình. Sau nhiều năm chia tổ để tăng đàn, đến nay gia đình đã có 500 đàn ong, mỗi năm thu khoảng 16 tấn mật các loại, với giá bán 150.000 đồng/lít mật, trừ chi phí cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm từ bán ong giống và mật ong.

Đầu tư nuôi ong lấy mật với quy mô lớn, anh Nguyễn Văn Cường, bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu, thành viên HTX nuôi ong mật Sông Mã, chia sẻ: Nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng, như xây tổ, chia đàn, các khu vực có nguồn hoa, mùa ong đi lấy mật. Loại hoa để ong lấy mật tốt nhất là hoa nhãn, vải và các loại mật ở lá cây keo, cây bạch đàn... Mùa có mật bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 7, thời điểm rộ mật nhất là tháng 4 và tháng 5, người nuôi có thể quay mật từ 2 đến 3 lần trong tháng. Chất lượng mật thời điểm này cũng được đánh giá là tốt nhất trong năm. Hiện, gia đình tôi có 900 đàn ong với sản lượng mật trung bình đạt 45 kg/đàn/năm.

Hằng năm, HTX đã tạo việc làm mùa vụ và thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên HTX hiện nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến sản xuất mật ong theo phương thức hữu cơ; sản phẩm mật ong Quyết Thắng Sông Mã của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Năm nay, HTX tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào phát triển nuôi ong mật, tiêu thụ các sản phẩm mật ong, các loại giống ong cho năng suất, chất lượng cao.

Cùng với việc chú trọng đầu tư cho sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, HTX quan tâm, tham gia các hoạt động quảng bá nông sản ở các hội chợ trong và ngoài huyện. Các sản phẩm của HTX tham gia bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống phân phối, cũng như các trang mạng xã hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm.

Với mục tiêu phát triển bền vững, HTX tích cực hướng dẫn các thành viên áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ kết nối, xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, giúp các thành viên yên tâm đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, đưa mật ong trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nghe-nuoi-ong-lay-mat-51191