Ngày xuân đọc câu đối trong các đình miếu ở Mỹ Xuyên

Câu đối và chơi câu đối là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Hiện câu đối vẫn còn hiện diện ở khắp nơi, từ các cơ sở thờ tự truyền thống (đình, chùa, miếu, am…) đến đền thờ các vị anh hùng liệt sĩ, các cổng tam quan ở các đơn vị hành chính hoặc nhà riêng mỗi người (cưới hỏi, tang chế, bàn thờ gia tiên…). Nhân ngày xuân, chúng ta xem người Sóc Trăng đã chơi câu đối thế nào?

Cặp câu đối trong đình Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: NHẬT HUY

Câu đối là một thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Câu đối còn là một trong những thể loại của Văn học Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở Sóc Trăng, việc cộng cư với dân tộc Hoa, càng làm cho câu đối của người Việt có sức sống. Tuy nhiên, để câu đối tồn tại và phát huy giá trị thì ít nhất chúng ta phải hiểu những giá trị mà nó mang lại. Bởi vì nếu không, dần dần câu đối sẽ biến thành một thứ trang sức thần bí, chỉ để treo cho đẹp chứ không làm gì khác. Câu đối phổ biến trước hết là ở các cơ sở thờ tự, nhất là đình và chùa. Đầu xuân chúng ta đi xem câu đối ở đình.

Câu đối còn cho thấy đặc điểm văn hóa, xã hội của vùng đất mà ngôi đình đó tọa lạc. Đình thần Mỹ Xuyên (cất năm 1880) là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh bởi lịch sử hình thành và được bảo lưu lâu đời, gắn liền với sự hưng thịnh của một trong những đô thị vào loại nhất nhì miền Nam trước đây, thương cảng Bãi Xàu, và cũng do được nhân dân tôn thờ, gìn giữ. Ngoài một số câu đối bên ngoài cổng mới viết sau này, hai câu đối ở hiên trước ngôi đình có ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Nơi mặt dựng chỗ hiên đình là hai câu đối trên cột, mỗi bên 15 chữ:

美 祿 之 醇 醪 效 彼 李 仙 誠 哉 春 祇 秋 報
川 穀 其 珐 琅 保 我 黎 庶 久 矣 大 有 豊 年

Phiên âm Hán Việt: Mỹ lộc chi thuần dao, hiệu bỉ lý tiên thành tai! xuân kì thu báo/ Xuyên cốc kỳ pháp lang, bảo ngã lê thứ cửu hĩ! đại hữu phong niên.

Nghĩa: Phước lộc có được rượu ngon, bắt chước Lý tiên kia chân thật thay! xuân cầu ước thu tạ ơn/ Báu vật quý ở vựa lúa, bảo vệ dân mình lâu bền vậy! hết thảy năm nào cũng được mùa.

Câu đối dùng đúng từ ngữ đắc ở mỗi vị trí, trau chuốt trong cách kết hợp, tạo được nhiều ý hàm súc. Phải nghiền ngẫm mới có thể tạm dịch như vậy. Hai từ đầu tiên của câu ghép lại thành tên vùng đất (Mỹ Xuyên). Nhưng “mỹ lộc” thì hiểu là phước lộc dày, đẹp từ nghề nấu rượu (thuần dao); “xuyên” là sông; nhưng có một nét nghĩa là “kho, vựa”, “cốc” là các loại gạo. “Xuyên cốc” là vựa lúa gạo. “Pháp lang” là vật tráng men, hiểu là vật quý. Như vậy hiểu một bên là nghề nấu rượu của người Hoa mang đến hương vị đẹp; bên đây là nghề trồng lúa của người Việt, Khmer mang đến sự no ấm. Ý nghĩa vế đầu của hai câu đối cũng tương hợp với những gì tài liệu ghi chép lại.

Theo cụ Vương Hồng Sển, trong cuốn Tự vị tiếng Việt miền Nam, đất Bãi Xàu xưa còn lại di tích một cái bảo bằng đất, chỗ công xi nấu rượu nếp và gần đó có nhà máy xay lúa, quen gọi là nhà máy của ông hội đồng Diệp Văn Giáp; gần đó có nền đất lù lù là nền kho bạc cũ. Như vậy, ngôi đình thần Mỹ Xuyên đã có một câu đối mang đặc trưng của các nghề nghiệp chính yếu ở trong vùng thời bấy giờ. Chữ dùng “thuần dao” vừa nói về hương rượu cũng như ám chỉ nghề nấu rượu lâu đời. Trong đó có bí quyết làm men rượu của một số vị cao niên người Hoa còn truyền đến cuối thế kỉ XX. Dùng chữ “pháp lang” vừa nói về đồ dùng tráng men, để chỉ vật quý hoặc nhà máy xay lúa, nhưng cũng ám chỉ những cổ vật mà những di tích còn sót lại của những người đi trước.

Ở đoạn thứ hai, câu đầu có cụm “hiệu bỉ Lý tiên” (bắt chước vị tiên họ Lý bên kia, hiểu là Lý Bạch bên Tàu, uống rượu làm thơ, được mọi người tôn là Thi tiên. Chữ “bỉ” (bên đó, bên kia) đối với chữ “ngã” (ta, bên mình). Ước mơ của người làm nghề bán rượu là mong mọi người thưởng thức được hương vị nồng đượm bắt chước được cảm hứng sống của vị thi Tiên họ Lý. Để làm được công việc kinh doanh đó, mùa xuân người kinh doanh đến đình để lễ kỳ yên (cầu), đến cuối năm cúng trả ơn (báo). Ước mơ của người làm ruộng là được thân thành bảo trợ người dân no ấm lâu bền, năm nào cũng trúng mùa (đại hữu phong niên). Một câu đối thể hiện ba dân tộc cùng sinh sống.

