Ngành sản xuất dầu ô liu tại Nam Âu lao đao

Một cuộc khủng hoảng đang nhen nhóm trong ngành sản xuất dầu ô liu khi các đợt sóng nhiệt càn quét qua khu vực Nam Âu trong mùa Hè này đe dọa những vườn ô liu ở đây.

Trang trại trồng olive để sản xuất dầu tại Italy. Ảnh: villacampestri.com

Giá dầu ô liu đã tăng gấp đôi trong năm qua, nhưng các chuyên gia trong ngành cảnh báo, giá có thể tăng vọt trong thời gian tới do rủi ro thiếu hụt nguồn cung.

Dầu ô liu, thường được sử dụng trong nấu ăn, mỹ phẩm, dược phẩm, được chiết xuất từ quả của cây ô liu trồng phổ biến ở các nước Địa Trung Hải, nơi đang trải qua các đợt nóng nóng khắc nghiệt trong mùa Hè này.

Kyle Holland, người phụ trách các loại dầu và hạt có dầu tại hãng nghiên cứu thị trường Mintec, cho biết khi trời quá nóng, cây ô liu rụng quả để tiết kiệm độ ẩm hoặc tiếp tục ra quả, khiến cây suy yếu. Nhiệt độ cao đặc biệt nguy hiểm vào mùa Xuân, trong thời kỳ cây ô liu ra hoa.

Tình hình nắng nóng hiện nay còn đáng lo ngại hơn sau khi vụ thu hoạch ô liu thất bát trong năm 2022, sau một mùa Hè nóng nhất được ghi nhận ở châu Âu.

Bà Holland cho biết tại Tây Ban Nha, nhà sản xuất dầu ô liu lớn nhất thế giới, sản lượng dầu ô liu trong niên vụ 2022-2023 giảm xuống còn khoảng 620.000 tấn, so với mức trung bình 5 năm là khoảng 1,3 triệu tấn.

Walter Zanre, Giám đốc điều hành Filippo Berio UK, công ty con của một trong những thương hiệu dầu ô liu lớn nhất thế giới, cho biết sau ngành công nghiệp ô liu muốn tránh một vụ mùa tồi tệ sau khi ghi nhận tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ vụ thu hoạch trước.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu chỉ ra ngành này sẽ trải qua một vụ mùa thất bát nữa. Thời tiết ngày càng nắng nóng trong mùa Hè này đã tác động đến các khu vực trồng ô liu ở Địa Trung Hải, gây ra một “chảo lửa” mà các nhà khoa học cho rằng sẽ không xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu.

Nắng nóng đặc biệt nghiêm trọng ở Tây Ban Nha, nơi đã chứng kiến những sóng nhiệt kéo dài kể từ tháng 4/2023, với nhiệt độ lên tới 40 độ C, cũng như các nước sản xuất dầu ô liu khác như Italy (I-ta-li-a) và Hy Lạp.

Mức độ thiệt hại sẽ được chưa thống kê cho đến sau thời điểm thu hoạch quả ô liu vào tháng 10 và tháng 11/2023. Nhưng bà Holland dự báo sản lượng dầu ô liu của châu Âu có thể giảm khoảng 700.000 tấn, giảm hơn 30% so với mức trung bình 5 năm.

Trong khi đó, ông Zanre cho biết giá bán buôn dầu ô liu đã tăng gấp hai lần so với cùng thời điểm năm ngoái và toàn bộ các chỉ dấu chỉ ra vụ thu hoạch tiếp theo sẽ sụt giảm.

Hồi đầu tháng 8/2023, giá bán buôn tiêu chuẩn của dầu ô liu nguyên chất đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử 8.500 USD/tấn, cao hơn khoảng 125% so với mức trung bình giai đoạn 2000-2020. Kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 1996 với giá hơn 6.200 USD/tấn. Một tấn dầu ô liu hiện nay có giá bán cao hơn gấp 10 lần giá của một tấn dầu thô. Năm 2019, mức chênh lệch giữa hai mặt hàng này chưa đến 5 lần.

Ông Zanre nói rằng ngành công nghiệp dầu ô liu đang gặp khủng hoảng.

Người phát ngôn của Hội đồng Ô liu quốc tế (IOC) nói: “Chúng ta đang đối mặt với một tình huống phức tạp do hậu quả của biến đổi khí hậu”. Người phát ngôn này dự báo sản lượng dầu ô liu toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023 giảm 20%. Nhu cầu vẫn đang tăng lên khiến lượng tồn kho dầu ô liu trên toàn cầu giảm sâu, với tỷ lệ tồn kho so với sử dụng giảm xuống còn 12,1%, mức thấp thứ hai trong hơn 50 năm.

Bà Holland cho hay vẫn chưa rõ giá dầu ô liu đắt đỏ sẽ ảnh hưởng ra sao đến người tiêu dùng. Khi giá tăng lên, câu hỏi lớn sẽ là “liệu người tiêu dùng có tiếp tục mua dầu ô liu với giá này hay họ sẽ chuyển sang các loại dầu khác”.

Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến dầu ô liu mà toàn bộ ngành thực phẩm rộng lớn hơn. Bà Holland nói: “Đã đến giai đoạn mà các mối lo ngại trở nên nghiêm trọng không chỉ đối với dầu ô liu mà còn đối với rất nhiều loại cây trồng. Các loại cây trồng bị mắc kẹt giữa bầu không khí nóng rát và đất khô. Điều này có thể dẫn đến những thiệt hại lâu dài”.

Ông Lorenzo Bazzana, Giám đốc kinh tế của Hiệp hội nông dân Italy, Coldiretti, cho biết ở Italy, nơi trải qua các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt vào mùa Hè này, các loại cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ông Bazzana, vụ thu hoạch cherry, mơ ở Italy đã sụt giảm sản lượng lần lượt khoảng 60% và 20%.

Tại Ấn Độ, giá cà chua đã tăng hơn 400% trong tháng trước sau đợt nắng nóng gay gắt và mưa lớn. Một số nhà hàng McDonald’s trên toàn quốc đã tạm thời loại cà chua khỏi thực đơn vào tháng 7/2023 và Burger King cũng hành động tương tự trong tháng 8/2023, với lý do liên quan đến các vấn đề về chất lượng và nguồn cung.

Nicholas Paulson, Giáo sư tại trường nông nghiệp thuộc Đại học Illinois Urbana-Champaign, cho biết tại Mỹ, mùa màng ở miền Nam và miền Tây dường như đặc biệt bị ảnh hưởng. Nắng nóng kết hợp với điều kiện rất khô hạn sẽ ảnh hưởng đến các loại cây trồng chính ở những khu vực đó, bao gồm lúa mỳ, bông, ngô và đậu tương.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng tồi tệ hơn sẽ xảy ra đối với sản xuất lương thực, vì cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của thời tiết khắc nghiệt.

Theo Corey Lesk, nhà nghiên cứu khí hậu tại Đại học Dartmouth (Mỹ), cho đến nay hệ thống lương thực toàn cầu đã tỏ ra tương đối ổn định, bất chấp mùa Hè ngày càng nóng. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt đang tăng nhanh hơn so với các mô hình khí hậu được đưa ra, nghĩa là rủi ro khí hậu có thể lớn hơn và xảy ra nhanh hơn dự đoán của hầu hết mọi người. Nhà nghiên cứu Lesk nói rằng chúng ta đang đứng trước những rủi ro làm thay đổi cuộc chơi./.

Minh Hằng (Theo CNN)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-san-xuat-dau-o-liu-tai-nam-au-lao-dao/303735.html