Ngành Y tế: Nâng cao cả lượng và chất

Luôn quan tâm đầu tư về nguồn lực con người, tạo điều kiện để cán bộ được đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên chất lượng nguồn nhân lực của ngành Y tế Thái Nguyên không ngừng được nâng lên.

Với trình độ chuyên môn cao, các y, bác sĩ Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên đã cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân có dị vật ở cuống họng.

Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực y tế luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì lẽ đó, phát triển nguồn nhân lực y tế luôn được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. So với 4 năm trước, nguồn nhân lực của ngành Y tế đã tăng thêm khoảng 20%.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Nâng cao cả chất và lượng nguồn nhân lực là mục tiêu chúng tôi luôn hướng tới trong nhiều năm qua. Theo đó, việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của từng đơn vị.

Với cách làm trên, từ năm 2021 đến nay, ngành Y tế đã tạo điều kiện cho gần 100 người đi đào tạo bác sĩ CK I, CK II; kỹ thuật viên… Đặc biệt, với nhiều nỗ lực, đến nay, Thái Nguyên đã đạt tỷ lệ 17 bác sĩ/10.000 dân, trong khi bình quân chung cả nước chỉ có 11,5 bác sĩ/10.000 dân.

Cùng với đó, để chất và lượng nguồn nhân lực luôn “song hành”, ngành Y tế còn chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh đào tạo nguồn nhân lực ngay tại chỗ. Trong đó, hoạt động y tế tuyến trên hỗ trợ y tế tuyến dưới được duy trì thường xuyên. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, các trạm y tế tuyến xã có nhu cầu hỗ trợ chuyên môn khảo sát, chủ động xác định và đề xuất nhu cầu hỗ trợ với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên thuộc phạm vi phân công chỉ đạo tuyến hoặc với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến đủ năng lực.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên tổ chức tốt việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của cán bộ về luân phiên, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đến công tác luân phiên tại đơn vị.

Còn y tế tuyến trên sẽ lập kế hoạch chỉ đạo tuyến dưới, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác hoạt động chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới; phối hợp với các chuyên khoa tổ chức thực hiện đào tạo liên tục cho cán bộ tuyến dưới; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo tuyến.

Bác sĩ CKI Đồng Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Bình, cho hay: Trước đây, điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi qua da là kỹ thuật của tuyến trên. Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, hiện nay, phương pháp này đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện của chúng tôi. Tôi cho rằng, việc chuyển giao các kỹ thuật hiện đại và cử cán bộ luân phiên hỗ trợ tuyến dưới kịp thời đang mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó giúp tuyến y tế cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kịp thời cứu chữa cho người bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Có thể khẳng định, những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực của ngành Y tế Thái Nguyên đã không ngừng được nâng lên. Kéo theo đó, chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh cũng được nâng cao.

Dù vậy, tình trạng thiếu bác sĩ ở y tế tuyến xã vẫn đang là bài toán khó của ngành Y tế (chỉ có 150/177 trạm y tế xã có bác sĩ), ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh; thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng của tuyến cơ sở.

Trước mắt, ngành Y tế khắc phục tình trạng này bằng cách bố trí cử bác sĩ luân phiên từ trung tâm y tế tuyến huyện và các trạm y tế lân cận về hỗ trợ các xã chưa có bác sĩ để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Ông Đặng Ngọc Huy cho biết thêm: Về lâu dài, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị y tế xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng nhân viên y tế sau đào tạo. Đặc biệt, chúng tôi tạo điều kiện cho y sĩ được học liên thông lên bác sĩ để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cơ sở tốt hơn.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202402/nganh-y-te-nang-cao-ca-luong-va-chat-1db10c3/