Ngày 19-4, khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại TPHCM

Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại TPHCM diễn ra từ ngày 15-4 đến ngày 1-5, trong đó tập trung cao điểm từ ngày 17 đến ngày 22-4 tại Công trường Công xã Paris (quận 1), Đường sách TPHCM và đồng loạt tổ chức tại TP Thủ Đức cùng 21 quận, huyện trên địa bàn TP.

Chiều 15-4, Sở TT-TT TPHCM công bố chương trình Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Năm nay, ngày hội có sự tham gia, đồng hành của 31 đơn vị cùng 42 gian hàng, mang đến gần 50.000 quyển sách hay, bổ ích, đa dạng thể loại. Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 chính thức khai mạc vào ngày 19-4, tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 17-4, nhiều hoạt động bắt đầu được diễn ra.

Hơn 300 hoạt động trên toàn thành phố

Năm nay, TPHCM chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với hơn 300 hoạt động; riêng tại Công trường Công xã Paris và Đường sách TPHCM quy tụ gần 100 chương trình đặc sắc như: chuỗi talkshow với các chuyên đề về sách, sách cổ, sách nói, kỹ năng hình thành thói quen đọc sách, giao lưu, ký tặng sách Nhóc Miko cùng tác giả truyện tranh nổi tiếng thế giới Ono Eriko, giao lưu cùng 20 Đại sứ Văn hóa đọc 2 nhiệm kỳ… Đặc biệt là buổi ký tặng sách cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vào lúc 8 giờ 30 ngày 21-4, tại Sân khấu chính Công trường Công xã Paris.

Phối cảnh sân khấu chính tại Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 sẽ mang đến một không gian “Mở cửa tri thức”, mở trang sách là mở ra cánh cửa đến với thế giới đọc cũng như tượng trưng cho vẻ đẹp của thế giới kỹ thuật số.

Trong không gian tri thức trải dài trên tuyến đường Công trường Công xã Paris và Đường sách TPHCM được chia làm 4 phân khu bao gồm: Đại cảnh chuyển đổi số: là nơi thực hiện Triển lãm sách đạt Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023 gồm 41 tác phẩm; khu vực Triển lãm tư liệu, xuất bản phẩm kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024) và kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế lao động (1-5-1886 – 1-5-2024); Triển lãm tư liệu, xuất bản phẩm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024) và Kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Genève (21-7-1954 - 21-7-2024).

Tại đây, các tác phẩm, tư liệu trưng bày đều được mã hóa thành mã QR Code, nhằm cung cấp các trải nghiệm đa phương tiện, tăng tính tương tác của bạn đọc.

Phối cảnh khu vực triển lãm và trưng bày các xuất bản phẩm kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở TT-TT TPHCM, cho biết, tại Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm nay, Bộ TT-TT đưa ra 4 thông điệp, gồm: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật”, “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”. Theo đó, TPHCM cũng sẽ giữ 4 thông điệp này trong các hoạt động xuyên suốt ngày hội.

Ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở TT-TT TPHCM

“Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 là sự kiện văn hóa quan trọng để tôn vinh giá trị của sách, người đọc, những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam và là một trong những sự kiện trọng tâm của phát triển kinh tế thành phố”, ông Trịnh Hữu Anh nhấn mạnh.

Tổ chức livestream bán sách

Tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2024 của TPHCM về “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội” các hoạt động liên quan chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cũng được chú trọng trong khuôn khổ Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3. Theo đó, các NXB, đơn vị phát hành bán sách tham gia tại ngày hội sẽ tổ chức các phiên livestream giới thiệu sách, giao lưu với bạn đọc trên nền tảng TikTok.

Phối cảnh nơi tổ chức livestream giới thiệu sách và giao lưu với bạn đọc trên nền tảng TikTok

Theo chia sẻ của ông Trịnh Hữu Anh, Ban Tổ chức đã gửi phiếu khảo sát cho các đơn vị tham gia để đăng ký các hoạt động livestream. Đa phần các đơn vị mong muốn tổ chức livestream tại gian hàng để có thể chủ động về thời gian, nhân sự… Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng sẽ có một không gian riêng để các đơn vị chưa có điều kiện mua sắm công cụ, có thể đăng ký và thực hiện livestream tại đây.

Phối cảnh Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại Đường sách TPHCM

“Hoạt động này bám sát việc phát huy và ứng dụng thế mạnh mạng xã hội trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành để đẩy mạnh việc kết nối, quảng bá xuất bản phẩm giúp các đơn vị xuất bản, phát hành sách làm quen với quá trình thiết lập, vận hành và phát triển gian hàng trên nền tảng số”, ông Trịnh Hữu Anh cho biết.

Bên cạnh đó, để tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, phương thức thanh toán không tiền mặt sẽ được áp dụng đồng loạt tại tất cả các gian hàng trong không gian của Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3, để người dân có thể thanh toán trực tuyến tiện lợi và an toàn hơn.

Song song với việc tổ chức Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3, Sở TT-TT TPHCM còn tiến hành khảo sát tỷ lệ đọc sách năm 2023 của người dân và học sinh trên địa bàn TPHCM để nghiên cứu, khảo sát tỷ lệ bản sách/người và đo lường thói quen đọc sách của người dân và học sinh.

Qua đó, làm cơ sở đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến việc đọc sách của học sinh và người dân để kịp thời có đề xuất, tham mưu những giải pháp hiệu quả, chính sách phù hợp với thực tiễn của TP, đề ra những giải pháp nâng cao chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng và tỷ lệ đọc sách hàng năm. Thời gian tiến hành khảo sát bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8-2024, dự kiến sẽ công bố kết quả khảo sát tỷ lệ đọc sách trong quý 3-2024.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngay-19-4-khai-mac-ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-nam-2024-tai-tphcm-post735483.html