Ngành Ngân hàng Quảng Trị góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh

Đồng chí NGUYỄN ĐỨC ĐỒNG, TUV, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn

- Thưa đồng chí! Sau 38 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước và 35 năm kể từ khi lập lại tỉnh Quảng Trị, hoạt động ngành Ngân hàng Quảng Trị đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh và đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đề nghị đồng chí cho biết rõ hơn về những thành tựu rất có ý nghĩa này?

- Có thể thấy, tổng nguồn vốn huy động đến cuối năm 1999 (10 năm sau ngày lập lại tỉnh) là 300 tỉ đồng, tăng 25,3 lần so với năm 1989 (11,86 tỉ đồng). Đến năm 2019, tổng nguồn vốn huy động là 23,14 ngàn tỉ đồng, gấp 77 lần so với năm 1999, 1.052 lần so với năm 1989. Năm 2023, nguồn vốn huy động đạt 36,43 ngàn tỉ đồng, tăng 3.071 lần so với năm 1989, tốc độ tăng trưởng bình quân năm trên 20% cho thấy nguồn vốn huy động ngày càng được tăng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng vốn của toàn xã hội.

Hội nghị kết nối ngành Ngân hàng Quảng Trị với doanh nghiệp tỉnh năm 2023 -Ảnh: Đ.T

Năm 1989, dư nợ tín dụng chỉ có 22 tỉ đồng, đến cuối năm 2019 đạt 35,9 ngàn tỉ đồng, tăng 1.631 lần so với năm 1989. Tín dụng được mở rộng đi liền với chất lượng tín dụng được đảm bảo; năm 1989, tỉ lệ nợ quá hạn là 6,8% thì đến năm 2019, tỉ lệ nợ quá hạn là 2,89%. Dư nợ hằng năm tăng trưởng bình quân trên 10%, đặc biệt, năm 2003, tốc độ tăng trưởng dư nợ trên 57%. Dư nợ năm 2023 đạt 51.608 tỉ đồng, tăng 144% so với năm 2019, tăng 2.346 lần so với năm 1989, nợ xấu chỉ chiếm 0,83%, khẳng định tốc độ tăng trưởng rất lớn và an toàn của quy mô tín dụng toàn ngành ngân hàng sau những năm đổi mới, phát triển.

Sau 35 năm lập lại tỉnh, ngành Ngân hàng Quảng Trị đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Nguồn vốn ngân hàng đã góp phần hình thành và đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, 7.770 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nhiều cơ sở quy mô lớn, giải quyết nhiều việc làm cho hàng ngàn lao động.

Trong đó có nhiều công trình, dự án lớn như: Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1; Nhà máy thủy điện Quảng Trị; các nhà máy thủy điện Khe Nghi, Khe Giông, Mai Linh,...; Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 1, 2; Dự án đầu tư Trung tâm dịch vụ du lịch Cửa Việt; Dự án Nhà máy gỗ ván MDFVRG Quảng Trị 1, 2; các dự án dệt may, đánh bắt hải sản, trồng tiêu, cao su, cà phê và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác; công trình đường tránh lũ Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh...

Những năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã huy động và cho vay một khối lượng vốn lớn cho nền kinh tế. Ngoài lĩnh vực kinh tế nhà nước, đã cho vay hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Đến ngày 25/2/2024, nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt hơn 36,5 ngàn tỉ đồng; tổng dư nợ cho vay hơn 51 ngàn tỉ đồng hỗ trợ cho hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.

Hiện tại ngành Ngân hàng Quảng Trị tiếp tục đồng hành sát sao với các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, thể hiện qua việc SHB cam kết cung cấp tài chính hơn 4.700 tỉ đồng cho dự án Cảng hàng không Quảng Trị, Vietcombank Quảng Trị ký hợp đồng tín dụng tài trợ 450 tỉ đồng để đầu tư dự án Khu công nghiệp Quảng Trị; công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển mạnh; đẩy mạnh việc thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, hiệu quả, hỗ trợ nền kinh tế phát triển, góp phần kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường.

Nhờ vậy, chất lượng các mặt hoạt động tương đối tốt. Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn an toàn, hiệu quả. Hiện nay, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã trang bị tổng số 115 máy ATM (trong đó có 11 máy CDM), 782 máy POS, có hơn 23.000 QRCode được đặt tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện thanh toán và sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Việc hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực sự đi vào cuộc sống từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 78/2002/NĐ-CP, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn tỉnh, với 125 điểm giao dịch xã đặt tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; đang triển khai 18 chương trình tín dụng, là cầu nối đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thuận lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, huy động được các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách; thu hút tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; một số lượng lớn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập, mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; hỗ trợ xây mới và cải tạo công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, nhà ở xã hội, hàng trăm lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn để trả lương do ảnh hưởng của COVID-19...

