Nghề chế biến cá hấp khô

Thương hiệu cá hấp tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) nổi tiếng vì cá được chế biến theo quy trình truyền thống, không sử dụng hóa chất trong sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau những chuyến biển đầu năm, ngư dân tại xã Bình Minh trúng được nhiều mẻ cá lớn như cá nục, cá cơm, mực... Từ khi có nghề đi biển thì nghề hấp cá cũng ra đời, gắn bó với người dân làng biển nơi đây, giúp tăng thêm thu nhập cho họ.

Thương hiệu cá hấp tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) nổi tiếng vì cá được chế biến theo quy trình truyền thống, không sử dụng hóa chất trong sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau những chuyến biển đầu năm, ngư dân tại xã Bình Minh trúng được nhiều mẻ cá lớn như cá nục, cá cơm, mực... Từ khi có nghề đi biển thì nghề hấp cá cũng ra đời, gắn bó với người dân làng biển nơi đây, giúp tăng thêm thu nhập cho họ.

Nghề hấp cá tuy không khó nhưng đòi hỏi người làm phải quen với độ nóng của bếp lửa và mùi khói bốc lên từ nồi hấp trong suốt nhiều giờ liền. Để làm được những mẻ cá hấp tươi ngon, có chất lượng, người lao động phải rửa thật nhẹ tay nếu không cá sẽ bị trầy, nát. Sau đó, cá được đặt vào các lớp vỉ lưới xếp thành tầng để cho ráo nước, rồi đưa vào lò hấp. Thời gian hấp cá chỉ trong khoảng từ ba đến năm phút. Giai đoạn hấp, người làm phải canh thật chuẩn, nếu không cá hấp chín quá dễ bị mềm, nát, mất đi vị ngon vốn có. Cá sau khi hấp chỉ cần phơi nắng một ngày là có thể đóng gói, đưa đi tiêu thụ.

Là một trong hai chủ cơ sở lớn nhất tại xã Bình Minh, anh Nguyễn Văn Minh chia sẻ, hiện gia đình anh đang có hàng chục lò hấp cá đặt tại địa phương. Bình quân mỗi ngày, những cơ sở của anh thu mua hàng tấn cá cơm, cá nục của ngư dân. Số cá cơm tươi hiện được mua vào với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Sau khi hấp và phơi khô, cá cơm được bán với giá khoảng 100 đến 120 nghìn đồng/kg. Bà Trương Thị Một, người có hơn 40 năm gắn bó với nghề hấp cá ở thôn Hà Bình cho biết thêm, nghề làm cá hấp đã giúp cho gia đình có nguồn thu nhập ổn định khoảng 300 đến 400 nghìn đồng/ngày.

Thời điểm này, các cơ sở hấp cá ở xã Bình Minh đã bước vào mùa hấp cá. Theo UBND xã Bình Minh, để bảo đảm an toàn cho người lao động ở các cơ sở chế biến trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính quyền xã đã đến từng cơ sở tuyên truyền, vận động người dân đeo khẩu trang khi làm việc, rửa tay bằng các loại nước sát trùng theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Bình quân một ngày, xã Bình Minh cung cấp ra thị trường hàng tấn cá hấp khô với giá cả ổn định. Từ đó, vừa góp phần giữ gìn một nghề vốn có từ lâu ở làng biển, vừa nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

NAM TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/44066602-nghe-che-bien-ca-hap-kho.html