Nghề báo là phải hy sinh, nhưng cũng đầy tự hào

Tôi đến với nghề là có chọn lọc từ khi còn là học sinh. Còn làm báo trong quân đội thì lại là cái duyên. Với những đặc thù riêng của quân đội, đặc biệt là với lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP), khi làm nghề viết lách đã để lại rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Hơn 10 năm công tác, tôi nghiệm ra rằng làm báo là phải hi sinh, nhưng cũng đầy tự hào.

Dấn thân với nghề

Tốt nghiệp ra trường và nhập ngũ, tôi - một nữ chiến sĩ mang quân hàm binh nhất bắt đầu làm báo dưới sự dẫn dắt, chỉ bảo tận tình từng câu chữ của một người chú, người thủ trưởng trong đơn vị, và nay chú đang giữ chức danh Phó Chính ủy BĐBP tỉnh.

Tác giả khi mới mang quân hàm binh nhất theo đoàn phân giới cắm mốc của tỉnh đi tác nghiệp

Những ngày tháng đó, biết bao mới mẻ, bỡ ngỡ và khó khăn. Bởi thực hành khác rất nhiều so với những gì được học trên ghế nhà trường. Và hơn nữa là những đặc thù riêng trong quân đội từ phong cách cho đến ngôn từ. Vượt lên tất cả, bắt đầu là những tin ngắn rồi sau đó là những bài viết đầu tiên được các cơ quan báo, đài sử dụng. Từ đó tôi đã đến với nghề và làm nghề bằng tất cả nhiệt huyết và sức lực của mình. Rất nhiều những bữa cơm muộn, thậm chí nhịn ăn để viết tin, bài, gửi hình về các cơ quan báo, đài cho kịp tính thời sự. Cũng rất nhiều những ngày vượt nắng, vượt mưa, xuyên đêm để quay, để viết. Thế nhưng càng đi, càng viết, tôi lại càng thấy yêu và đam mê với nghề. Có thể nói, đam mê làm báo là có thật. Nhưng thời điểm đó, với gia cảnh khá khó khăn, làm báo cũng như là một vị cứu tinh cho hoàn cảnh của mình. Với mấy trăm ngàn phụ cấp chiến sĩ, thì số tiền nhuận bút mỗi tháng vài ba triệu cũng đã giúp tôi có thể chu cấp cho 2 em trai theo học đại học.

Tác giả tác nghiệp tại thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp

Nói đến đam mê, với tôi đi kèm là sự dấn thân và trách nhiệm. Để nội dung truyền tải đến bạn đọc chân thật nhất, dù bất kỳ tin hay bài viết nào, dù xa hay gần tôi đều đến tận nơi để tìm hiểu, để ghi nhận, để chia sẻ. Tôi nhớ mãi những lần theo các trinh sát đánh án, muốn tường tận mọi diễn biến thì phải vào tận sào huyệt. Tôi chấp nhận sắm các vai khác nhau, khi là học sinh, lúc là bạn gái của đồng chí trinh sát để vào vòng trong giáp lá cà với các đối tượng, để được tận mắt quan sát, ghi hình. Có lần phá chuyên án đánh bạc tại Bù Đốp, tôi vác máy chạy theo các trinh sát đang đuổi bắt đối tượng. Khi xong nhiệm vụ tôi mới phát hiện tay chân mình bị thương khá nhiều bởi cây cỏ và dây thép gai. Cũng có lần tôi sắm vai bạn gái của một đồng chí trinh sát vào một quán cà phê trên địa bàn xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập để “hẹn hò” nhằm mật phục, bắt các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy. Khi đó là lần đầu tiên trong đời tôi tận mắt chứng kiến một con nghiện tự dùng kim tiêm chất ma túy vào người, và cũng là lần đầu tôi chứng kiến một con nghiện phê ma túy... Khi đó tôi rất sợ, tay chân luống cuống, run lẩy bẩy đến nỗi khi các trinh sát phát lệnh đánh bắt, tôi còn suýt đánh rơi máy quay phim mini mang theo. Đổi lại cho nỗi sợ hãi đó là bài viết của tôi được ban biên tập sử dụng và bạn đọc đánh giá cao.

