Ngành Tài chính chú trọng thanh tra, kiểm tra lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp và theo tình hình thực tế, trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra có chất lượng; chú trọng đến những lĩnh vực có khả năng xảy ra gian lận làm thất thu ngân sách, đảm bảo việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm.

Nhiều tỷ đồng đã được thu về ngân sách qua công tác thanh tra. Ảnh TL minh họa

Nhiều sai phạm đã được phát hiện, xử lý

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, công tác xây dựng định hướng kế hoạch thanh tra luôn được lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt trong toàn hệ thống thanh tra tài chính. Theo đó, trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) trực thuộc đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra TTCN có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đến những lĩnh vực có nhiều rủi ro và có khả năng xảy ra gian lận làm thất thu ngân sách nhà nước.

Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ

Để nâng chất các cuộc thanh tra kiểm tra, bên cạnh việc nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ thanh tra kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính.

Cụ thể, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn hệ thống tập trung tăng cường TTKT vào lĩnh vực sử dụng hóa đơn; công tác hoàn thuế giá trị gia tăng; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực bất động sản, hoạt động thương mại điện tử, hoạt động mua bán online trên các mạng xã hội.

Kết quả trong năm 2023, toàn hệ thống Thuế đã thực hiện 74.386 cuộc TTKT và kiểm tra 748.399 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua TTKT hơn 72.052 tỷ đồng. Số tiền đã nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) hơn 13.757 tỷ đồng.

Toàn hệ thống Hải quan đã thực hiện 113 cuộc TTCN (gồm 21 cuộc từ kỳ trước chuyển sang và 92 cuộc triển khai trong kỳ). Qua thanh tra, ngành Hải quan phát hiện và kiến nghị truy thu là 208,6 tỷ đồng, trong đó kiến nghị về thuế 117,2 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính là 91,4 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN là 216,67 tỷ đồng (gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính và lũy kế qua công tác TTCN năm 2022).

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tập trung triển khai các đoàn thanh kiểm tra chấp hành pháp luật chứng khoán của các thành viên thị trường; tăng cường triển khai kiểm tra giao dịch các mã cổ phiếu có dấu hiệu bất thường và các công ty chứng khoán liên quan đến cung cấp dịch vụ tư vấn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Trong năm 2023, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã thực hiện 64 cuộc TTKT. Trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 409 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân với tổng số tiền xử phạt 37 tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh thực hiện hoạt động kiểm tra và TTCN thông qua môi trường số và hệ thống thông tin; tập trung TTKT công tác chi NSNN cho hoạt động thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản; kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản nội ngành...

Trong năm 2023, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 1.204 cuộc TTCN, kiểm tra nội bộ. Qua TTKT, Kho bạc Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 10,212 tỷ đồng. Các đơn vị được TTKT đã thu nộp NSNN 4,401 tỷ đồng (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính).

Riêng Thanh tra Bộ Tài chính, ông Trần Huy Trường cho biết, trong năm 2023, đơn vị đã 30 cuộc thanh tra và 3 cuộc kiểm tra theo kế hoạch. Qua TTKT, Thanh tra Bộ Tài chính đã lưu hành 33 kết luận thanh tra, 4 báo cáo kết quả kiểm tra (bao gồm cả các cuộc TTKT thực hiện cuối năm 2022 chuyển sang); kiến nghị xử lý tài chính 22.081 tỷ đồng. Các đơn vị được TTKT đã thực hiện nộp vào NSNN 1.840 tỷ đồng.

Cái cách, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra

Ảnh minh họa.

Để nâng cao công tác TTKT trong năm 2024, đặc biệt là công tác TTCN, ông Trần Huy Trường cho biết, ngoài việc tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch TTKT đã được phê duyệt, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng TTCN trực thuộc đã chủ động xây dựng phương án, điều chỉnh kế hoạch TTKT phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng TTCN trực thuộc tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để và có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục. Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong ngành Tài chính với các cơ quan chức năng khác (cơ quan Cảnh sát điều tra, Tòa án, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước…) phát hiện sớm các trường hợp vi phạm về quản lý tài chính, quản lý tài sản, thực hiện nghĩa vụ với NSNN để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN trực thuộc tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác TTKT thuế, hải quan và trong toàn ngành. Phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng. Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ TTKT ngành Tài chính như: Kiểm tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành và hệ thống camera giám sát; nâng cấp ứng dụng phần mềm phân hệ phân tích rủi ro theo bộ tiêu chí đánh giá rủi ro…

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-tai-chinh-chu-trong-thanh-tra-kiem-tra-linh-vuc-de-xay-ra-vi-pham-143418.html