Câu đối còn cho thấy sự ảnh hưởng của người Hoa trong việc trùng tu miếu Ba Thắc. Theo tài liệu, miếu Ba Thắc vốn là miếu thờ neak tà (thần đá) của người Khmer. Tuy nhiên năm 1927, sau khi trùng tu người Triều Châu (Hoa) đã thay đổi trang trí và đặt tên ngôi miếu là “Ba Thục cổ miếu”, hòn đá kia là “Ba Thục tướng quân”. Bên ngoài cửa còn có câu đối: 波山群黎咸木厚載德/ 蜀道庶士共戴聖澤恩 (Âm: Ba sơn quần lê hàm mộc hậu tải đức/ Thục đạo thứ sĩ cộng đới thánh trạch ân). Tạm dịch: Trên Ba sơn dân chúng chịu ơn cao dày qua đức độ tướng quân/ Dưới Thục đạo quân sĩ cùng nhau ghi nhớ công lao, ơn đức của bậc thánh. Hai chữ đầu của hai câu đối chính là Ba Thục. Đời nhà Hán, Ba Thục chính là vùng đất phía Nam Trung Quốc. Tức là phía sau dòng Trường Giang về phía Tây Nam là xứ Ba Thục. Do vậy, trong tâm thức của người Hoa, khi đi vào vùng đất mới, chính là đi vào xứ Ba Thục xưa của nhà Hán. Chữ “Ba Thục” cũng là phiên âm Ba Thắc.

Cùng trên một vùng đất, nhưng miếu thành hoàng ở thị trấn Mỹ Xuyên (đường Lê Lợi) thành lập năm 1934, tái thiết 2005, nơi Rằm tháng Tám hằng năm đều tổ chức chơi đố thai cho người dân, lại có một ý vị khác: 是非不出聰明鑑/ 獎 罰全由正直施 (âm: Thị phi bất xuất thông minh giám/ Tưởng phạt toàn do chính trực thi). Ý nghĩa: Những lời thừa không cần nói do khả năng thông minh/ Khen hay chê đều xuất phát từ cách làm chính trực. Hai câu đối đã miêu tả rõ chủ trương, mục tiêu của ngôi đình là muốn lưu truyền một nét đẹp văn hóa của người dân Bãi Xàu: đố thai. Hai câu đối ý muốn thông báo rằng: những người có khả năng thông minh đến đây không cần nói những lời thừa thải, tranh luận đúng sai cho tốn công; hãy cứ nêu lời giải của mình còn việc xét đoán, khen hay chê là do những người thừa hành ngay thẳng đưa ra.

Trong đình Hòa Tú, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, hệ thống câu đối đã được viết bằng tiếng Việt và cách điệu theo kiểu hình tròn. Trong thờ Nguyễn Trung Trực. Từ ngoài đi vào, ở các cột, lần lượt là: (1) “Quốc thái dân an bằng thánh trạch/ Dân khang vật phụ tại thần ân”. Nghĩa: Nước yên dân ổn dựa vào đức của thánh/ Dân mạnh của nhiều cũng do ơn của thần. (2) Vị quốc vong thân lưu hậu thế/ An cư lạc nghiệp khắc ân công. Nghĩa: Người vì nước quên mình để tiếng thơm đời sau/ Dân an cư lạc nghiệp sẽ ghi khắc ơn của người đã khuất. (3) Xuất thế huân oanh thùy vũ trụ/ Qui tiên thần khí tráng sơn hà. Nghĩa: Rời khỏi thế gian tiếng thơm vang lừng khắp vũ trụ/ Về với tiên tổ chí khí mạnh mẽ vẫn ảnh hưởng đến núi sông. Hai câu cuối gần bàn thờ nhất: Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạc Kiên Giang khắp quỷ thần. Chữ “khắp” là viết nhầm, đây là chữ thuần Việt. Lí ra phải là “khấp” (âm Hán Việt của chữ, nghĩa là ngậm ngùi khóc. Bốn cặp câu đối đều có nội dung ca ngợi vị anh hùng Nguyễn Trung Trực, cũng là ca ngợi nghĩa khí của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ sau này.

Trên một vùng đất nổi tiếng từ thế kỷ XVII của đất Nam Kỳ, vẫn còn lưu giữ đây đó những ký hiệu văn hóa (chữ Hán). Qua việc thăm đình và đọc và nghiền ngẫm những câu đối đó, chúng ta thấy tự hào hơn về quê hương văn hiến, nơi có nét văn hóa độc đáo. Mỹ Xuyên cũng là nơi sinh ra nhiều trí thức cho tỉnh nhà, trong đó có Anh hùng lao động Hồ Quang Cua với giống gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Xin kết thúc bài viết này bằng câu đối chữ Việt:

Ba Xuyên lúa vàng xưa kia tự hào kêu nhứt xứ
Sóc Trăng gạo trắng bây giờ vinh danh gọi năm châu.

HUỲNH VŨ LAM

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, Nxb Văn hóa, 1993, tr.66.

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/ngay-xuan-doc-cau-doi-trong-cac-dinh-mieu-o-my-xuyen-69631.html