Một trong những điểm nổi bật của ngành Ngân hàng Quảng Trị đó là công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng không ngừng được hoàn thiện.Việc điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước ngày càng có hiệu quả. Hệ thống các dịch vụ ngân hàng đa dạng và có chất lượng hơn. Số lượng tổ chức tín dụng trên địa bàn ngày càng tăng, các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng và hiện đại.

Đến nay, hệ thống Ngân hàng Quảng Trị đã có cơ cấu tổ chức chặt chẽ gồm: Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; hệ thống các ngân hàng gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội; 4 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước và 7 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần; 10 chi nhánh cấp 2 Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT; 1 phòng giao dịch Ngân hàng hợp tác xã và 11 Quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn có 51 phòng giao dịch.

Trong những năm qua, chính sách tiền tệ đã được điều hành linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; ngành Ngân hàng Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để chung tay, góp sức, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

- Từ nay đến năm 2025, cùng với toàn ngành, ngành Ngân hàng Quảng Trị thực hiện đề án phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và có tính toàn diện sâu sắc. Ngành Ngân hàng Quảng Trị cần phải triển khai những giải pháp gì để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành, thưa đồng chí?

- Phát huy những kết quả đạt được, ngành Ngân hàng Quảng Trị chú trọng cụ thể hóa các nội dung Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tạo sự thống nhất trong lãnh đạo điều hành các nhiệm vụ chính trị của ngành trên địa bàn, góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra; thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo đúng định hướng của Ngân hàng Trung ương và của cấp ủy, chính quyền địa phương; đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả, đúng định hướng.

Ngành Ngân hàng Quảng Trị đã đặt ra một số chỉ tiêu chính như: các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng huy động vốn bình quân hằng năm khoảng 12%, đạt số tuyệt đối vào cuối năm 2025: 44.060 tỉ đồng. Tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, đạt số tuyệt đối vào cuối năm 2025: 72.500 tỉ đồng. Nợ xấu: dưới 2%. Hoạt động các tổ chức tín dụng trên địa bàn an toàn, ổn định.

Để đạt được điều đó, ngành Ngân hàng Quảng Trị đã triển khai các giải pháp, cụ thể như sau: Về điều hành chính sách tiền tệ, hằng năm, căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương để thực hiện chính sách tiền tệ trên địa bàn.

Việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương. Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của ngành Ngân hàng.

Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, bám sát các định hướng, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương và của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho vay doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người lao động.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục làm tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; ổn định lãi suất cho vay; thực hiện ưu tiên nguồn vốn để cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi cho các khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, rủi ro khách quan gây ra.

Tập trung công tác huy động vốn nhằm đảm bảo đáp ứng nguồn vốn cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng theo kế hoạch thanh tra đã được Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh phê duyệt; thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp công dân, phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm trong ngành Ngân hàng; chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống cháy nổ và cứu hộ cứu nạn, phòng chống lụt bão...

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về ngoại hối, vàng theo đúng quy định của pháp luật. Đảm bảo cung ứng tiền mặt đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của nền kinh tế, hoạt động kho quỹ an toàn tuyệt đối. Làm tốt công tác thanh toán không dùng tiền mặt, chú trọng an toàn hệ thống máy ATM, máy POS.

Trong đó, trọng tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 5972/KHUBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh, Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thực hiện rà soát các thủ tục hành chính, trên cơ sở đó đề nghị Ngân hàng Trung ương sửa đổi, bổ sung đảm bảo tinh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng; triển khai cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Các tổ chức tín dụng thực hiện hướng dẫn về quy trình và thủ tục cho vay, tiếp cận các dịch vụ ngân hàng theo hướng minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong hoạt động, kịp thời nắm bắt ý kiến, kiến nghị của người dân liên quan đến hoạt động ngân hàng để giải đáp, trả lời một cách kịp thời.

Cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành phát huy tính chủ động, sáng tạo; đổi mới phong cách làm việc, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu; đề cao tinh thần thái độ phục vụ. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức về kinh tế thị trường. Gắn công tác đào tạo với việc sắp xếp quy hoạch đội ngũ cán bộ, đảm bảo nguồn lực đủ sức đảm đương nhiệm vụ theo yêu cầu trong tình hình mới.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Đào Tâm Thanh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/nganh-ngan-hang-quang-tri-gop-phan-thuc-day-tang-truong-kinh-te-va-day-nhanh-cong-cuoc-xoa-doi-giam-ngheo-cua-tinh/184209.htm