Ngày mới ở Trung Nam

Trở lại vùng quê cách mạng xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh vào ngày đầu thu, đập vào mắt chúng tôi là tuyến đường nhựa, đường bê tông phẳng lỳ chạy tít tắp, là những cánh đồng lúa vàng ươm đang chờ thu hoạch, là nhà cửa san sát với sắc màu tươi mới… Những hình ảnh ấy, 75 năm về trước, khi Cách mạng Tháng Tám chưa thành công, không một người dân Trung Nam nào dám mơ tới.

Ông Tạ Toản, một lão thành cách mạng tại thôn Nam Cường đang ôn lại hồi ức về Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: T.L

Năm 1931, Chi bộ Huỳnh Công (thuộc các xã Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái), 1 trong 3 chi bộ đảng đầu tiên của huyện Vĩnh Linh được thành lập. Từ “hạt giống đỏ” cách mạng đó đã nhen nhóm, lan tỏa, phát triển thành nhiều phong trào cách mạng rộng khắp trên quê hương, kết thành cao trào cách mạng của Nhân dân, cùng cả nước tiến lên giành độc lập, tự do với thắng lợi huy hoàng trong mùa Thu năm 1945. Ngược dòng ký ức, ông Nguyễn Viết Hạnh, (85 tuổi), thôn Thủy Trung đưa chúng tôi trở về những năm tháng hào hùng của Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Trung Nam. “Đó là những ngày tháng 8/1945, cả xã Vĩnh Trung (nay là xã Trung Nam) bao trùm một không khí náo nhiệt, háo hức của người dân chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, đội tự vệ của các thôn đêm ngày ra sức luyện tập quân sự, võ nghệ, rồi chuẩn bị giáo mác, gậy gộc sẵn sàng cho cuộc khởi nghĩa. Từ tờ mờ sáng ngày 23/8/1945, hàng ngàn quần chúng của tổng Huỳnh Công, tổng Hồ Xá đã rầm rập hàng ngũ chỉnh tề, băng rôn, khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng, gậy gộc, dao rựa, sục sôi khí thế cách mạng tiến vào phủ đường. Tiếng trống lệnh nổi lên vang dậy, báo hiệu giờ khắc khởi nghĩa bắt đầu. Cùng với đó, khắp mọi nẻo đường từ các xóm, thôn, người dân gõ mõ, khua chiêng, reo hò dậy đất trời với khí thế bừng bừng. Rồi một niềm vui khôn tả khi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, già, trẻ, gái, trai đều nức lòng phấn khởi để hướng tới một tương lai tươi sáng của đất nước, của quê hương và của chính bản thân mình”, ông Hạnh nhớ lại.

Đến thôn Nam Cường, ghé nhà lão thành cách mạng Tạ Toản, mặc dù đã bước qua tuổi 90 nhưng ông Toản vẫn còn khá minh mẫn, đặc biệt là vẫn giữ nguyên ký ức về những khoảnh khắc thiêng liêng trong Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Vuốt lại lá cờ Tổ quốc cho phẳng phiu trước khi đem treo lên trước cổng để chào mừng ngày Quốc khánh, ông Toản bồi hồi nhớ lại: “Thực hiện chủ trương của phủ ủy, các chi bộ ở Huỳnh Công đã tích cực, khẩn trương triển khai kế hoạch cho cuộc tổng khởi nghĩa. Các đội tự vệ chiến đấu được thành lập và hăng say luyện tập. Các lò rèn ở Phú Mỹ ngày đêm đỏ lửa để rèn đại đao, gươm, giáo cung cấp cho lực lượng trong xã. Việc lạc quyên lúa, gạo, muối đã trở thành một phong trào sôi nổi ở tổng Huỳnh Công… Đúng 8 giờ ngày 23/8/1945, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ giữa sân phủ đường. Dưới sự chỉ huy của Ủy ban khởi nghĩa, đoàn quân chiến thắng đã kéo về các thôn xóm để tổ chức chào mừng thắng lợi. Ngày 2/9/1945, Nhân dân các làng trong xã Vĩnh Nam (nay là xã Trung Nam) nô nức cùng cả nước hướng về Thủ đô Hà Nội, qua đài phát thanh lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân Trung Nam nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ vận mệnh đất nước mình”. Cách mạng Tháng Tám thành công đã mang lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước nói chung và xã Trung Nam nói riêng một luồng sinh khí mới, xóa đi những tủi nhục đắng cay, uất hận dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, làm bùng lên niềm phấn khởi và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng Huỳnh Công, cấp ủy, chính quyền xã Trung Nam đã tập trung xây dựng quê hương phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, bảo đảm tình hình chính trị ổn định, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới. Trong phát triển kinh tế, địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho người dân, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn... góp phần thay đổi diện mạo quê hương”, Bí thư Đảng ủy xã Trung Nam Hoàng Văn Sơn cho biết.

Những năm qua, xã Trung Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể với thu nhập bình quân ước đạt 37 triệu đồng/người/năm, tổng thu nhập xã hội tính đến cuối năm 2019 đạt gần 235 tỉ đồng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi phù hợp theo hướng đa cây, đa con, mở rộng diện tích phát triển cây công nghiệp dài ngày. Chăn nuôi được chú trọng phát triển theo hướng mở rộng các mô hình trang trại, gia trại và nâng cao chất lượng con nuôi. Trên 90% đường liên thôn, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% nhà ở người dân được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, không còn nhà tạm bợ, dột nát. Cùng với đó là ngành nghề dịch vụ phát triển đa dạng, quy mô kinh doanh ngày càng được mở rộng… Đến nay, địa phương đã cơ bản hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ rồi từng ngày chứng kiến sự đổi thay trên quê hương, ông Tạ Toản không giấu được niềm vui: “Sự đổi thay ở Trung Nam hôm nay thể hiện rõ từ mỗi nếp nhà, trong cuộc sống hằng ngày của người dân và qua diện mạo mới trên mỗi xóm thôn. Hơn 70 năm trước, thế hệ chúng tôi chỉ dám ước mơ đến một bữa cơm no trong ngày, hay mùa đông được mặc chiếc áo đủ ấm, thì nay ánh sáng của cách mạng đã đem đến cuộc sống sung túc, đủ đầy cho mọi người dân. Tuy vùng nông thôn nhưng ở Trung Nam bước ra ngõ là có đường nhựa, đường bê tông nối đến tận từng cánh đồng, rồi các công trình hạ tầng, nhà cửa cứ thế mọc lên san sát xen lẫn giữa màu xanh trù phú của những vườn cao su, hồ tiêu. Cuộc sống ấm no của người dân, một vùng quê đáng sống đang hiện hữu ở Trung Nam”.

Xã Trung Nam hôm nay đã thay da đổi thịt và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, Bí thư Đảng ủy xã Trung Nam Hoàng Văn Sơn cho biết thêm: “Địa phương tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp- xây dựng, thương mại - dịch vụ. Đồng thời quan tâm phát triển văn hóa, xã hội lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, chúng tôi đã chọn 2 khâu đột phá để tập trung thực hiện, đó là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với dồn điền đổi thửa, áp dụng khoa học kỹ thuật thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển; tập trung mọi giải pháp để xây dựng các HTX kiểu mới. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt từ 10-11%, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 55- 56 triệu đồng/ người/năm”.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=151231