Nghề cào ốc gạo ở Quảng Nam

Trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người dân xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ và xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã mang dụng cụ ra biển cào ốc gạo (ốc ruốc) để kiếm nguồn thu nhập cho gia đình.

Người dân xã Tam Tiến đánh vật từng cơn sóng biển để cào ốc gạo.

Thời điểm này, dọc ven biển ở Quảng Nam lại rộn ràng với nghề khai thác ốc gạo. Người dân địa phương đã dậy từ sáng sớm cùng nhau đem các dụng cụ như: thùng, cào lưới dài hơn 1,5m và rổ rá;… ra khu vực cách bờ biển từ 15 đến 30m để cùng nhau cào ốc gạo.

Ngư dân đánh vật với sóng biển để cào ốc gạo.

Ông Nguyễn Minh Cự, trú thôn Ngọc An, xã Tam Tiến cho hay, gia đình ông cùng nhiều người dân trong thôn đã bắt đầu cào ốc từ trước Tết Nguyên đán 2023 đến nay. Thời tiết thuận lời thì hành nghề này chẳng có gì khó khăn, nhưng biển động thì phải đánh vật với từng con sóng mới có hiệu quả. Mỗi người cào ốc gạo trung bình mỗi ngày kiếm được từ 400 đến 600 nghìn đồng/người, nếu hôm nào cào được nhiều ốc gạo kiếm được hơn 1 triệu đồng/người.

Từng tải ốc gạo được người dân đưa lên bờ.

“Nghề cào ốc gạo này chỉ diễn ra vài tháng là hết mùa ốc. Mới vào mùa nên con ốc còn nhỏ, thương lái thu mua chủ yếu cung cấp làm thức ăn cho các hộ nuôi tôm hùm ở các tỉnh như Khánh Hòa Phú Yên. Hiện mỗi thùng, tải ốc gạo có giá 25 nghìn đồng loại nhỏ, còn loại lớn có giá cao hơn từ 80 nghìn đồng. Tôi thường kiếm được khoảng 500 trăm nghìn đồng/ngày”.

Ông Nguyễn Minh Cự đang cào ốc gạo ở biển Tam Tiến.

Sáng sớm anh Lê Duy Tịnh, trú thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh đã mang theo trên vai chiếc cào được làm bằng khúc tre dài khoảng 2m, phía dưới gắn lưỡi cào bằng sắt và một tấm lưới ra biển để cào gốc gạo. Anh Tịnh cho biết, muốn hành nghề thì ai nấy đều phải sắm đồ nghề như anh.

Anh Tịnh cùng nhiều người ngâm mình trong nước biển để cào ốc gạo.

“Để cào ốc gạo được phải đi từ sớm khoảng 3h đến 5h sáng, thời điểm này thủy triều rút xuống, ít sóng biển đánh mạnh nên cào ốc dễ hơn. Sau khi cáo ốc thì mọi người đưa vào bờ để bán ốc cho thương lái”, anh Tịnh nói.

Một người dân đang cào ốc gạo.

Lão ngư Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Ốc gạo chỉ sống trong cát ở vùng gần bờ biển. Để cào được ốc gạo mọi người phải dùng tay cầm vợt cắm mạnh xuống dưới lớp cát rồi đi về phía trước đến khi nào thấy nặng là đưa vợt lên và rũ lớp cát rơi xuống biển thì còn lại ốc trong vợt. Trung bình mỗi ngày mỗi người có thể cào được khoảng 4 đến 5 thùng ốc gạo nên cũng có nguồn thu nhập để lo trang trải cuộc sống của gia đình”.

Nghề cào ốc gạo giúp người dân kiếm bộn tiền.

Theo nhiều người dân xã Tam Tiến, ốc gạo năm nay mới bắt đầu vào mùa nên ốc nhỏ, bà con chủ yếu bán cho chủ hồ nuôi tôm hùm. Vài tuần nữa đến giữa mùa thì ốc gạo lớn sẽ có giá khoảng 80 nghìn đồng/thùng, có thể sẽ tăng lên từ 150 đến 200 nghìn đồng/thùng ốc.

Ốc gạo được ngư dân đánh bắt cho vào xô, thùng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, trước Tết và sau Tết Nguyên đán 2023, người dân địa phương bắt đầu vào mùa cào ốc gạo. Hiện tại giá ốc gạo dao động từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/thùng.

Dùng xe máy chở ốc gạo đi bán cho thương lái.

“Vào mùa thì toàn xã có hơn 100 người dân đi cào ốc gạo nên cũng giúp bà con có nguồn thu nhập đầu năm mới. Nghề cào ốc gạo chỉ được vài tháng và đến cuối tháng 4 là hết mùa, sau đó ngư dân chuyển qua khai thác thủy sản”, ông Trần Hải Nam thông tin.

Ốc gạo do ngư dân Quảng Nam đánh bắt được.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nghe-cao-oc-gao-o-quang-nam-5708565.html