Nghệ An: Cán bộ xã 'ém' tiền hỗ trợ xóa nhà tre của dân tới 10 năm

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số ít người (chủ yếu thuộc hai dân tộc Thái và Thổ), cán bộ xã đã “ém” số tiền hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát của dân tới 10 năm.

Không những vậy, trong 10 năm liên tục khi ông Nguyễn Văn Quyết lên làm Chủ tịch UBND xã, người dân nơi đây còn phải đóng góp vô số khoản phí vô lý...

“Ém” tiền xóa nhà tranh tre dột nát cho hộ nghèo 10 năm liền

Xã Nghĩa Lợi (Nam Đàn - Nghệ An) là xã 135 với 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Thái và Thổ. Thực hiện chương trình xóa nhà tranh tre, dột nát cho các hộ nghèo khó khăn xã 135, 134 của Chính Phủ từ năm 2005 đến năm 2007 có 70 hộ gia đình tại xã Nghĩa Lợi đã được hỗ trợ tiền xóa nhà tranh tre. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 6.000.000 đồng để xóa nhà tranh tre. Tuy nhiên, khi tiền được chuyển về cho UBND xã Nghĩa Lợi để chi cho các hộ dân được hưởng chế độ xây nhà thì chỉ được cấp mỗi hộ từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/hộ. Số tiền còn lại bị cán bộ xã Nghĩa Lợi giữ lại không phát cho các hộ dân.

Để che mắt các cấp trên trong danh sách chi tiền cho các hộ dân được ký khống tên các đối tượng hưởng chế độ đã nhận tiền. Như gia đình ông Lô Văn Duy và bà Hà Thị Hương (bản Tân Cay) năm 2005 được hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát nhưng chỉ được cấp 1.200.000 đồng. Khi gia đình thắc mắc thì cán bộ xóm đưa thêm 300.000 đồng.

Các gia đình khác như Hoàng Văn Toàn, Lưu Văn Thiện, Lê Văn Mai, Nguyễn Thị Thìn, Lưu Văn Xuân, Vi Văn Trọng... đợt 1 năm 2005 được cấp 1.200.000 đồng nhưng không được nhận tiền mà nhận bằng vật liệu như ngói, sắt thép, xi măng... Đợt 2, xã thông báo các gia đình này được bổ sung thêm 300.000 đồng nhưng bị ép trừ vào nợ nghĩa vụ bằng cách cán bộ tự viết vào giấy nội dung “Tôi nhất trí cấn trừ 300 ngàn đồng tiền xóa tranh tre dột nát vào nợ nghĩa vụ”.

Số tiền hỗ trợ 1,2 triệu đồng được quy đổi ra 1.200 viên ngói năm 2005 không đủ cho ông Lê Văn Tiêu (trú tại bản Ngọc Lam) dựng nhà nên con cháu ông chỉ lấy ngói đó lợp lại nhà. Số tiền 4,8 triệu đồng bị ém mãi đến năm 2015 khi sự việc vỡ lỡ gia đình ông mới được cán bộ xã đem xuống trả.

Hay như gia đình ông Lê Văn Tiêu (sinh năm 1928, trú tại bản Ngọc Lam, xã Nghĩa Lợi) hai vợ chồng là đồng bào dân tộc Thổ, nhiều tuổi nên năm 2005 được hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát. Ông bà cũng chỉ được hỗ trợ 1,2 triệu đồng nhưng cũng được quy đổi thành 1.200 viên ngói chứ không được nhận tiền. Không được hưởng 6 triệu như thông báo ban đầu nên số ngói ít ỏi đó con cháu ông bà đã lợp lại mái nhà cho bố mẹ.

Năm 2015, vô tình biết được nhiều hộ gia đình cũng nằm trong diện hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát như gia đình mình được nhận 6 triệu nên chị Hà Thị Hương (sinh năm 1971, trú bản Tân Cay, xã Nghĩa Lợi) mới lên UBND xã kiểm tra danh sách thấy gia đình chị và nhiều hộ khác cũng được hỗ trợ số tiền tương tự. Sau đó, chị Hương và nhiều hộ dân khác làm đơn tố cáo, khiếu kiện về việc tiền hỗ trợ bị cán bộ xã “ém”.

