Ngày đầu làm việc của đoàn kiểm tra hóa đơn điện

Đoàn kiểm tra về hóa đơn tiền điện tăng vọt đã bắt đầu công việc tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Nơi đây 100.000 khách hàng, trong đó gần 64.000 hộ tiền điện tăng.

Chưa đầy 3 ngày sau khi Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm rõ thông tin hóa đơn tiền điện cao bất thường, đoàn kiểm tra đã vào cuộc.

Đoàn kiểm tra được EVN thành lập 1 ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng. Đoàn này dự kiến kiểm tra việc ghi chỉ số điện, tính hóa đơn tiền điện, quy trình kiểm định công tơ điện, việc phúc tra chỉ số khi khách hàng thắc mắc… khắp 3 miền Bắc, Trung và Nam.

Sáng 25/4, đoàn kiểm tra bắt đầu công việc tại Công ty điện lực quận Thanh Xuân (thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội - EVN HANOI). Thành phần có ông Võ Quang lâm, Phó tổng giám đốc EVN; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; đại diện Cục điều điện lực (Bộ Công Thương); đại điện Cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và khoảng 20 nhà báo.

Có hay không việc ghi nhầm chỉ số tiêu thụ điện?

Công ty Điện lực Thanh Xuân được chọn vì có khoảng 100.000 khách hàng dùng điện sinh hoạt. Trong tháng 6 vừa qua, lượng tiêu thụ điện tăng vọt tại khu vực này. Số khách hàng có tiền điện tăng ở mức 30% trở lên là 63.635, con số của tháng 5 là 2.976 (nghĩa là tăng 21 lần).

Sau phần báo cáo khoảng 15 phút của Giám đốc Điện lực Thanh Xuân, các thành viên trong đoàn kiểm tra và cả các nhà báo bắt đầu đặt câu hỏi về quy trình tính hóa đơn tiền điện. Các thắc mắc dồn nhiều vào sự minh bạch của công tơ đo chỉ số điện.

“Có hay không việc ghi nhầm dẫn đến tính tiền sai? Có chuyện nhân viên không đến chốt số mà phiên ra để tính tiền hay không?”, một nhà báo đặt câu hỏi.

Nhân viên ngành điện giải thích việc khách hàng có thể theo dõi chỉ số công tơ thông qua website. Ảnh: HC.

Bà Tô Lan Phương, Trưởng ban kinh doanh EVN HANOI, cho biết 100% công tơ điện ở quận Thanh Xuân đã là công tơ điện tử, nghĩa là có thể đo lường từ xa. Chỉ khác là có loại công tơ tự truyền số liệu về máy chủ, có loại thì nhân viên điện lực phải mang thiết bị đến gần công tơ để thu thập dữ liệu.

Nghĩa là có công tơ truyền tín hiệu về bằng chính đường dây lưới điện. Có công tơ thì đo chỉ số, sau đó phát ra một loại sóng ngắn để truyền tín hiệu. Nhân viên thu tiền điện chỉ cần mang thiết bị cầm tay đến khu vực có công tơ, dữ liệu từ công tơ sẽ tự động truyền vào thiết bị cầm tay, sau đó về nhập vào máy chủ.

“Toàn bộ số liệu tự động chuyển về trung tâm và cập nhật vào phần tính toán. Không có bất cứ can thiệp nào của con người vào chỉ số”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, cho biết thêm.

Khắc phục việc ghi nhầm chỉ số ở công tơ cơ

Theo ông Dũng, sai sót chỉ có thể xảy ra với công tơ cơ, nghĩa là vẫn thu thập dữ liệu từ nhân viên ngành điện. Khi dùng công tơ cơ, nhân viên phải trực tiếp đến ghi số và nhập số vào hệ thống. Việc này tiến hành thủ công nên có thể xảy ra nhầm lẫn ở đâu đó. Tuy nhiên số lượng này không nhiều.

“Ở đâu đó có người chưa thực hiện tròn trách nhiệm của mình. Người ở nhà kiểm tra những chỉ số thì không phát hiện ra. Do đó, cần điều chỉnh lại quy trình, dựa vào phần mềm để lọc bớt tình huống thế này để khắc phục trong thời gian sắp tới”, ông Dũng nói.

Giải pháp được EVN đưa ra là dần thay thế toàn bộ công tơ cơ bằng công tơ điện tử và minh bạch hóa chỉ số tiêu thụ điện.

Hiện tại, cả nước có 27 triệu hộ dùng điện, nhưng tỷ lệ dùng công tơ điện tử chỉ đạt 54%. Theo lộ trình từ nay đến năm 2025, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Tổng công ty điện lực miền Trung sẽ được lắp đặt 100% công tơ điện tử. Với điện lực miền Bắc và miền Nam sẽ thay thế 100% công tơ điện tử ở các thị trấn trở lên, còn lại là khoảng 50%.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: HC.

