Nghề đóng thuyền sắt trên sông Đà

Từ nhu cầu về phương tiện phục vụ đánh bắt thủy sản, vận chuyển nông sản, hàng hóa, vận chuyển hành khách ngày càng tăng của người dân dọc sông Đà, những năm qua các xưởng cơ khí, cơ sở chế tạo, sửa chữa thuyền sắt thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên được mở rộng, góp phần cùng người dân vùng ven sông phát triển kinh tế.

Xưởng cơ khí ở bản Quế Sơn, xã Chiềng Sại (Bắc Yên) đóng thuyền sắt phục vụ phát triển kinh tế.

Trước những năm 2000, người dân thường sử dụng thuyền độc mộc, thuyền ván gỗ... Theo đó, những chiếc thuyền độc mộc được tạo ra từ thân cây gỗ lớn, bào, đục, tạo lòng thuyền vừa đủ độ cân đối để không bị chông chênh, lật thuyền khi di chuyển trên sông. Sau này, xuất hiện thuyền ván gỗ với ưu điểm nhẹ, dễ đóng, nhưng độ bền không cao, chỉ dùng để đánh cá ven sông, hoặc kéo vó bè. Khi lòng hồ thủy điện Sơn La tích nước, cùng với nguồn lợi thủy sản lớn, việc giao thương hàng hóa vùng dọc sông Đà tăng lên, những loại thuyền trước đây không đáp ứng được nhu cầu, nên từng bước người dân đóng những chiếc thuyền bằng sắt có kích cỡ lớn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ. Các huyện dọc sông Đà trên địa bàn tỉnh Sơn La đều có từ 3 - 5 xưởng cơ khí, cơ sở sửa chữa, đóng thuyền sắt.

Xưởng đóng thuyền sắt của gia đình anh Đinh Văn Huấn, bản Quế Sơn, xã Chiềng Sại (Bắc Yên) là một trong những cơ sở được nhiều khách hàng biết đến. Anh Huấn cho biết: Từ năm 2012, gia đình tôi đã gắn bó với nghề làm thuyền sắt. Hiện nay, xưởng cơ khí của gia đình nhận làm các loại thuyền dài từ 5-20 m, rộng 1-3 m, có sức chứa từ 3 tạ-20 tấn. Tùy theo nhu cầu đặt thuyền của khách hàng và các loại máy lắp cho thuyền mà giá bán thuyền khác nhau, song phần lớn dao động từ 10 -120 triệu đồng. Trung bình 1 tháng, xưởng đóng được 6-7 chiếc thuyền nhỏ, 1 chiếc thuyền cỡ lớn. Sau khi trừ tiền công của công nhân và chi phí nguyên vật liệu sắt, thép, gia đình thu gần 20 triệu đồng/tháng. Thuyền của gia đình bán ở các xã dọc sông như: Tà Hộc (Mai Sơn), Mường Khoa (Bắc Yên), Chiềng Hoa (Mường La), Đá Đỏ, Bắc Phong, Tân Phong (Phù Yên) và một số xã thuộc huyện Đà Bắc, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình).

Theo anh Huấn, để đóng được một chiếc thuyền sắt chắc chắn, đảm bảo an toàn khi di chuyển trên sông, cần sự tỷ mỷ, kỳ công. Đầu tiên, người thợ phải hàn định hình khung sắt cho thuyền, đa phần sử dụng sắt chữ V có độ dày từ 2-5 mm, sau đó sử dụng tôn lá ốp và hàn vỏ, làm hệ thống mái che, sơn chống rỉ và lắp động cơ cho thuyền. Trong đó, quy trình hàn vỏ là khó thực hiện nhất, tỷ mỷ nhất, nên thợ hàn phải thạo nghề, mối hàn kín, đẹp thì vỏ thuyền mới bền, chắc.

Dọc bờ sông Đà, đoạn qua xã Tân Phong (Phù Yên) những chiếc thuyền mới, cũ nằm san sát trên khu vực bến phà, bến đỗ, bao gồm thuyền chở hành khách, vận chuyển nông sản hàng hóa, thuyền đánh bắt cá, tôm... Trên bãi đất trống gần nhà dân khu vực bến phà Vạn Yên, một tốp thợ đang hàn, gò hoàn thiện 2 chiếc thuyền. Được biết, đây là thuyền của gia đình ông Đinh Văn Cường, bản Vạn Yên, xã Tân Phong đang được thợ Xưởng cơ khí của gia đình anh Đinh Văn Tiến, cùng ở xã Tân Phong đóng mới. Ông Cường chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi sử dụng thuyền gỗ, rồi thuyền sắt loại nhỏ để chở nông sản từ nương của gia đình bên kia sông về nhà. Sau này, để mở rộng kinh doanh hàng hóa, nông sản, gia đình tôi đã thuê thợ đóng 2 chiếc thuyền sắt mới, tải trọng hơn 2 tấn/chiếc, trị giá trên 40 triệu đồng/chiếc. Thuyền sắt có thời gian sử dụng lâu hơn, vận chuyển được nhiều nông sản hơn, lại góp phần giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng lấy cây gỗ lâu năm làm thuyền.

Những chiếc thuyền ngày đêm xuôi ngược dòng Đà giang vận chuyển hàng hóa, nông sản, vận chuyển hành khách, giúp người dân vùng ven lòng hồ thủy điện phát triển kinh tế. Điều đó đồng nghĩa với việc các xưởng cơ khí đóng mới, sửa chữa thuyền sắt cũng đồng hành cùng phát triển, mang lại thu nhập khá, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân trong vùng.

Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nghe-dong-thuyen-sat-tren-song-da-25781