Ngày xuân nghe 'Tiếng xuân về trong đêm'

Mưa xuân nhẹ bay. Cái không khí nồm ẩm, ướt ấm ấy dường như là nỗi khát khao, mong chờ của cây cỏ, vạn vật nhân gian. Những cành khô cong queo, những ngọn cây héo hắt, vật vờ trong gió lạnh chợt trỗi dậy, bừng lên, bật tung nhựa sống. Sức xuân tràn về, trải những mầm xanh mơn mởn.

Vô tình hay hữu ý, tôi gặp ông, vị tướng Công an về hưu Bùi Quảng Bạ cũng là thành viên Hội Nhà văn Hà Nội. Yêu thơ, yêu tâm hồn thơ vừa trẻ trung, vừa nhuốm màu hoài niệm, tôi đã được ông chia sẻ "Tiếng xuân về trong đêm" trong cái ồn ào, náo nhiệt, hứng khởi của mùa gặp gỡ.

Hoa xoan - loài hoa của tháng ba xuân.

Mơ màng giữa đêm khuya
Tiếng xuân về trong gió
Nồng nàn như hơi thở
Ấm bờ vai ngày nào

Tiếng xuân về xôn xao
Bồi hồi trên chồi lá
Nghe vừa quen, vừa lạ
Như tình yêu ban đầu

Hương xuân về trong nhau
Ngọt ngào mùa sương gió
Như tình trong nỗi nhớ
Tìm nhau khi đợi chờ.

Tiếng xuân như nàng thơ
Thì thầm ngoài khung cửa
Lời hẹn hò mỗi bữa
Thuở đợi nhau bên thềm

Tiếng xuân về dịu êm
Nhẹ nhàng căn phòng nhỏ
Nửa đêm trời trở gió
Thấy lòng mình xốn xang.

Mùa xuân, dường như là niềm cảm hứng bất tận của thi ca. Từ xưa đến nay, có bao giờ thiếu vắng thơ xuân. Và nếu để ý chút thôi, ta dễ dàng nhận thấy cái đa sắc, đa màu, đa hình, đa tình của thời gian và không gian khi mùa xuân đến. Cũng chẳng có gì là lạ khi cụm từ "mùa xuân đến" được nhiều tác giả "yêu" dùng, "sính" dùng. Ví như Nguyễn Bính: "Đây cả mùa xuân đã đến rồi"; Huy Cận: "Sớm nay khoác áo màu vô định/ Ra gặp mùa xuân đến giữa đàng" (Áo xuân); Tú Mỡ: "Mùa xuân đến rồi/ Ánh xuân tươi sáng" (Mùa xuân); Lê Mỹ Hường: "Xuân đang đến, chào xuân đang đến" (Xuân ca)…

Rồi cụm từ "xuân về" cũng gắn với bao tiếng lòng thi sĩ. "Xuân về nắng tỏa ngọt ngào"; "Xuân về gọi lộc nảy mầm/ Xuân về gọi gió mưa dầm sương bay"; "Xuân về rực thắm cánh đào"… Thế nhưng tìm mỏi mắt cũng không thấy "Tiếng xuân về", và càng độc đáo hơn khi tiếng xuân ấy lại vọng về từ đêm khuya, từ cái "mơ màng" của thi sĩ, để rồi hiện hữu trong bao chiều cảm xúc rất đời, rất thật.

Bài thơ 5 khổ cân đối, khổ thơ nào cũng có "xuân". Xuân trong "hơi thở" (khổ 1), xuân "trên chồi lá" (khổ 2); xuân "trong nỗi nhớ" (khổ 3); xuân "ngoài khung cửa" (khổ 4); xuân trong "căn phòng nhỏ" (khổ 5). Điều đặc biệt ở đây là tiếng, "tiếng xuân", là sự cảm nhận bước về của xuân vô cùng tinh tế, dịu êm. Nếu xét theo thời gian và không gian vật chất, đâu khó khăn gì để khẳng định không gian phòng nhỏ vào một đêm xuân. Chính nó là cái duyên, cái cớ, là điểm về của tiếng xuân.

Tiếng xuân về bên người tri kỷ, hóa thân trong hơi thở nồng nàn, trong âm thanh xôn xao mang bao cảm giác bồi hồi như quen, như lạ để rồi hòa "trong nhau", đan vào nhau. Hương xuân quyện lẫn, đâu còn phân biệt tiếng, phân biệt hình. Tiếng xuân và tiếng lòng nhà thơ hòa chung nhịp "đợi chờ" với bao dư vị ngọt ngào của "tình trong nỗi nhớ". Thực khó ngờ, một vị tướng Công an cả đời gắn với binh nghiệp lại nhẹ nhàng "bắt" được hồn xuân như thế.

Hương xuân về trong nhau
Ngọt ngào mùa sương gió
Như tình trong nỗi nhớ
Tìm nhau khi đợi chờ.

Hương xuân đọng lại "trong nhau" tưởng chừng tĩnh, mà không chút đứng im. Giây phút "Ngọt ngào mùa sương gió" đi qua, tiếng xuân lại "thì thầm" như mãi thuở hẹn hò, thuở "đợi nhau bên thềm". Buông một từ "thuở", ký ức xa xưa tràn về. Này là nỗi nhớ, này đây niềm thương, này đây giây phút khắc khoải đợi chờ. Và hạnh phúc tràn dâng trong thời khắc hội ngộ. Rồi lại chia xa, rồi lại đong đầy nỗi nhớ, rồi lại xốn xang mong chờ. Quy luật của tạo hóa hay quy luật của lòng người, quy luật của tình yêu? Có cần phải phân biệt rạch ròi thế chăng khi tiếng xuân vẫn thì thầm, dịu êm.

Cái hay, cái tinh tế của nhà thơ có lẽ chính là "nắm bắt" được, "cột" được tiếng xuân. Từ bước đến đầu tiên vào thời khắc nửa đêm đầy "mơ màng" như hư, như thực, mong manh trong gió, trong hơi thở tưởng chừng chỉ một chút động nhẹ sẽ làm tiếng xuân vụt biến giữa hư không, đến tiếng xuân có hình, có đầy đủ cung bậc: "xôn xao", "ngọt ngào", "thì thầm", "dịu êm", "nhẹ nhàng" và kết thúc bằng cảm xúc "xốn xang". Và lạ hơn nữa là nhịp về của "tiếng xuân", là thời điểm "tiếng xuân" xuất hiện. Tiếng xuân về "giữa đêm khuya" để lay động thời gian, đánh thức tình người.

Tiếng xuân về nhảy nhót trên mỗi nhịp thơ. Từ nhịp 2 - 3, tiếng xuân nhanh chóng chuyển sang nhịp 2 - 1 - 2 và đổi nhịp 1 - 2 - 2; 3 - 2 rồi lại trở về với nhịp 2 - 3. Sự linh hoạt trong nhịp thơ ấy tạo nên âm sắc đặc trưng của Tiếng xuân, vui tươi mà nồng ấm.

Cám ơn ông, vị tướng Công an có tâm hồn trẻ trung, tinh tế, thi vị. Với "Tiếng xuân về trong đêm", ông đã góp thêm một góc nhìn lắng sâu về mùa xuân.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ngay-xuan-nghe-tieng-xuan-ve-trong-dem-i683718/