Ngày này năm xưa 18/11: Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về kinh tế đối ngoại

Ngày này năm xưa 18/11: Bộ Chính trị ra Nghị quyết về mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại giai đoạn 1996-2000; Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 18/11 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 18/11.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 18/11/1930: Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi cho các cấp ủy Đảng và toàn thể đảng viên.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 đến ngày 14-5-1983 - Ảnh: TTXVN

Ngày 18/11/1961: Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy đã chính thức ra lệnh cử 18 nghìn cố vấn quân sự đến miền Nam Việt Nam để hỗ trợ chính quyền ngụy quyền trong cuộc chiến chống lại Quân đội Giải phóng miền Nam.

Ngày 18/11/1964: Đại đội 3 pháo cao xạ đã bắn rơi 1 chiếc máy bay RF101 và 2 chiếc T28 của Mỹ ở miền Tây tỉnh Quảng Bình.

Lời hô “Nhằm thẳng quân thù, bắn” của Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân đã trở thành khẩu hiệu tiến công trên các trận địa pháo phòng không của bộ đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: baotanglichsu.vn

Trong trận chiến đấu này, hình ảnh chính trị viên Nguyễn Viết Xuân với câu nói động viên chiến sĩ "Nhằm thẳng quân thù, bắn!" đã biểu lộ lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí kiên quyết tiêu diệt địch.

Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1/1/1967). Hiện nay, Hà Nội có một trường học nội trú con liệt sĩ mang tên Nguyễn Viết Xuân.

Ngày 18 - 21/11/1985: Diễn ra Hội nghị cơ cấu kinh tế công nông nghiệp trên địa bàn huyện được tổ chức tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Ngày 18/11/1996: Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 01-NQ/TW về mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại giai đoạn 1996 – 2000.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation, gọi tắt là APEC) là Diễn đàn chính thức hợp tác kinh tế có ảnh hưởng nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đó, Nghị quyết đã nhấn mạnh nhiệm vụ tham gia đầy đủ vào Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (tháng 12/1997) xác định: “Tích cực và chủ động xâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế”, qua đó thể hiện sự chỉ đạo chặt chẽ, khẩn trương của Đảng đối với việc Việt Nam gia nhập APEC. Ngày 15/6/1996, Việt Nam nộp đơn gia nhập APEC. Theo yêu cầu của APEC, tháng 8/1996, Việt Nam gửi “Bản ghi nhớ hệ thống chính sách kinh tế thương mại của Việt Nam”. Trong thời gian chờ quyết định chính thức kết nạp, Việt Nam tham gia 03 nhóm công tác để làm quen và nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức. Ngày 25/4/1997, Việt Nam gửi đơn tham gia với tư cách khách mời vào Nhóm Công tác về xúc tiến thương mại; Nhóm Công tác về khoa học và công nghệ công nghiệp và Nhóm Chuyên gia về hợp tác kỹ thuật nông nghiệp của APEC. Đây là những nhóm mà ta có khả năng đóng góp, đồng thời có thể đem lại những lợi ích cụ thể cho Việt Nam.

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Ngày 18/11/2010: Tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La chính thức được khởi động thử, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành điện Việt Nam.

Ngày 18/11/2019: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2014/TT-BCT ngày 15/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quy trình xử lý sự cố trong hệ thống điện quốc gia, Thông tư số 40/2014/TT-BCT ngày 05/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia và Thông tư số 44/2014/TT-BCT ngày 28/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia.

Ngày 18/11/2021: Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 104/2021/TT-BTC hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu.

Sự kiện quốc tế

Ngày 18/11/1421: Một quãng tường của bờ đê ven biển Zuiderzee bị vỡ, làm 72 làng bị ngập và làm vào khoảng 10.000 người thiệt mạng ở Hà Lan.

Ngày 18/11/1626: Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Thành Vatican hoàn thành việc xây dựng.

Ngày 18/11/1918: Latvia tuyên bố độc lập.

Ngày 18/11/1942: Liên Xô kết thúc giai đoạn phòng thủ trong trận Stalingrad.

