Nghề làm bánh, mứt vào mùa Tết

ĐTO - Còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này, nhiều gia đình làm bánh, mứt truyền thống như: bánh tráng, bánh in, mứt bí, mứt me, mứt gừng, mứt chuối phồng... trên địa bàn tỉnh đang tất bật sản xuất ngày lẫn đêm để có đủ sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp Tết.

Ông Nguyễn Văn Bé Sáu ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung tất bật làm bánh tráng phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024

Đến với ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, những ngày này, không khí làm bánh tráng khá nhộn nhịp. Người dân thức dậy tráng bánh từ lúc 1 giờ khuya đến 14 - 15 giờ chiều mỗi ngày. Trên giàn phơi, những vỉ bánh tráng được xếp thành hàng dài để phơi nắng. Các thanh niên vác bánh mới tráng đem ra phơi, trở bánh. Trong nhà, các cô, dì, chị ngồi bên bếp lửa hồng tráng bánh. Những người làm bánh với đôi tay nhanh thoăn thoắt tráng bánh liên tục, người ngồi cạnh bên lấy bánh xếp ngay ngắn lên vỉ để đem phơi. Mọi người làm việc khá tất bật, cộng thêm tiếng cười nói làm cho không khí cả xóm thêm rôm rả.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (SN 1978) ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề bánh tráng hơn 30 năm nay. Ngày thường, tôi tráng bánh theo đơn đặt hàng, khoảng 500 cái/ngày. Từ đầu tháng 11 âm lịch đến những ngày cận Tết, khách hàng mua bánh tráng tăng hơn nên gia đình chuẩn bị thêm nguyên liệu như gạo, mè, đường để sản xuất mới có thể đáp ứng đủ số lượng bánh cho khách hàng. Thời điểm này, 1 ngày, tôi tráng khoảng 1.200 - 1.500 bánh. Nhờ nghề làm bánh tráng, mỗi mùa Tết, tôi có thu nhập thêm từ 7 - 10 triệu đồng”.

Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Bé Sáu (SN 1964) ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước đang tất bật làm bánh tráng bán dịp Tết Nguyên đán 2024. Để làm ra những cái bánh tráng ngon, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khách hàng, hàng ngày, ông Sáu thức dậy vào lúc 1 giờ khuya để nhóm lửa, chuẩn bị bột, lau vỉ để tráng bánh. Tuy giá nguyên liệu gạo, đường tăng nhưng gia đình ông vẫn giữ bán giá bình ổn, không tăng nhiều so với ngày thường. Để đa dạng các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, ngoài bánh tráng nhúng, ông Sáu còn tráng thêm bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt. Hiện tại, gia đình ông Sáu sản xuất khoảng 1.000 cái bánh/ngày. Ông Nguyễn Văn Bé Sáu bộc bạch: “Nghề làm bánh tráng cũng khá vất vả, tráng bánh phải ngồi bên bếp lò suốt ngày nên rất nóng, việc phơi bánh phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu trời mưa không phơi được kể như làm bánh không có lời. Vất vả là vậy nhưng đây là nghề truyền thống của ông bà để lại nên gia đình tôi vẫn giữ đến ngày nay”.

Cùng với những hộ làm bánh tráng, nhiều gia đình làm mứt bán Tết cũng tranh thủ ngày nắng phơi khô từng mẻ mứt để kịp giao cho khách hàng. Chị Đỗ Thị Thu Thủy (SN 1970) ngụ ấp Hòa Định, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung có hơn 10 năm trong nghề làm các loại mứt: me, gừng, bí, chùm ruột, chuối phồng để bán trong dịp Tết. Chị Thủy chia sẻ: “Mỗi năm, gần đến Tết, tôi tranh thủ tìm mua các nguyên liệu gừng, bí, me để làm mứt bán. Để làm ra các loại mứt, các thành viên trong gia đình tôi phụ giúp nhau, mỗi người một công đoạn như: gọt me, bí, xả mứt, sên mứt, phơi mứt. Tết này, tôi làm khoảng 100kg mứt các loại để bán. Tôi thường bán mứt cho các mối quen, số mứt còn lại thì đem ra chợ bán”. Còn bà Nguyễn Thị Kim Cương (SN 1964) ngụ Phường 2, TP Cao Lãnh những ngày này cũng làm tăng số lượng bánh in để bỏ mối cho các cửa hàng ở chợ Cao Lãnh. Theo bà Nguyễn Thị Kim Cương, bánh được làm bằng thủ công nên rất ngon, giữ được hương vị truyền thống. Thời điểm cận Tết, vợ chồng bà Cương làm khoảng 500 cái bánh in/ngày, hàng làm ra không đủ bán”.

Hiện nay, bên cạnh nhiều loại bánh, mứt của các công ty trong và ngoài nước với mẫu mã, chủng loại đa dạng phong phú, sản phẩm bánh, mứt truyền thống vẫn được nhiều gia đình ưa chuộng, sử dụng trong dịp Tết. Nhờ vậy giúp cho các sản phẩm bánh, mứt truyền thống đứng vững trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thơ (SN 1970) ngụ ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, nói: “Thị trường bánh, mứt Tết có khá nhiều loại, đa dạng. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình, tôi thường mua bánh, mứt của các hộ sản xuất có uy tín, chất lượng để dùng trong những ngày Tết”.

Với sự ủng hộ của người tiêu dùng giúp các sản phẩm bánh, mứt chế biến theo phương pháp truyền thống tại địa phương giữ vững chỗ đứng trên thị trường. Nghề làm bánh, mứt truyền thống không chỉ giải quyết việc làm trong thời gian nhàn rỗi cho lao động mà còn tạo thu nhập thêm cho gia đình trong thời điểm Tết.

MỸ XUYÊN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/nghe-lam-banh-mut-vao-mua-tet-119703.aspx