Trước đơn thư của người dân và việc bị bại lộ cán bộ xã Nghĩa Lợi sau hơn 10 năm mới đem số tiền xuống trả đủ cho các hộ dân. Tuy nhiên, do trước đó để đủ tiền làm nhà nhiều hộ dân đã phải bán đất rừng sản xuất, bán trâu và vay tiền lãi nên nhiều hộ dân yêu cầu phải trả tiền gốc kèm tiền lãi suất đúng bằng lãi suất ngân hàng. Để yên chuyện, cán bộ xã Nghĩa Lợi đành chấp nhận trả cả tiền lãi cho các hộ dân.

Như gia đình chị Hà Thị Hương bị “ém” 4,8 triệu tiền hỗ trợ lãi suất 102 tháng hơn 8 triệu đồng, tổng gia đình chị được cán bộ xã trả hơn 12 triệu đồng sau gần 10 năm bị bớt xén tiền xây nhà. “Thấy nhiều nhà cùng đợt hỗ trợ xóa nhà tranh tre như gia đình tôi được nhận 6 triệu trong khi đó gia đình tôi chỉ được hỗ trợ có 1,2 triệu nên tôi lên xã kiểm tra. Qua kiểm tra tôi phát hiện trong danh sách đã có người ký thay chồng tôi nhận đủ số tiền 6 triệu đồng nhưng trên thực tế chồng tôi mù chữ, tôi cũng không ký và gia đình tôi chỉ thực nhận được có 1,2 triệu đồng nên tôi đã làm đơn tố cáo.

Bị tôi và nhiều hộ dân khác gửi đơn tố cáo cán bộ xã đã xuống thỏa thuận với gia đình để trả lại tiền. Tôi đồng ý cho trả nhưng phải trả cả tiền lãi suất gần 10 năm cho tôi. Vì để làm được nhà, trước đó gia đình tôi đã phải vay tiền lãi, sau đó phải bán 4 sào đất rừng để trả nợ”, chị Hà Thị Thương bức xúc cho biết.

Giải thích về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi (nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi thời điểm đó) cho rằng: “Việc này là do chúng tôi sơ suất không để ý kỹ khi thủ quỹ cấp phát tiền. Chỉ đến khi người dân phát hiện tố cáo chúng tôi mới biết và cho xử lý ngay để trả đủ cho người dân”.

10 năm dân “một cổ nhiều tròng” với các khoản thu của “vua” xứ 135

Theo người dân cho biết, không chỉ có bớt xén tiền xóa nhà tranh tre, dột nát. Trong hai nhiệm kỳ (từ 2004 đến 2014) ông Nguyễn Văn Quyết lên làm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi người dân nơi đây còn phải chịu cảnh “một cổ nhiều tròng” với vô số khoản quỹ phải đóng.

Trong các quyển sổ theo dõi tiền đóng góp của các hộ gia đình tại xã Nghĩa Lợi từ năm 2004 đến nay còn lưu lại trung bình mỗi lần đóng góp người dân nơi đây phải đóng 9 đến 10 khoản thu khác nhau. Trong đó những khoản quỹ không nằm trong các khoản theo pháp lệnh như quỹ công ích, quỹ dân lập, quỹ xây dựng cơ bản, quỹ thu theo lao động, quỹ xã hội hóa giáo dục...

Trong lúc đồng bào nơi đây cái ăn còn thiếu, chạy lo từng bữa nhưng với vô số khoản thu đó mỗi năm mỗi gia đình phải đóng đến gần một triệu đồng. Thậm chí, có gia đình nhiều người trong độ tuổi lao động số tiền phải đóng lên đến hơn 1 triệu đồng mỗi lần thu. Các hộ dân nếu không có tiền đóng đủ các loại quỹ trên thì khi cần làm giấy tờ, thủ tục hành chính ở UBND xã sẽ không được giải quyết. Nếu muốn giải quyết thì người dân phải cắm lại giấy tờ cá nhân khi nào có tiền nộp đầy đủ sẽ được trả lại.

Như gia đình ông Lưu Văn Xuân (trú bản Tân Cay) năm 2009 được xét cấp 2 con bò trong chương trình hỗ trợ hộ đặc biệt khó khăn. Nhưng khi cấp bò thì không được nhận bởi nguyên nhân chưa đóng đủ tiền nghĩa vụ nên bị cắt khỏi gia đình được hỗ trợ.

