Nghệ An: Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão

Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết trên địa bàn, các đơn vị Biên phòng tuyến biển thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An đã xây dựng các phương án ứng phó phù hợp sát thực tế khi có tình huống xẩy ra...

Cán bộ đồn Biên phòng Quỳnh Phương tranh thủ ngư dân về bến tuyên truyền về các quy định khai thác trên biển. Ảnh Hải Thượng.

Nghệ An là địa bàn trọng điểm về mưa bão hàng năm. Ảnh hưởng của thiên tai gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống của người dân từ thành thị đến nông thôn, nhất là địa bàn tuyến biển. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết trên địa bàn, các đơn vị Biên phòng tuyến biển thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An đã xây dựng các phương án ứng phó phù hợp sát thực tế khi có tình huống xẩy ra, triển khai đồng bộ các biện pháp cụ thể, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dự báo, cứu hộ, cứu nạn.

Thiếu tá Trương Văn Bịch, Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Nghệ An cho biết: Là đơn vị ứng trực sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có yêu cầu, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 được đào tạo đầy đủ về chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là rèn luyện thể lực, huấn luyện chuyên sâu, thành thục các động tác kỹ chiến thuật để đảm bảo cơ động sẵn sàng chiến đấu, nhất là cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống.

Tàu tham gia cứu nạn được trang bị các thiết bị chuyên dụng luôn được bảo trì, vận hành đảm bảo thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh, các phương án ứng phó được quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ sát theo từng tình huống, nhất là rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ trên các phương tiện cứu hộ, cứu nạn khả năng sử dụng thành thạo các trang thiết bị và khả năng tác nghiệp bản đồ khi thực hiện nhiệm vụ trên biển. Khi tiếp cận các phương tiện bị nạn căn cứ vào tình hình, khí hậu, thời tiết, phương tiện để thuyền trưởng xử lý, đưa ra phương án tiếp cận sao cho an toàn nhất. Thiếu tá Trương Văn Bịch nhấn mạnh.

Bài học kinh nghiệm từ công tác cứu hộ, cứu nạn cho thấy ngoài việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện thì công tác thông tin liên lạc đóng vai trò quan trọng, do đó BĐBP Nghệ An đã đầu tư hệ thống thông tin liên lạc kết nối thông tin giữa đất liền và bà con ngư dân; hiện tại hệ thống thông tin ở các đồn Biên phòng hoạt động 24/24 giờ. Ngoài hệ thống liên lạc bằng thiết bị ICOM, các trạm kiểm soát biên phòng còn kết nối thông tin với bà con ngư dân qua hệ thống điện thoại thông minh, mỗi khi các chủ phương tiện đến làm thủ tục xuất bến đều được các nhân viên hướng dẫn cụ thể, để người dân cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng các thông tin có liên quan khi hoạt động trên biển. Cán bộ, nhân viên trực có nhiệm vụ tiếp nhận mọi thông tin từ ngư dân, kịp thời thông báo đến các cơ quan chức năng triển khai ứng cứu, hạn chế những tổn thất cho ngư dân khi hành nghề trên biển nếu gặp sự cố.

Cán bộ Hải đội 2 thành thạo các phương tiện được trang bị để thực hiện nhiệm vụ. Ảnh Hải Thượng.

Ngư dân Phan Văn Lợi - Phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cho biết: Bây giờ máy móc đã được đầu tư hiện đại, BĐBP cũng thường xuyên tuyên truyền và phát tờ rơi, chúng tôi đọc qua các tờ rơi của BĐBP cung cấp, nếu có thiên tai, sự cố bất ngờ xẩy ra chúng tôi mở máy để liên lạc với trạm kiểm soát Biên phòng theo các tần số đã được các anh cung cấp.

Mùa mưa bão đã đến gần, vì vậy các đơn vị Biên phòng tuyến biển luôn duy trì lực lượng thường trực 100% quân số, đồng thời chủ động phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các lực lượng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về đánh bắt thủy sản, đảm bảo đầy đủ các phương tiện khi hành nghề trên biển.

Mục tiêu đặt ra cho các đơn vị và các lực lượng là phải hỗ trợ đảm bảo an toàn tàu thuyền, thuyền viên, ngư dân vào các khu vực cảng trên địa bàn tỉnh để neo đậu, tránh trú bão an toàn, đồng thời làm tốt công tác phòng chống dịch Covid -19.

Trung tá Nguyễn Tư Hóa - Chính trị viên đồn Biên phòng Quỳnh Phương, BĐBP Nghệ An cho biết ngay từ đầu năm Đảng ủy - Ban Chỉ huy đồn đã xây dựng các kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch phòng chống thiên tai, TKCHCN trên biển, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng trong luyện tập và sẵn sàng lực lượng cơ động khi có tình huống xẩy ra trên biển, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của bà con ngư dân trên địa bàn.

Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, BĐBP Nghệ An quản lý địa bàn 9 xã biên giới biển với khoảng 900 phương tiện hoạt động nghề biển, trong đó riêng địa bàn xã Quỳnh Long có 47 phương tiện hoạt động đánh bắt xa bờ. Hàng năm đã xẩy ra những vụ tai nạn và sự cố trên biển, đặc biệt là vào mùa mưa bão, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và BĐBP đã kịp thời ứng cứu góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân. Để đảm bảo an toàn khi đi biển, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đăng ký lịch trình xuất, nhập bến của bà con, cán bộ Biên phòng còn thường xuyên có mặt trên các phương tiện để tuyên truyền cho ngư dân về các chủ trương, chính sách, các quy định khi khai thác và đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển. Cùng với đó lực lượng BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương vận động các ngư dân thành lập các tổ tự quản bến bãi, tàu thuyền an toàn để sẵn sàng hỗ trợ nhau khi hoạt động trên biển.

Ông Vũ Ngọc Chắt - Phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết: Trước khi bà con xuất bến thì lực lượng chức năng kiểm tra tất cả các trang thiết bị như phao cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy của các phương tiện, đồng thời kết hợp tuyên truyền cho bà con các quy định khi tham gia hành nghề trên biển, ngoài ra địa phương và đồn Biên phòng còn tổ chức các lớp tập huấn về phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là các tình huống có thể xẩy ra trong thiên tai, bão lũ. Khi xẩy ra mưa bão thì giữa địa phương và đồn Biên phòng thống kê danh sách tàu thuyền ở tuyến khai thác xa bờ và tuyến lộng, nắm bắt thông tin tàu tuyền đã về bến hoặc đang trên biển để có phương án xử lý nhằm đảm bảo an toàn.

Trung tá Nguyễn Ngọc Thìn - Đồn trưởng đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, BĐBP Nghệ An cho biết thêm: Đơn vị đã xây dựng các kế hoạch, phương án, các kịch bản, sử dụng biện pháp 4 tại chỗ để không bị động bất ngờ trong mọi tình huống, bố trí lực lượng tại 4 điểm cảng Bắc và Nam Lạch Quèn và Lạch Thơi, tăng cường trực 100% quân số, sẵn sàng cơ động, đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn và hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Với phương châm chủ động từ sớm, từ xa, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai bão lũ trong mọi tình huống./.

Hải Thượng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-an-chu-dong-ung-pho-truoc-mua-mua-bao-614755.html