Nghệ nhân Nam Định trình diễn nấu phở điêu luyện tại 'Festival Phở 2024'

'Festival Phở 2024' với người dân làng Vân Cù (Nam Định) không chỉ là cơ hội quảng diễn nghệ thuật ẩm thực của địa phương mà còn là nơi mọi người được gửi gắm niềm yêu thương, niềm tự hào về một món ăn mang hồn cốt của dân tộc Việt.

Trong khuôn khổ “Festival Phở” năm 2024 tổ chức tại tỉnh Nam Định ngày 15/3, tại đình làng Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực) - nơi có nghề phở truyền thống - cộng đồng làng với rất nhiều nghệ nhân ở mọi miền đất nước đã hồi hương, trình diễn nghệ thuật nấu phở do cha ông trao truyền.

Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần quảng bá nét độc đáo của ẩm thực Việt nói chung, tinh hoa phở Việt nói riêng, hướng tới xây dựng hồ sơ, đưa phở vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới….

Nghệ nhân thái thịt chuẩn bị cho phở (Ảnh: Nhung Nhung).

Tham gia chương trình, người dân, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm toàn bộ quá trình làm phở qua các khâu: tráng bánh, làm bánh phở tươi, cách thái bánh phở; nấu nước phở, thái thịt bò, ướp gia vị và hoàn thiện một bát phở.

Khu trình diễn được cộng đồng làng dựng ngay trong khuôn viên đình làng. Ở mỗi gian các nghệ nhân làng Vân Cù sẽ trình diễn một khâu trong cả quy trình làm ra một bát phở.

Nghệ nhân trình diễn tráng bánh phở tại gian riêng trong sân đình làng Vân Cù (Ảnh: Nhung Nhung).

Chia sẻ về “bí kíp” làm ra những bát phở chuẩn thương hiệu “phở Cồ” (còn gọi là phở Vân Cù), nghệ nhân Cồ Như Đồi với hơn 35 năm kinh nghiệm làm nghề, cho biết, từ khâu chọn gạo làm phở, lựa thịt bò, các loại rau, gia vị, quy trình nấu nước phở đều rất chặt chẽ để giữ được hương vị phở xưa đặc trưng.

Đặc biệt là phần nước dùng. Ngoài chọn nguyên liệu tươi ngon, chủ yếu là xương bò, xương lợn, người Vân Cù còn có “bí kíp” xử lý nguyên liệu sao cho loại bỏ được mùi hôi, làm dậy lên mùi béo ngọt của xương hầm.

Nước dùng ngoài xương là nguyên liệu chủ yếu, để có vị ngọt thanh, người nấu phở nơi đây dùng các loại củ quả để nấu cùng, tạo nên hương vị đặc trưng riêng có.

Gia vị nấu phở ngoài thảo quả, hoa hồi, quế chi lấy từ vùng Tây Bắc, nước mắm, muối, hành tím được chọn lọc từ các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng...

Việc chọn lọc nguyên liệu, gia vị kỹ lưỡng cùng “bí kíp” tổ truyền trong việc tra nấu tạo nên hương vị phở mang đậm bản sắc văn hóa của Nam Định không lẫn với phở vùng khác.

Du khách thích thú trải nghiệm làm bánh phở truyền thống dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân (Ảnh: Nhung Nhung).

Nghệ nhân phơi bánh (Ảnh: Nhung Nhung).

Bánh phở sau khi được phơi xong sẽ được nghê nhân thái thủ công (Ảnh: Nhung Nhung).

Nồi nước dùng có vị ngọt của xương được ninh trong nhiều giờ để tạo hương vị đậm đà (Ảnh: Nhung Nhung).

Các nghệ nhân chuẩn bị phục vụ phở cho các thực khách (Ảnh: Nhung Nhung).

Người dân thích thú thưởng thức bát phở truyền thống (Ảnh: Nhung Nhung).

Hình ảnh bát phở được phục vụ tại làng Vân Cù, Nam Định (Ảnh: Nhung Nhung).

Nghệ nhân Cồ Như Thiều - một người làng Vân Cù đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề phở cho biết - Ban tổ chức đã chuẩn bị gần 5 tạ bánh phở để làm ra hơn 3.000 bát phở phục vụ du khách.

Ông nói: "Những sự kiện như thế này rất có ý nghĩa với bản thân tôi và dân làng Vân Cù. Dù làm ăn xa nhưng chúng tôi đã đoàn kết lại, cùng hỗ trợ, học hỏi, bảo ban nhau giữ gìn nghề phở của cha ông. Không chỉ xây dựng quê hương giàu mạnh mà còn cố gắng đưa hương vị phở Vân Cù phát triển ra cả nước và thế giới”.

Nhung Nhung

PV

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/nghe-nhan-nam-dinh-trinh-dien-nau-pho-dieu-luyen-tai-festival-pho-2024-20240315232155100.htm