Ngành Hải quan đa dạng sáng kiến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN), ngành Hải quan liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan là ngành có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động thông quan thuận lợi và nhanh chóng.

Tổng cục Hải quan là đơn vị đứng đầu trong số các đơn vị khối tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về chỉ số cách hành chính. Ảnh: TL

Cắt giảm 10,2 tỷ đồng chi phí tuân thủ mỗi năm

Thời gian qua, một loạt chính sách đột phá, đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại đã được ngành Hải quan triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả tích cực.

Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai công tác cải cách hành chính thông qua nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính phương án cắt giảm 2 chế độ báo cáo; đơn giản hóa 2 chế độ báo cáo và 1 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan, nâng tổng số đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan giai đoạn 2020 - 2025 đạt 8%, chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cắt giảm đạt 10,2 tỷ đồng/năm.

Thường xuyên đối thoại cùng doanh nghiệp

Năm 2023, cơ quan hải quan các cấp cũng đã thực hiện hơn 200 cuộc đối thoại, trả lời hơn 900 vướng mắc với sự tham gia của hàng nghìn DN có hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực thi phương án phân cấp đối với 5 thủ tục hành chính lĩnh vực Hải quan; trình Bộ Tài chính ban hành 3 quyết định công bố thủ tục hành chính, phối hợp với Tổng cục Thuế trình Bộ ban hành 1 Quyết định công bố thủ tục hành chính.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc công bố, công khai đầy đủ, kịp thời 13 thủ tục hành chính ban hành theo 4 Quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ Tài chính nêu trên, đồng thời đăng tải, cập nhật dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định.

Những kết quả đạt được đã giúp đơn vị giữ xếp hạng đứng đầu trong số các đơn vị khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ về Chỉ số cách hành chính, đồng thời góp phần tăng điểm số Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Tài chính 7 năm liên tiếp.

Đáng lưu ý, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị chưa thực hiện kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch đối với các trường hợp chưa cần thiết; chỉ thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; các đơn vị hải quan cửa khẩu rà soát, đánh giá rủi ro và tăng cường kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế đối với các DN chế xuất, gia công, sản xuất XK...

Không chỉ vậy, tại hầu hết các cục hải quan tỉnh, thành phố đã và đang triển khai nhiều sáng kiến đồng hành cùng DN. Trong đó, tổ chức các đoàn làm việc trực tiếp tại trụ sở các DN có đóng góp số thu lớn để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh cũng như lắng nghe đề xuất, giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ phía DN…

Ông Trần Đức Hùng - Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã thành lập tổ nghiệp vụ gồm những công chức giỏi nghiệp vụ chuyên môn nhằm mục đích khi có vướng mắc phát sinh, DN sẽ kịp thời được hướng dẫn... Cách làm này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng DN; góp phần giải quyết nhanh thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho DN.

“Lượng hóa” việc đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp

Những năm qua, cải cách hành chính đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan hải quan. Trong đó, việc nỗ lực đơn giản, tự động hóa quy trình nghiệp vụ hải quan đã và đang thu được những thành tựu đáng chú ý, khi số lượng tờ khai xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm tăng 22% nhưng nguồn nhân lực của cơ quan hải quan mỗi năm lại giảm từ 1,5-1,7%. Mặc dù vậy, các thủ tục hải quan của DN vẫn được tiến hành thuận lợi, liên tục và nhanh chóng nhờ ứng dụng các công nghệ số.

Theo ông Kim Long Biên - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan), với mục tiêu tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan luôn chủ động triển khai áp dụng đầy đủ các biện pháp hỗ trợ DN, hướng đến môi trường tự nguyện tuân thủ pháp luật trong cộng đồng DN xuất nhập khẩu. Từ đó, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Phương Anh

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan luôn yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nâng cao chất lượng đối thoại, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN. Thậm chí, “lượng hóa” luôn nhiệm vụ hỗ trợ.

Cụ thể, yêu cầu giải đáp vướng mắc thuộc thẩm quyền trong quá trình làm thủ tục hải quan trong vòng 2 giờ làm việc; tăng cường đối thoại với DN theo hình thức trực tuyến tối thiểu 1 lần/quý tại cấp chi cục hải quan và 2 lần/năm tại cấp cục hải quan tỉnh, thành phố... Ở cấp tổng cục, hội nghị đối thoại sẽ được tổ chức chung 6 tháng đến 1 năm/lần, song song với các cuộc đối thoại riêng với các đối tượng DN khác nhau.

Ông Kim Long Biên cũng cho hay, ngành Hải quan đặt ưu tiên công tác đối thoại với DN lên hàng đầu để giúp DN có điều kiện phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, tinh thần thái độ phục vụ của CBCC Hải quan khi thi hành công vụ.

Thực tế cho thấy, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan tỉnh, thành phố đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc của các DN, nắm bắt nhanh và tiếp cận thêm được những thông tin bổ ích phục vụ công tác cải cách hành chính về hải quan, đồng thời kịp thời chấn chỉnh, xử lý những biểu hiện tiêu cực của CBCC các cấp.

Cũng từ các cuộc đối thoại, cơ quan hải quan mong muốn DN chủ động phản hồi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật, đặc biệt là các chính sách, pháp luật liên ngành. Đồng thời, tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu của các văn bản pháp luật.

ÔNG HOÀNG VIỆT CƯỜNG - PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN:

Tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động lớn

Ông Hoàng Việt Cường

Công tác tạo thuận lợi tối đa cho DN đã và đang được ngành Hải quan đẩy mạnh triển khai đồng bộ, quyết liệt trong năm nay, nhất là trong những tháng cuối năm, khi hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp hơn. Theo đó, những nỗ lực của ngành Hải quan đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động lớn mang yếu tố bền vững.

Để sự đồng hành Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Hải quan, không thể thiếu sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, ngành Hải quan mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, hưởng ứng cùng cơ quan Hải quan phát triển phong phú hơn các hoạt động đối tác Hải quan - Doanh nghiệp. Sự đồng hành, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công, phát triển.

ÔNG PHẠM TẤN CÔNG - CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (VCCI):

Ân tượng về những cải cách của cơ quan hải quan

Ông Phạm Tấn Công

Điểm đổi mới của cơ quan hải quan là luôn chủ động đề xuất các giải pháp chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi, phát triển của cộng đồng DN. Không chỉ dừng lại bằng việc cải cách các thủ tục hành chính, cơ quan hải quan còn chủ động trao đổi, nắm bắt tâm tư của DN, từ đó báo cáo Bộ Tài chính và trao đổi với các cơ quan liên quan nhằm giải quyết, tháo gỡ nhanh vướng mắc cho DN.

Tôi cho rằng, với những giải pháp, hành động thiết thực, cụ thể mà cơ quan hải quan đã và đang triển khai thực hiện để lại ấn tượng tốt đẹp và được cộng đồng DN, nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá cao.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-da-dang-sang-kien-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-phat-trien-143496-143496.html