Ngày 30 tháng 4, nhìn từ sông Bến Hải

Mỗi lần đi qua cầu Hiền Lương, tôi đều nhìn xuống sông Bến Hải. Con sông nhỏ của miền Trung, của vùng đất Quảng Trị nắng gió mưa bão từng là 'giới tuyến tạm thời' chia non sông Việt ra đôi miền Bắc - Nam. Cái nơi chia cắt ấy là vết thương nhức nhối của dân tộc mình và nói như một nhà văn nước ngoài thì đó là chỗ bị đứt của sợi dây đàn bầu Việt Nam.

Qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lẽ ra dân tộc ta sẽ được hưởng hòa bình và theo Hiệp định Giơ ne vơ 1954 thì sau hai năm, một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức để thống nhất đất nước. Nhưng, số phận dân tộc ta quá nghiệt ngã, tổng tuyển cử không được tổ chức mà thay vào đó là một cuộc chiến tranh mới kéo dài gần hai mươi năm.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Ảnh tư liệu.

Lịch sử đã minh chứng ai chính nghĩa, kẻ nào phi nghĩa và cuộc chiến đã kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 với khúc khải hoàn ca không thể nào quên “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Cánh cửa hòa bình được mở ra từ đấy và giấc mơ thống nhất Tổ quốc trở thành hiện thực ngay sau đó. Ngày 30 tháng 4 là ngày Chiến thắng, chúng ta từng gọi thế, được quyền gọi thế.

Thực ra, trong tâm tưởng và khát vọng cháy bỏng của người Việt thì non sông này chưa bao giờ bị chia cắt. Thi sĩ Tế Hanh, một người con miền Nam tập kết ra Bắc thời ấy khi đến sông Bến Hải đã thốt lên: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị / Tận chân trời mây núi có chia đâu… Thống nhất non sông là khát vọng chung của con Lạc cháu Hồng. Kẻ nào rắp tâm chiếm đoạt hay chia cắt giang sơn này trước sau, sớm muộn cũng bị trừng trị và đương nhiên sẽ thất bại. Nhưng để biến khát vọng thống nhất đất nước thành hiện thực thì dân tộc này phải tiếp tục một cuộc trường chinh mới.

Chúng ta, không ai mong muốn được tỏa sáng từ tro bụi chiến tranh, chẳng bao giờ mơ tới một cuộc đối đầu bằng súng đạn để trở thành anh hùng dũng sĩ; đương nhiên rồi, chả khao khát có ngày 30 tháng 4 năm 1975 để tôn vinh mình. Giá như đất nước được hòa bình từ năm 1954, được thống nhất từ năm 1956 để từ đó dựng xây Tổ quốc theo sự lựa chọn của đông đảo nhân dân. Nếu nói cuộc đời mỗi người được dắt dẫn bởi định mệnh đã được mã hóa từ thời khắc phôi thai thì chắc dân tộc cũng mang trong mình số phận thăng trầm khó chệch thoát được từ khi mới hình thành. Những tình huống, éo le thời cuộc đã tạo ra các bước ngoặt lịch sử và đương nhiên nó tác động sâu rộng tới mọi người.

Những người lính vừa đánh giặc Pháp xong, chưa kịp ngơi nghỉ đã phải lên đường đánh Mỹ. Rất nhiều chàng trai trẻ từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Ở Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh - Bộ đội Trường Sơn tại quận Hà Đông (Hà Nội) có trưng bày một hiện vật rất đặc biệt. Đó là tảng đá núi được mang về từ trùng điệp vạn lý Trường Sơn trên đó có vết lõm của bàn chân. Hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn người lính ra trận đã đặt chân lên tảng đá đó.

Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, dấu chân sau chồng lên dấu chân trước in thành bàn chân người lính lõm sâu vào đá núi. Đá mòn mà đôi gót không mòn. Những cuộc hành quân vượt qua bom đạn, nắng mưa, chết chóc, bệnh tật đi về phía trước. Cuộc chiến dài thăm thẳm, cái đích chiến thắng xa lắc xa lơ, nếu “không đi bằng đầu” làm sao vượt qua được những đỉnh núi cao vời vợi, những triền dốc chênh vênh và cả nỗi sợ hãi rất con người. Những người vợ vừa đợi chồng chín năm lại đợi tiếp hơn hai mươi năm dằng dặc nữa. Nhiều người lính, phần đông tuổi thanh xuân ngã xuống trên các chiến trường. Rất nhiều người lính không trở về sau chiến tranh. Đó là sự thật. Một sự thật xa xót không ai có thể phủ định được.

Cụm di tích lịch sử Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải. Ảnh: Trần Tiến.

