Ngành sữa công thức Mỹ chưa hết khó khăn

Mới đây, bồi thẩm đoàn ở bang Illinois (Mỹ) đã ra phán quyết yêu cầu Mead Johnson, công ty con của Reckitt Benckiser, bồi thường 60 triệu USD cho mẹ của một em bé sinh non chết vì bệnh đường ruột sau khi được cho uống sữa công thức Enfamil…

Ảnh: CNN

Theo Reuters, bồi thẩm đoàn kết luận rằng Mead Johnson đã sơ suất và không cảnh báo về nguy cơ viêm ruột hoại tử (NEC). Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ sinh non và có tỉ lệ tử vong khoảng 15 - 40%. Đây là phán quyết đầu tiên trong số hàng trăm vụ kiện cho rằng các loại sữa công thức Enfamil của Mead Johnson hay Similac của Abbott Laboratories gây ra bệnh NEC.

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, có bằng chứng cho thấy sữa công thức làm tăng nguy cơ mắc NEC so với sữa mẹ. Mead Johnson nói họ không đồng tình với phán quyết và sẽ kháng cáo. "Chúng tôi tin rằng những cáo buộc từ luật sư của nguyên đơn trong trường hợp này không được giới khoa học hoặc các chuyên gia y tế ủng hộ", Reuters trích tuyên bố của Mead Johnson.

Tại tòa án liên bang ở Chicago, hơn 400 vụ kiện liên quan đến NEC chống lại Mead Johnson và Abbott đang chờ được thụ lý. Theo các nguyên đơn, công ty sản xuất sữa đã che giấu sự thật rằng sữa công thức của họ, bao gồm các sản phẩm dành riêng cho trẻ sinh non, có nhiều rủi ro hơn sữa mẹ. Các công ty sữa đã phủ nhận những cáo buộc này.

Tại tòa án liên bang ở Chicago, hơn 400 vụ kiện liên quan đến NEC chống lại Mead Johnson và Abbott đang chờ được thụ lý.

Trước đó, ngày 31/12/2023, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho biết công ty Mead Johnson Nutrition (MJN) tự nguyện thu hồi lô sữa bột Nutramigen tại thị trường Mỹ do nguy cơ nhiễm vi khuẩn Cronobacter sakazakii trong sản phẩm được lấy mẫu ở nước ngoài. Theo FDA, các lon sữa Nutramigen được sản xuất từ tháng 6/2023 và được phân phối chủ yếu trong các tháng 6, 7, 8 cùng năm.

Đại diện Tập đoàn Reckitt có trụ sở tại Anh cho biết tất cả sản phẩm bị thu hồi có hạn sử dụng trước ngày 1/1/2025, đồng thời yêu cầu khách hàng vứt bỏ các sản phẩm thuộc diện bị thu hồi. Phía Reckitt cũng khẳng định các lô sữa Nutramigen khác hoặc các sản phẩm khác của Reckitt được phân phối tại Mỹ không bị ảnh hưởng.

Hồi tháng 3/2023, Mỹ cũng tiến hành thu hồi một số loại sữa công thức Gerber dành cho trẻ sơ sinh. Các loại sữa được thông báo thu hồi gồm có Gerber Good Start SoothePro 12.4 oz, Gerber Good Start SoothePro 19.4 oz và Gerber Good Start SoothePro 30.6 oz do lo ngại có thể bị nhiễm vi khuẩn. Thông báo thu hồi tự nguyện được công ty Perrigo đưa ra mới đây đối với một số sản phẩm sữa bột dành cho trẻ sơ sinh được sản xuất tại một nhà máy ở Eau Claire, bang Wisconsin.

Tờ Bloomberg nhận định tình trạng khủng hoảng sữa công thức đã cho thấy một ngành công nghiệp không linh hoạt khi chỉ vài doanh nghiệp sở hữu phần lớn hoạt động sản xuất sữa công thức tại Mỹ. Sau khi một nhà máy của Abbott Nutrition tại Sturgis, Michigan, đột ngột ngừng hoạt động, vào tháng 2/2022 do phát hiện nhiễm khuẩn, tính đến tháng 5 cùng năm, các cửa hàng báo cáo có tới 40% sản phẩm sữa công thức đã hết hàng do những nút thắt trong chuỗi cung ứng và việc thu hồi sản phẩm sữa công thức.

Một nhà máy của Abbott Nutrition tại Sturgis, Michigan, đã phải đóng cửa vào tháng 2/2022 do phát hiện nhiễm khuẩn.

Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đã nghĩ ra một loạt giải pháp nhằm đưa sữa công thức trở lại các kệ hàng. Nhưng không có nỗ lực nào trong số đó - bao gồm cả việc viện dẫn đạo luật sản xuất quốc phòng và miễn thuế cao đối với hàng nhập khẩu sữa công thức - có thể giúp ngăn chặn được sự thiếu hụt sữa đã kéo dài 1 năm qua. Chỉ riêng nhà máy sữa của Abbott ở Sturgis, bang Michigan, chiếm thị phần khoảng 20% sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh ở Mỹ. Các đối thủ cạnh tranh của Abbott như Mead Johnson, Nestlé SA và Perrigo Co. không thể bù đắp sự thiếu hụt khi nhà máy này đóng cửa.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Abbott, Reckett Benkiser và Nestle sản xuất năm nhãn hiệu sữa công thức hàng đầu của Mỹ gồm Enfamil, Similac, Gerber, PediaSure và Isomil. Lạm phát kỷ lục và các vấn đề về chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra càng làm các vấn đề mà ngành sữa Mỹ phải đối mặt trở nên trầm trọng hơn. Các quan chức và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) vẫn chưa thống nhất về giải pháp, nhưng hầu hết đều đồng ý vấn đề chủ yếu do các chính sách của Mỹ gây khó khăn cho những công ty mới tham gia vào sản xuất.

Ron Belldegrun và Mia Funt, hai nhà đồng sáng lập ByHeart, một thương hiệu sữa công thức sử dụng sữa bò hữu cơ, cho hay họ đã dành hơn 5 năm để cố gắng đạt được bước tiến trên thị trường sữa công thức. Theo thống kê, ByHeart là nhà sản xuất sữa công thức mới đầu tiên trong hơn 15 năm được đăng ký với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Ông Belldegrun cho biết sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh là thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ nhất trên thế giới.

Shazi Visram, người đã cho thành lập công ty thực phẩm cho trẻ em Happy Family Organics vào năm 2003 lưu ý quy trình để đưa một sản phẩm lên kệ cực kỳ nghiêm ngặt, tiêu tốn nhiều thời gian lẫn vốn đầu tư. Cần ít nhất 3 - 5 năm để đưa tung sản phẩm ra thị trường từ việc phát triển công thức, đến phát triển chuỗi cung ứng, sau đó là thử nghiệm lâm sàng, xin cấp phép từ FDA và cuối cùng là sản xuất.

Doanh nhân kiêm nhà khoa học Laura Katz, người đã thiết lập công ty khởi nghiệp sữa công thức Helaina vào năm 2019, nhấn mạnh sữa bột trẻ em là một sản phẩm rất nhạy cảm và quan trọng và đó là lý do tại sao việc thiết lập độ an toàn của sản phẩm này thông qua thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi một hành trình dài như vậy.

Lạm phát kỷ lục và các vấn đề về chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra càng làm các vấn đề mà ngành sữa Mỹ phải đối mặt trở nên trầm trọng hơn.

Đang lúc Mỹ mong muốn tăng cường nhập khẩu sữa công thức từ châu Âu, cơ quan Giám sát cạnh tranh và thị trường của Anh (CMA) cho biết sẽ mở một cuộc điều tra mới về nguồn cung sữa công thức dành cho trẻ em tại nước này. Theo đó, giá sữa công thức đã tăng 25% trong 2 năm qua tại Anh trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát tăng, khiến một số gia đình gặp khó khăn buộc phải giảm lượng sữa công thức cho con.

Cuộc điều tra của Cơ quan Quản lý cạnh tranh và thị trường của Anh (CMA) sẽ buộc các nhà cung cấp như Nestle và Danone - hai công ty cung cấp sữa công thức hàng đầu tại Anh - phải cung cấp thông tin về giá sản phẩm. Bên cạnh đó, CMA cũng thực hiện các khảo sát về hành vi người tiêu dùng, vai trò của quy định trên thị trường và những rào cản gia nhập và mở rộng thị trường sữa công thức.

Nếu phát hiện có vấn đề, nhất là dấu hiệu thao túng thị trường, CMA có thể đề xuất các quy định mới về cách tiếp thị sữa công thức hoặc cung cấp thông tin cho các bậc cha mẹ, giúp họ lựa chọn nhãn hiệu sữa công thức có giá cạnh tranh hơn. Kết quả cuộc điều tra sẽ được CMA công bố vào tháng 9 tới.

Băng Hảo

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-sua-cong-thuc-my-chua-het-kho-khan.htm