Ngành Hải quan lan tỏa tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn

Trong bối cảnh xuất nhập khẩu khó khăn, những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu, tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa cũng liên tục được triển khai, lan tỏa tới từng cục, chi cục tại các địa phương.

Cán bộ Hải quan Ninh Bình trực tiếp xuống doanh nghiệp nắm bắt tình hình hoạt động và xử lý các vướng mắc phát sinh. Ảnh: Bùi Hồng

Xuất nhập khẩu vẫn còn thách thức

Tính đến nửa đầu tháng 7/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 343,65 tỷ USD, giảm 14,9%, tương ứng giảm 60,15 tỷ USD về số tuyệt đối (so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 178,45 tỷ USD, giảm 11,4% tương ứng giảm 22,94 tỷ USD. Một số nhóm hàng giảm như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,62 tỷ USD, tương ứng giảm 17,9%; hàng dệt may giảm 3,12 tỷ USD, tương ứng giảm 15,3%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2,54 tỷ USD, tương ứng giảm 27,9%; giày dép các loại giảm 2,19 tỷ USD, tương ứng giảm 17%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 2,05 tỷ USD, tương ứng giảm 8,8%...

Tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 165,2 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 37,21 tỷ USD). Trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 7,3 tỷ USD, tương ứng giảm 65,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 4,98 tỷ USD, tương ứng giảm 10,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 3,45 tỷ USD, tương ứng giảm 14%.

Tuy nhiên, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại.

Đa dạng nhiều giải pháp hỗ trợ

Với vai trò “gác cửa” nền kinh tế, những hoạt động hỗ trợ của ngành Hải quan giúp doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu, tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa cũng liên tục được triển khai, lan tỏa tới từng cục, chi cục tại các địa phương. Theo đó, các cục, chi cục cùng các đơn vị trong Tổng cục Hải quan luôn nêu cao tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp với các hoạt động tư vấn, tham vấn để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp; tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm nhằm tháo gỡ khó khăn, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu...

Ngành Hải quan tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2023. Trong đó, tăng cường hội nghị đối thoại để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Tại Đồng Nai, các quy trình thủ tục về hải quan được tối ưu hóa để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, đồng thời phối hợp, đôn đốc cơ quan giám định nhằm giải phóng hàng nhanh. Cùng với đó, các đơn vị tại Cục Hải quan Đồng Nai cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp quay vòng vốn hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Thu Nhiễu - Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh cho biết, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các quy định, chế độ, chính sách của Nhà nước và các quy định của ngành Hải quan; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động rà soát, kiểm tra nội bộ, kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện các thiếu sót, sơ hở trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ.

Ông Lê Xuân Cương - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thanh Hóa chia sẻ, với tinh thần đồng hành, hợp tác cùng các doanh nghiệp, cục đã chỉ đạo các chi cục chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thủ tục hải quan; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn; giúp các doanh nghiệp nắm bắt, hiểu và thực hiện đúng các quy định mới về pháp luật hải quan, hạn chế các lỗi sai làm ảnh hưởng tới quá trình thông quan, sản xuất của doanh nghiệp.

Trên các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong cao điểm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Tổng cục Hải quan thường xuyên chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương nơi có hàng nông sản xuất khẩu phải tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan ngay trong ngày, đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch.

Thực hiện những chỉ đạo này, các đơn vị hải quan cũng đã thường xuyên cập nhật tình hình, cung cấp thông tin, khuyến cáo kịp thời tới các doanh nghiệp xuất khẩu; cùng với đó, phối với các hiệp hội doanh nghiệp, sở công thương địa phương để thúc đẩy xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu…

Nhiều lãnh đạo cục, chi cục tại các địa phương cũng khẳng định luôn cam kết tạo điều kiện hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục hải quan, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, giải đáp vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp; thường xuyên kết nối chặt chẽ, liên tục, đa phương tiện với các doanh nghiệp; góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2023, trong đó, việc Việt Nam có hiệp định thương mại tự do với trên 60 thị trường là điểm cộng quan trọng để doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-lan-toa-tinh-than-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-kho-khan-133313.html