Sử dụng căn cước điện tử làm thủ tục hành chính, có được không?

Liên quan đến căn cước điện tử, nhiều người thắc mắc có được sử dụng căn cước điện tử làm thủ tục hành chính hay không?

Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước mới và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Một điểm đáng chú ý, trong Luật Căn cước có điểm mới quy định về căn cước điện tử.

Theo đó, đây là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử, do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Cũng theo quy định, mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử gồm danh tính điện tử (số định danh cá nhân; họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh khuôn mặt; vân tay).

Cùng với đó là một số thông tin cá nhân khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. Ngoài ra, căn cước điện tử có thể được tích hợp các thông tin như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Cụ thể, Điều 31 Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 quy định về căn cước điện tử như sau:

1. Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử.

2. Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin sau đây:

a) Thông tin quy định từ khoản 6 đến khoản 18 và khoản 25 Điều 9, khoản 2 và khoản 4 Điều 15 của luật này;

b) Thông tin quy định tại khoản 2 Điều 22 của luật này được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

3. Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.

5. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử.

Như vậy, người dân có thể sử dụng căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính.

Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

Đáng chú ý, căn cước điện tử sẽ bị khóa khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa; hoặc vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; hoặc bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; hoặc chết; hoặc có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền.

Tương ứng với từng trường hợp, căn cước điện tử được mở khóa khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu; hoặc đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; hoặc được trả lại thẻ căn cước; hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/su-dung-can-cuoc-dien-tu-lam-thu-tuc-hanh-chinh-co-duoc-khong-a659710.html