Trong khi đó, bà Tô Lan Phương đưa ra cách xử lý của Hà Nội khi ghi chỉ số dựa vào sức người. Theo đó, nhân viên chốt chỉ số ở Hà Nội sẽ được trang bị thiết bị điện tử để chụp lại chỉ số công tơ, trong đó có ghi rõ ngày giờ chụp. Khi in hóa đơn cho khách, sẽ in lại ảnh chụp này để đối chiếu.

Một câu hỏi khác thắc mắc về việc kiểm định công tơ liệu có chuẩn xác. Nhất là khi các công tơ lại được một công ty con của ngành điện kiểm định.

Bà Tô Lan Phương cho biết theo quy định, phòng kiểm định thiết bị điện nào của EVN HANOI cũng phải được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp giấy phép hoạt động. Khi nghi ngờ chỉ số điện, khách hàng có thể trực tiếp đến các phòng thí nghiệm này kiểm định, hoặc đưa đến một trung tâm kiểm định độc lập mà Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép.

Tiếp tục về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đặt ra câu hỏi liệu có sự can thiệp vào công tơ để làm sản lượng điện sai lệch đi không. Ông lấy ví dụ đã phát hiện ra trường hợp bán xăng gắn chip điện tử để gian lận, dù cây xăng đã được kiểm định đúng tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, cho biết các quy trình làm việc của nhân viên đều được thiết kế để minh bạch nhất. Theo đó người ghi số điện sẽ độc lập với người nhập vào hệ thống, người phúc tra là khác, sau đó mới ra hóa đơn thông báo.

“Trong quy trình thì không ai được lợi từ việc gian lận cả”, ông Dũng nói.

‘Sự cố cá nhân, đáng tiếc cho cả hệ thống’

Bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Chăm sóc khách hàng, cho biết trong thời gian 1-24/6, EVN HANOI tiếp nhận 87.884 cuộc gọi yêu cầu, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà nói rằng: “Đây là quy luật hàng năm, nhiệt độ tăng thì cuộc gọi tăng”.

Các cuộc gọi được tiếp nhận sau đó sẽ truyền tin tới các công ty điện lực để phúc tra trong vòng 5-7 phút. Ngoài ra, khách hàng có thể lên website chăm sóc khách hàng của EVN HANOI để tra cứu chỉ số tiêu thụ của gia đình theo ngày (với các quận nội thành). Từ đó so sánh mức tiêu thụ qua các năm, các tháng và trung bình chung khu vực. Tên đăng nhập là mã khách hàng và mật khẩu có thể gọi điện đến tổng đài để cung cấp.

Gần cuối buổi làm việc, các thành viên trong đoàn kiểm tra chọn ra 4 trường hợp thắc mắc tiền điện bất kỳ tại quận Thanh Xuân để trực tiếp xuống kiểm tra việc phúc tra cho khách hàng. Rất nhanh chóng, một khách hàng tại ngõ 263 Nguyễn Trãi xác nhận có nhà. Ông này từng thắc mắc chỉ số điện tăng vọt. Sau đó, nhân viên điện lực xuống kiểm tra và giải thích và được khách hàng đồng ý.

Đoàn kiểm tra đến nghe phản hồi về việc phúc tra giá điện. Ảnh: HC.

Khi đoàn kiểm tra đến không báo trước, ông này thừa nhận tiêu thụ điện tăng cao nên hóa đơn tiền điện tháng vừa qua tăng vọt.

Cuối buổi, ông Võ Quang Lâm có chia sẻ thêm về một số trường hợp lãnh đạo công ty điện bị tạm đình chỉ công tác do để xảy ra sai sót trong việc chốt số điện.

Đây là sự cố cá nhân, rất đáng tiếc cho cả hệ thống”, ông nói.

Ông Lâm cho biết EVN sẽ có trách nhiệm phải kiện toàn hơn nữa ý thức cán bộ nhân viên, tuân thủ công vụ thông qua các chương trình đào tạo, năng cao nghiệp vụ và ý thức của nhân viên.

Với hạ tầng kỹ thuật, EVN sẽ xây dựng lưới điện thông minh theo lộ trình của Chính phủ. Từ nay đến 2025 sẽ hiện đại hóa công tác đo đếm, đi kèm là hoàn thiện phần mềm.

Để giảm thiểu sự cố EVN sẽ chỉ đạo cảnh báo các cấp quản lý, các chỉ số tăng đột biến, sẽ có các cấp khác nhau giám sát và quản lý trước khi cung cấp cho khách hàng. Thứ ba, ông Lâm nhấn mạnh đến công cụ để người dân giám sát kết quả sử dụng điện của mình thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng, qua đó tiết kiệm điện.

Nói với Zing vào cuối buổi, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng qua buổi khảo sát ông thấy vấn đề của người tiêu dùng là thiếu thông tin nên sẽ thắc mắc về hóa đơn tiền điện. Việc cung cấp thông tin cho khách hàng sẽ cần phải được nâng cao hơn nữa.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-dau-lam-viec-cua-doan-kiem-tra-hoa-don-dien-post1099955.html