Từ cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải tôi nhìn về phía Tây. Nơi có những ngọn núi nhấp nhô mờ xanh hiện lên trên nền trời đầy nắng. Ở thượng nguồn con sông nổi tiếng này là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn mười nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã từng sống, chiến đấu, lao động trên tuyến đường Hồ Chí Minh thời chiến tranh chống Mỹ. Mười nghìn chỉ mới là một nửa số đồng đội tôi hy sinh ở Trường Sơn được quy tụ về; còn khoảng mười nghìn hài cốt nữa đang nằm đâu đó dưới đáy rừng già. Không nghẹn ngào sao được: Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa / Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/ Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương / Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng / Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng / Mười nghìn khát vọng được về bên nhau…

Nỗi đau chiến tranh cần được nhắc lại để chống sự lãng quên quá khứ và phải biết thấm thía giá trị hòa bình chúng ta có hôm nay. Hòa bình, độc lập tự do là giá trị thiêng liêng nhất, to lớn nhất của dân tộc. Thông điệp tỏa sáng và vĩnh hằng của ngày 30 tháng 4 chính là ở đó. Từ dấu mốc này, từ tinh thần này, dân tộc đang hướng tới sự hòa giải, hòa hợp, xoa dịu làm lành lại những vết đau, xóa đi những mặc cảm, những chia cắt, những “giới tuyến” vô hình đó đây.

Trong ngày 30 tháng 4, tôi muốn kể thêm câu chuyện cảm động này. Có một đôi vợ chồng trẻ vào miền Nam tìm hài cốt cha mình vốn là bộ đội thời đánh Mỹ. (Khi bố lên đường ra trận thì mẹ đang mang thai anh). Tìm được rồi, họ bỏ hài cốt cha vào chiếc ba lô bộ đội đã bạc màu và mua ba tấm vé tàu Thống Nhất để ra Bắc. Ở trên tàu họ mua ba suất cơm, trong đó một suất cùng tấm vé tàu được đặt trên nắp ba lô mang hài cốt bố.

Trên con tàu Thống Nhất chạy dọc chiều dài đất nước, người lính ấy đã được “trở về” quê cùng với con trai và con dâu của mình. Gia đình họ sẽ đoàn tụ trong những cảm nhận thiêng liêng cao đẹp về sự hiến dâng cho đất nước và nhân dân. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, hãy biết ơn sự hiến dâng của những người đi trước để sống thật tử tế, thật nhân văn, thật có ích cho Tổ quốc và gia đình.

30 tháng 4 là ngày lễ của dân tộc ta. Không của riêng ai, đó là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, ngày của thống nhất non sông này. Đã đến lúc sự phân chia bên thắng - bên thua; bên được - bên mất; bên vui - bên buồn trở thành lỗi thời. Quá khứ không bị lãng quên nhưng cần được khép lại để chung sức, chung lòng xây dựng đất nước yên bình, phồn vinh.

Không thể khác được, Tổ quốc Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Cùng chung nguồn cội con Lạc cháu Hồng, cùng hướng về đất Tổ Hùng Vương, cùng chung từ địa đầu Móng Cái tới đất Mũi Cà Mau, cùng chung trùng điệp Trường Sơn, cùng chung mênh mông biển đảo có Trường Sa, Hoàng Sa… Trái tim mỗi người ngân rung hai tiếng Việt Nam.

Vào dịp 30 tháng 4 hằng năm, tại cầu Hiền Lương, Bến Hải, lễ hội non sông được tổ chức trọng thể. Có nhiều cựu chiến binh hay người thân của các liệt sĩ mang nước sông quê hương mình đến đổ vào Bến Hải. Và đây nữa, chiếc cầu “giới tuyến” có hai màu sơn của thời ngày Bắc đêm Nam được phục dựng lại mang theo hồi ức của dân tộc.

Vào dịp 30 tháng 4 hằng năm, tại cầu Hiền Lương, Bến Hải, lễ hội non sông được tổ chức trọng thể. Có nhiều cựu chiến binh hay người thân của các liệt sĩ mang nước sông quê hương mình đến đổ vào Bến Hải. Và đây nữa, chiếc cầu “giới tuyến” có hai màu sơn của thời ngày Bắc đêm Nam được phục dựng lại mang theo hồi ức của dân tộc.

Hồi ức ấy vẫn hội tụ đủ đầy khát vọng đoàn tụ, khát vọng yêu thương trong những ca khúc đi cùng năm tháng như Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ; Câu hò trên bến Hiền Lương của Hoàng Hiệp hay Tình ca của Hoàng Việt vang lên thiết tha trong ngày hội dưới màu trời Quảng Trị xanh mênh mang.

Những lời hát vượt lên thời gian, vượt lên sự ngăn cách để thành bất tử: Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa. Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu. Đập ta ngay bao đau khổ và chia ly. Giữ lấy đức tin bền vững em ơi. Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời. Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người… (Hoàng Việt - Tình ca). Vâng, chính đức tin ấy đã góp phần làm nên ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi luôn tin điều đó đúng!.

Tùy bút Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/403230/ngay-30-thang-4-nhin-tu-song-ben-hai.html