Một số hình ảnh về Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch phòng ngự tại chiến trường Stalingrad - Ảnh: Sputnik News; ww2today.com

Ngày 17/7/1942, chiến dịch phòng ngự bắt đầu. Quân đội phát xít cố gắng tiến công thọc hậu từ hai bên sườn bao vây quân đội Liên Xô ở Calaxơ, rồi từ đó tiếp tục tiến công vào Stalingrad. Các tập đoàn quân 62 và 64 Hồng quân đã phòng ngự rất ngoan cường và cùng các tập đoàn quân T4 và 4 liên tục phản kích, làm phá sản ý định ban đầu của địch. Ngày 18/11/1942, chiến dịch phòng ngự kết thúc. Hồng quân Liên Xô đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 700.000 tên địch, phá hủy 2.000 pháo, cối, 1.000 xe tăng và 1.400 máy bay, chặn đứng được cuộc tiến công của địch và chuyển sang phản công.

Ngày 18/11/1956: Maroc giành được độc lập.

Ngày 18/11/1970: Quốc khánh Vương quốc Oman. Vương quốc Hồi giáo Oman là quốc gia nằm ở phía đông nam bán đảo Ả Rập. Năm 1932, quốc vương Said bin Taimur, với sự hậu thuẫn của chính phủ Anh đã lên nắm quyền. Oman bị đặt dưới sự kiểm soát của Vương quốc Anh.

Ngày 18/11/1993: Bản hiến pháp dân chủ mới của Nam Phi được thông qua bởi cả người da đen và da trắng. Đây là sự kiện đặt dấu chấm hết cho chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid tại quốc gia châu Phi này.

Ngày 18/11/1993: Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico. Đây là hiệp định thương mại tự do quan trọng khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư giữa 3 nền kinh tế Bắc Mỹ.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 18/11/1939: Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Hồ Quang trở lại Quý Dương (Trung Quốc), một lần nữa tìm cách liên hệ với các đồng chí từ trong nước sang và tìm đường trở về Tổ quốc.

Ngày 18/11/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vừa ra Thủ đô và bày tỏ mối quan tâm của Chính phủ đối với miền Trung và cao nguyên. Cùng ngày, Bác gặp đại diện của Pháp để tìm giải pháp tháo gỡ những căng thẳng đang có nguy cơ bùng nổ chiến tranh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp năm 1964 - Ảnh tư liệu

Ngày 18/11/1954: Hồ Chủ tịch trả lời phỏng vấn của báo Pháp “Regards”, Bác khẳng định quan điểm “muốn lập lại quan hệ với Pháp về kinh tế, văn hóa nhưng bình đẳng, hai bên cùng có lợi và thân thiện”.

Ngày 18/11/1965: Bác tiếp hai vợ chồng nhà báo Anh Phêlích Gơrin để giải thích lập trường của Việt Nam trước đề nghị thương lượng của phía Mỹ và khẳng định lập trường: “Nhân dân Việt Nam rất muốn có hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự... Luận điệu cho rằng miền Nam của Tổ quốc chúng tôi là “một nước láng giềng” riêng biệt với miền Bắc là một luận điệu gian trá. Cũng như nói rằng những bang ở phía Nam là một nước riêng biệt với những bang phía Bắc của Hoa Kỳ... Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Là đồng bào ruột thịt, nhân dân miền Bắc nhất định hết lòng hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước, chống Mỹ của đồng bào miền Nam, cũng như nhân dân miền Nam hết lòng hết sức đấu tranh để góp phần bảo vệ miền Bắc của Tổ quốc mình... Cuộc chiến tranh xâm lược đó cũng đã bôi nhọ thanh danh nước Mỹ, xứ sở của Oasinhtơn và Lincôn. Tôi muốn nói với nhân dân Mỹ ý chí của toàn dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu chống bọn xâm lược Mỹ cho đến thắng lợi hoàn toàn. Nhưng đối với nhân dân Mỹ, chúng tôi tăng cường quan hệ hữu nghị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam (17-1-1967) - Ảnh: hochiminh.vn

Ngày 18/11/1965: Bác Hồ gửi thư cho hai nhân vật nổi tiếng là Bác sĩ Bengiamin Xpớc và Xtiuớt Hiugơ, Chủ tịch “Ủy ban Oasinhtơn đấu tranh cho một chính sách nguyên tử lành mạnh” để cảm ơn các lực lượng tiến bộ Mỹ tích cực đấu tranh chống chiến tranh và ủng hộ nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-1811-bo-chinh-tri-ban-hanh-nghi-quyet-ve-mo-rong-va-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-doi-ngoai-286374.html