Ngày càng nhiều nam giới Hàn Quốc từ bỏ làm 'trụ cột kinh tế' để ở nhà chăm con

Theo số liệu từ chính phủ Hàn Quốc, ngày càng có nhiều nam giới ở quốc gia này 'không hoạt động kinh tế', chỉ những người không làm việc và cũng không tìm việc làm, mà dành toàn thời gian nuôi dạy con cái.

Ảnh minh họa.

Ngày càng nhiều nam giới không đi làm

Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, số nam giới không hoạt động kinh tế vào năm 2023 vì lý do chăm sóc trẻ em là khoảng 16.000 người, đánh dấu mức cao nhất mọi thời đại kể từ khi dữ liệu liên quan được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1999.

Con số này tăng 37,4% so với mốc 12.000 người của năm trước và tăng gần gấp 3 lần trong một thập kỷ, từ mốc 6.000 người vào năm 2013 (các số liệu đã được làm tròn đến hàng nghìn gần nhất).

Mặc dù con số này vẫn còn tương đối thấp, nhưng sự gia tăng này bắt nguồn từ số lượng nam giới nghỉ chăm con ngày càng tăng trong vài năm qua ở đây, đạt khoảng 37.885 người vào năm 2022, tăng 30,5% so với năm trước, báo hiệu sự cải thiện trong nhận thức của nam giới về việc chăm sóc con cái.

Xét về nhóm tuổi, khoảng 8.400 nam giới, tương đương 53,3% tổng số, ở độ tuổi 40; tiếp theo là 4.600, tương đương 28,8%, ở độ tuổi 30, lựa chọn ở nhà chăm con thay vì đi làm.

Trong khi đó, số phụ nữ không hoạt động kinh tế do nhu cầu chăm sóc trẻ em vào năm 2023 tiếp tục vượt xa nam giới, ở mức 840.000. Mặc dù vậy, con số này đang liên tục giảm khi ngày càng có nhiều phụ nữ tiếp tục làm việc sau khi sinh con. Con số 840.000 của năm ngoái đã giảm 14,7% so với con số 984.000 của năm 2022.

Theo nhóm tuổi, khoảng 497.000 phụ nữ, tương đương 59,1% tổng số, ở độ tuổi 30, tiếp theo là 219.000, tương đương 26,1%, ở độ tuổi 40, lựa chọn ở nhà nội trợ.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong tương lai, tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế sẽ tăng cao, do thực tế là tỷ lệ sinh của Hàn Quốc liên tục giảm và ngày càng có nhiều nữ giới tham gia vào thị trường lao động.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ đã tăng từ 49,8% năm 2011 lên 50,3% năm 2013, lên 53,5% năm 2019 và đạt 55,6% vào năm 2023, mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo quan niệm thông thường của văn hóa Hàn Quốc, nam giới thường được coi là "trụ cột gia đình", là người kiếm kinh tế chính, trong khi phụ nữ thường chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái và làm nội trợ.

Tuy nhiên, tình hình thực tế dường như đang thay đổi, khi giới trẻ Hàn Quốc đã có tư duy khác về việc phân công công việc trong gia đình, cộng thêm áp lực cuộc sống và kinh tế gia tăng đã khiến nhiều người "chùn bước", cả trong việc kiếm tiền lẫn việc lập gia đình và sinh con.

Số lượng nam giới Hàn Quốc lựa chọn ở nhà làm nội trợ ngày càng nhiều.

Giới trẻ không còn thích sinh con

Với tổng tỷ suất sinh năm ngoái đứng ở mức 0,72 và dự kiến sẽ giảm xuống còn 0,68 trong năm nay, lần đầu tiên giảm xuống dưới 0,7, Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, tạo thành mối nguy cho lực lượng lao động và tăng trưởng kinh tế của nước này trong tương lai.

Nếu tỷ lệ sinh của Hàn Quốc vẫn giữ nguyên quỹ đạo hiện tại, nước này có thể sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế âm bắt đầu từ năm 2050.