Hay gia đình chị Lương Thị Mai (sinh năm 1974, trú bản Lung Bình) lên UBND xã Nghĩa Lợi để chứng thực hộ nghèo làm chế độ miễn giảm học phí cho con nhưng do còn nợ tiền nghĩa vụ nên không được giải quyết. Vì chỉ còn 2 ngày nữa hết hạn làm thủ tục miễn giảm cho con nên chỉ đến khi chị Mai cắm đăng ký xe, chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu để làm tin sẽ đóng nghĩa vụ cán bộ xã Nghĩa Lợi mới chứng thực cho chị. Để con được hưởng các chế độ chính sách đúng quy định nhiều hộ gia đình đã phải chuyển con sang học tại xã Nghĩa Thọ cách đó hơn 5km. Chứng thực giấy tờ nhiều gia đình cũng phải chạy sang các xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Phúc để làm lúc cần vì lên UBND xã Nghĩa Lợi không được giải quyết vì còn nợ quỹ.

Không đóng nghĩa vụ đầy đủ là lên xã cán bộ không cho dấu không xin dấu và giấy tờ cho. Mà không đóng thì họ lại ghi vào sổ theo dõi nợ tồn đọng sang năm sau. Hay khi nào chúng tôi bán mía cho nhà máy đường, trưởng thôn đi nhận tiền mía ở nhà máy về là trừ luôn. Tôi đi làm khai sinh cho con vì chưa đóng nghĩa vụ đầy đủ nên cán bộ xã không làm cho. Đến khi đóng đủ tiền lên cán bộ xã lại nói quá thời hạn rồi vì theo quy định nhà nước là thế”, anh Hà Văn Ước (trú bản Tân Cay) cho biết.

Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Quyết - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi (nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi): “Thực hiện thu đó chúng tôi đã thông qua Hội đồng nhân dân xã và lấy ý kiến người dân rồi mới thu. Cùng với đó một số khoản thu bắt buộc chúng tôi thu theo sự chỉ đạo của Phòng Kế toán - Tài chính huyện yêu cầu”.

Nhưng ngay khi vừa trao đổi với ông Nguyễn Trọng Sơn, Trưởng phòng Kế toán - Tài chính huyện Nghĩa Đàn đã phản bác lại ngay: “Chúng tôi chỉ chỉ đạo các xã thu các khoản theo pháp lệnh của hàng năm. Theo đó, từ năm 2014 trở về trước có 4 khoản thu gồm: Bảo trợ trẻ em, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ An ninh - Quốc phòng. Nhưng từ năm 2015 chỉ còn 2 trong 4 khoản thu trên phải bắt buộc theo pháp lệnh. Đến năm 2016 này thì chỉ còn một khoản thu bắt buộc theo pháp lệnh.

Hàng năm chúng tôi đều có hướng dẫn cụ thể cho từng địa phương nên ngoài những khoản đó là do địa phương tự ý thu hoặc thông qua Hội đồng dưới xã”. Để dẫn chứng những gì mình nói ông Sơn đã đưa chúng tôi xem nhưng văn bản hướng dẫn các khoản thu gửi cho các địa phương hàng năm và đúng những gì ông Sơn nói.

Theo ông Đậu Xuân Quyền - Trưởng phòng Ngân sách xã, huyện (thuộc Sở Tài chính Nghệ An) cho biết: “Trước năm 2012, địa phương nào cũng phải đóng 4 khoản quỹ bắt buộc gồm: Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ An ninh - Quốc phòng. Nhưng 4 khoản quỹ đó cũng chỉ có mấy chục nghìn đồng. Còn từ năm 2012, trở về đây thì không bắt buộc phải nộp bất kỳ khoản quỹ nào nữa. Người dân vùng 135, nhà nước còn phải hỗ trợ người dân nên hầu như chẳng phải đóng khoản gì, còn có đóng thì đó là tự nguyện của người dân”.

Chuyện buồn xã 135 Nghĩa Lợi có lẽ chưa dừng lại bởi còn hàng loạt thông tin về những sai phạm của cán bộ, lãnh đạo nơi đây trong một thời gian dài...

Xuân Hòa/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nghe-an-can-bo-xa-em-tien-ho-tro-xoa-nha-tre-cua-dan-toi-10-nam-p42118.html