Ngày Tết không thể thiếu bánh chưng nhưng có 5 nhóm người không nên ăn

Bánh chưng là một loại bánh không thể thiếu trong những ngày Tết của gia đình người Việt. Được làm bằng gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, bánh chưng là món ăn rất giàu chất dinh dưỡng và dễ ăn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thoải mái thưởng thức món ăn này.

Những người không nên ăn bánh chưng

Người bị bệnh tiểu đường

Bánh chưng là món ăn rất giàu năng lượng, chứa nhiều chất béo, đạm, vitamin, đường, chính vì vậy nó không phù hợp đối với những người mắc bệnh lý về chuyển hóa, nhất là người bệnh tiểu đường.

Đối với người mắc bệnh tiểu đường, ăn bánh chưng có thể khiến đường huyết tăng vọt, khiến tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát. Do đó, người bệnh tiểu đường nên hỏi tư vấn của bác sĩ về lượng bánh chưng nên tiêu thụ trong dịp Tết.

Ngoài ra, những ai đang trong tình trạng thừa cân, béo phì cũng nên hạn chế ăn bánh chưng để đảm bảo sức khỏe, tránh để tích lũy thêm mỡ thừa.

Ảnh minh họa.

Người bị đau dạ dày

Bánh chưng là loại bánh được làm từ các nguyên liệu giàu chất béo và dinh dưỡng, trên 200kcal/100g bánh. Vì vậy có những người không nên ăn bánh chưng do không thể hấp thụ được khối lượng lớn chất dinh dưỡng.

Theo đó, thành phần gạo nếp và đỗ xanh trong bánh chưng sẽ tạo ra hơi, không tốt cho người đau dạ dày. Nguyên nhân là vì khi ăn quá nhiều đồ nếp, dạ dày sẽ bị ức ách, khó chịu và dễ bị ợ chua.

Theo các chuyên gia, khi ăn bánh chưng người dân nên ăn kèm với rau xanh, củ quả để tránh bị nóng và khó tiêu.

Người hay bị mụn nhọt

Người thường xuyên bị mụn nhọt hay các vấn đề về da được xếp vào nhóm những người không nên ăn bánh chưng. Thành phần của bánh chưng chủ yếu là gạo nếp, có tính nóng, những người hay bị mọc mụn, nhọt cũng nên cân nhắc khi ăn bánh chưng để tránh làm tình trạng mụn nhọt thêm nghiêm trọng.

Ảnh minh họa.

Người cao huyết áp, bệnh tim mạch

Trong mỗi chiếc bánh chưng truyền thống đều phải đảm bảo đủ vỏ và nhân, vỏ bằng gạo nếp, nhân làm bằng đỗ và thịt lợn mỡ. Vì vậy, đây là những thực phẩm chứa hàm lượng đạm và chất béo rất cao.

Trong khi đó, người bệnh tim mạch và cao huyết áp đều cần kiêng cữ những loại thực phẩm giàu chất đạm, chất béo... Nếu tiêu thụ quá nhiều các chất này sẽ khiến tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt, khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Người bị bệnh thận

Vì bánh chưng là loại thực phẩm giàu năng lượng, nhiều chất béo, nên những bệnh nhân bị bệnh thận không nên ăn loại bánh này để tránh bị rối loạn mỡ máu, gây tăng mỡ máu và các vấn đề về thận.

Ngoài ra, bánh chưng cũng là món ăn được liệt kê vào số những món có chứa nhiều muối, ảnh hưởng xấu tới những người đang mắc bệnh thận.

Ảnh minh họa.

Lưu ý khi ăn bánh chưng để đảm bảo sức khỏe

Khi ăn bánh chưng, nhiều người có thói quen rán bánh để thay đổi khẩu vị. Tuy nhiên, bản thân bánh chưng đã chứa nhiều chất béo, khi rán bằng dầu mỡ thì lượng chất béo sẽ còn tăng cao hơn. Vì vậy, các gia đình nên cân nhắc vấn đề sức khỏe để tránh nạp quá nhiều chất béo trong cơ thể.

Thời điểm ăn bánh chưng cũng cần được lưu ý. Bánh chưng có rất nhiều năng lượng, chỉ nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa, khi cơ thể còn nhiều hoạt động khác để tiêu hao năng lượng, tránh ăn vào buổi tối.

Khi bảo quản bánh chưng nên để nơi khô ráo, thoáng mát, tốt nhất nên cho vào ngăn mát tủ lạnh. Bánh chưng bảo quản ngăn mát tủ lạnh có thể để được từ 15 - 20 ngày. Nếu muốn bảo quản bánh chưng lâu hơn có thể bảo quản trong ngăn đá. Tuy nhiên khi sử dụng nên bỏ xuống rã đông từ từ trong ngăn mát và sau đó có thể luộc, hấp lại để bánh đỡ sượng.

Tuyệt đối không vì tiếc bánh chưng bị mốc mà cắt bỏ phần mốc rồi ăn. Nếu ăn bánh chưng bị thiu chua, mốc meo có thể bị đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm gây hại cho sức khỏe.

Phương Anh (T/H)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nhung-nguoi-khong-nen-an-banh-chung-de-tranh-gay-hai-suc-khoe-d196669.html