Ngành Xây dựng làm chủ các dự án thủy điện

Trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành Xây dựng, việc gắn với xây dựng các dự án lớn, dự án thủy điện được đánh dấu bằng dự án thủy điện Thác Bà, công suất 108 MW, hoàn thành năm 1971. Năm 1975, công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, công suất 1.920 MW bắt đầu được xây dựng, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô cũ, đã từng là đỉnh cao về tổ chức thi công giai đoạn đất nước khôi phục sau chiến tranh.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch Quốc hội (nay là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) thăm công nhân Sông Đà trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La (năm 2006).

Từ chỗ cần sự hỗ trợ thi công của chuyên gia quốc tế

Tại công trình thế kỷ này ngành công nghiệp xây dựng thủy điện đã được khẳng định. Từ quy mô đồ sộ đến các giải pháp kỹ thuật phức tạp đan xen, đã làm nên một công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Với thời gian thi công tới 20 năm, cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn chuyên gia Liên Xô, nhà máy thủy điện công suất 1.920.000 KW đã được hoàn thành và bàn giao.

Sự trưởng thành vượt bậc từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã mở ra hướng đầu tư mới cho ngành công nghiệp thủy điện, từ hai công trình Thác Bà và Hòa Bình là bước tập sự cho đội ngũ thợ xây dựng Việt Nam dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài, đến công trình thủy điện Yaly (khởi công năm 1996) người Việt Nam đã đảm nhận hầu hết tất cả các công đoạn. Tổng công ty Sông Đà là đơn vị chuyên ngành thủy điện đã lần đầu tiên được giao làm tổng thầu xây dựng công trình thủy điện Yaly lớn thứ hai của đất nước, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam tham gia lắp đặt thiết bị nhà máy thủy điện. Tại đây, một cuộc đại cách mạng về công nghệ quản lý, công nghệ thi công tiên tiến hiện đại đã đưa năng suất lao động tăng vượt bậc, riêng tốc độ đào hầm ở công trình này đã tăng gấp 2,5 lần so với thủy điện Hòa Bình. Thời gian thi công nhà máy Yaly đã được rút ngắn làm lợi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Cơ hội mở ra ngay từ khi xây dựng công trình thủy điện Yaly, với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã tạo điều kiện để các DN trong nước tham gia xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Đây là cơ hội cho các DN ngành Xây dựng vươn lên trong lĩnh vực thủy điện.

Đến làm chủ hoàn toàn các dự án thủy điện

Công trình thủy điện Ryninh II, công suất 8,1MW (bên cạnh thủy điện Yaly) được đánh dấu cho cơ hội phát triển thuộc lĩnh vực này. Sau Ryninh II các nhà máy thủy điện Cần Đơn, Nà Lơi, Nậm Mu, Sê San 3A, Thác Trắng... dần khẳng định hướng đầu tư đúng khi DN ngành Xây dựng đã phát huy ưu thế qua các dự án thủy điện.

Tiếp đó, qua sự tin tưởng của Chính phủ, Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu EPC dự án thủy điện lớn Tuyên Quang và Sê San 3, khẳng định năng lực của DN trong nước. Phát huy nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam, nhiều hình thức đầu tư, xây dựng mới các dự án nguồn điện đã tạo điều kiện cho nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực thủy điện. Các Tổng công ty trước nay chưa từng tham gia vào các dự án thủy điện như các Tổng công ty: VINACONEX, LICOGI, Hà Nội hay IDICO... Nay có cơ hội trưởng thành vươn lên trong lĩnh vực thủy điện.

Các hình thức đầu tư đã huy động một lực lượng đông đảo các đơn vị vốn trước đây chưa từng tham gia thi công trong lĩnh vực này. Một số Tổng công ty đã được tín nhiệm giao đứng đầu các tổ hợp thi công những công trình thủy điện lớn: Sông Đà, VINACONEX, LICOGI,...

Nhờ sự mạnh dạn phát huy nội lực, các DN thuộc ngành Xây dựng đã mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, để khai thác nguồn điện năng phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Điển hình là dự án thủy điện Xêkaman 3, Xêkaman 1 do Công ty CP Đầu tư phát triển điện Việt Lào đầu tư tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đã khẳng định trình độ năng lực quản lý, công nghệ thi công và nguồn nhân lực ngành Xây dựng hoàn toàn đáp ứng yêu cầu hội nhập với thế giới, khẳng định đẳng cấp của Việt Nam trong lĩnh vực điện năng tại khu vực Đông Nam Á.

Tại khu vực Tây Bắc, hai dự án thủy điện lớn là Sơn La (công suất 2.400 MW) thợ xây dựng Việt đã áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn, rút ngắn được 30% thời gian thi công, đưa công trình về đích sớm 3 năm. Thủy điện Lai Châu công suất lắp máy 1.200 MW với 3 tổ máy, mỗi năm cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh.

Hiện tại, hai dự án thủy điện lớn là Thủy điện Hòa Bình và Yaly đang được mở rộng giai đoạn 2. Tại dự án thủy điện Hòa Bình do liên danh nhà thầu: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Xây dựng thủy lợi 47, Công ty Lắp máy 10 sẽ hoàn thành 2 tổ máy với công suất lắp máy là 480 MW. Điện lượng trung bình hàng năm 479 triệu kWh/năm (mùa lũ) và tăng khả năng huy động điện năng giờ cao điểm của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu vào mùa khô khoảng 264,4 triệu kWh/năm.

Nhà máy Thủy điện Yaly mở rộng bổ sung 2 tổ máy, với tổng công suất 360 MW, điện lượng trung bình nhiều năm 233,2 triệu kWh, khả năng huy động công suất vào giờ cao điểm là 360,01 triệu kWh. Nhà thầu thi công xây lắp công trình gồm liên danh Tổng công ty Lũng Lô, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty CP LILAMA 10.

Nhiều chuyên gia xây dựng thủy điện của Việt Nam hiện đang có mặt tại Nepan, Lào để hỗ trợ nước bạn xây dựng các dự án thủy điện minh chứng cho sự trưởng thành của người Việt trong lĩnh vực xây dựng thủy điện có công nghệ hiện đại trên thế giới.

Lê Mỹ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nganh-xay-dung-lam-chu-cac-du-an-thuy-dien-353433.html