…Và những hi sinh

Có thể nói nghề báo là một nghề vất vả. Với phụ nữ thì sự khó khăn đó sẽ nhân đôi. Với bản thân tôi cũng vậy. Phụ nữ ai cũng muốn đẹp trong mắt người khác, song khi đến với nghề, ngoài mái tóc ngày càng khô cứng, tôi cũng đã quen với làn da rám nắng chấm thêm nám đen trên gương mặt của mình. Thêm vào đó, vì thường xuyên vai vác máy quay, cổ đeo máy ảnh, lưng mang ba lô nên di chứng để lại là cột sống có dấu hiệu thoái hóa sớm. Tôi tin rằng đại đa số những nữ phóng viên, nhà báo đều chung số phận như tôi.

Tác giả khi tác nghiệp tại huyện Snuol, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia

Ngoài ra, gắn bó với nghề là biền biệt những ngày tháng xa nhà, xa chồng con. Nhớ những ngày, tháng đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện trên lãnh thổ nước ta khiến ai cũng hoang mang, lo sợ “lũ giặc” vô hình. Trên biên giới, lực lượng BĐBP đã căng bạt, mắc võng lập chốt để phòng chống dịch. Thực hiện chủ trương “ai ở đâu ở đó” để phòng, chống dịch, phóng viên các cơ quan báo, đài không thể đến biên giới để tác nghiệp. Thời điểm đó, mặc dù con còn nhỏ song tôi đã gửi cho ông bà trông nom rồi lên đường đến từng chốt, từng đồn để quay lại những thước phim, chụp lại những hình ảnh và tìm hiểu, ghi nhận những vất vả, hi sinh cũng như những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh và nhân dân trên khu vực biên giới trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19.

Vì lo sợ lây nhiễm dịch bệnh nên gần một tháng tôi không giám về gặp con, dù có lúc đi qua nhà. Từ lúc sinh ra có lẽ bé cũng đã quen với sự vắng mặt thường xuyên của mẹ. Thế nhưng lần đó, vì đi quá lâu nên mỗi lần gọi điện thoại về bé đều trách móc và nói lên ước mơ của mình là được cùng mẹ đánh răng mỗi tối, được mẹ đọc truyện cổ tích cho nghe và được mẹ ôm ngủ. Nói đến đây chắc mọi người sẽ nghĩ tôi tham công tiếc việc, song tôi nghĩ rằng “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Khi đồng đội đang dầm nắng, dầm mưa, trắng đêm trên biên giới thì không lý gì bản thân mình lựa chọn việc ở nhà an nhàn “trốn dịch”.

Tác giả khi tham gia làm nhiệm vụ tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp cho nhân dân khu vực biên giới tỉnh Bình Phước

Vất vả là vậy, hi sinh là có. Thế nhưng đổi lại khi làm báo, bản thân tôi có được rất nhiều vinh dự lớn, nhỏ khác nhau. Khi làm báo, đặc biệt là một nữ quân nhân làm báo tôi trở nên khác biệt hơn. Chỉ có khi làm báo tôi mới có cơ hội được gặp gỡ và tiếp xúc với các vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, thủ trưởng bộ, ngành trong nước và nước láng giềng. Khi làm báo tôi được tiếp xúc, làm quen với nhiều anh chị em phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khác. Ở đó tôi được sẻ chia, được giúp đỡ và quan tâm, động viên rất nhiều. Cũng chỉ khi làm báo, tôi mới có cơ hội được đi, được đến rất nhiều nơi, được làm quen, được hiểu hơn về những phong tục tập quán khác nhau của nhân dân biên giới. Với tôi đó là một niềm vinh dự và rất đỗi tự hào.

Hồng Ánh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/200/134192/nghe-bao-la-phai-hy-sinh-nhung-cung-day-tu-hao