Các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Hàn Quốc chỉ ra áp lực cạnh tranh mà giới trẻ phải đối mặt là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh giảm. Trong một cuộc khảo sát với 2.000 người từ 25-39 tuổi, các cặp vợ chồng có mức độ áp lực cạnh tranh cao được phát hiện mong muốn có số con thấp hơn đáng kể (0,73) so với các cặp vợ chồng có mức độ áp lực cạnh tranh thấp hơn (0,87).

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra chi phí sinh hoạt, việc làm không ổn định và chi phí nuôi con là những yếu tố dẫn đến tỷ lệ sinh thấp. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, tình trạng bất bình đẳng trên thị trường lao động ngày càng trầm trọng, giá bất động sản tăng vọt cùng với chi phí tài chính để nuôi con. Báo cáo cho thấy tất cả những yếu tố này góp phần gây ra sự lo lắng khiến các cặp vợ chồng không thể có con.

Trong một cuộc khảo sát trước đây cho thấy 49,4% người có việc làm bày tỏ ý định kết hôn so với 38,4% người thất nghiệp thì tỷ lệ người lao động không thường xuyên mong muốn kết hôn (36,6%) thậm chí còn thấp hơn tỷ lệ ở người thất nghiệp.

Chính phủ tìm cách khắc phục tỷ lệ sinh thấp

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc gần đây đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giải quyết tỷ lệ sinh thấp.

Bộ cho biết họ sẽ tăng cường hỗ trợ của chính phủ cho chương trình Dịch vụ Chăm sóc Trẻ em dành cho các gia đình có thu nhập kép. Chương trình liên kết các bậc cha mẹ với nhân viên chăm sóc trẻ em, những người có thể chăm sóc trẻ từ 36 tháng tuổi trở xuống tại nhà của họ.

Mặc dù hỗ trợ của chính phủ đối với các dịch vụ chăm sóc trẻ em hiện được cung cấp cho khoảng 85.000 hộ gia đình nhưng nó sẽ được mở rộng lên 110.000 hộ gia đình. Các gia đình có thu nhập kép có hai con trở lên cũng sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp cho một phần chi phí chăm sóc trẻ.

Bộ cũng sẽ triển khai thí điểm dịch vụ chăm sóc trẻ em khẩn cấp, cho phép phụ huynh đăng ký dịch vụ trước hai giờ trong trường hợp cha mẹ phải đi làm muộn.

Hỗ trợ trẻ em từ các gia đình đa văn hóa về học tập cơ bản, giáo dục song ngữ và tư vấn nghề nghiệp cũng nằm trong chương trình nghị sự. Chính phủ sẽ cung cấp các khoản trợ cấp hoạt động giáo dục từ 400.000 won đến 600.000 won (300-450 USD) cho 60.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp, trong đó một phụ huynh là người Hàn Quốc và người còn lại là người nước ngoài.

Đối với các hộ gia đình đơn thân có thu nhập thấp, mức trợ cấp chung sẽ tăng từ 200.000 won lên 210.000 won mỗi tháng. Trong số những người nhận, cha mẹ từ 24 tuổi trở xuống có con từ 0-1 tuổi có thể nhận 400.000 won mỗi tháng, tăng 50.000 won so với mức 350.000 won hiện tại.

Ông Kim Hyun-sook, cựu Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, người đã chính thức từ chức đầu tuần qua, cho biết: “Đức và Thụy Điển đã chứng kiến tỷ lệ sinh tăng trở lại nhờ tìm được sự cân bằng giữa công việc và gia đình”.

“Nền tảng để giải quyết tỷ lệ sinh thấp có thể được đặt ra bằng cách thúc đẩy một môi trường thân thiện với gia đình, nơi đàn ông và phụ nữ cùng làm việc và chăm sóc con cái, giảm bớt gánh nặng chăm sóc trẻ em”, ông Kim nhận định.

Minh Ý

Theo Hankyoreh, Korea Herald

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ngay-cang-nhieu-nam-gioi-han-quoc-tu-bo-lam-tru-cot-kinh-te-de-o-nha-cham-con-20180504224295482.htm