Ngành gỗ tái cấu trúc để vượt qua khó khăn

Trong quý I-2023, sản xuất, xuất khẩu gỗ trên cả nước và Đồng Nai tiếp tục đối mặt với những khó khăn. Giá trị xuất khẩu sụt giảm khiến cho mục tiêu đặt ra năm nay khó thực hiện được, các doanh nghiệp (DN) đang phải tái cấu trúc lại sản xuất để có thể duy trì sản xuất.

Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở Biên Hòa. Ảnh: V.GIA

Để tháo gỡ khó khăn, ngày 13-1, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức cuộc họp với hiệp hội, các DN ngành gỗ, qua đó đề xuất các giải pháp cấp bách.

* Tái cấu trúc lại sản xuất

Quý I-2023, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam chỉ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt tương đương năm 2022. Số đơn hàng giảm mạnh, DN phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của gần chục triệu người lao động trong ngành.

Hiện tại, những DN có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ tới tháng 6-2023. Thông thường, thời điểm này các DN đã có đơn hàng gỗ ngoài trời và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay DN vẫn chưa có đơn hàng. Hàng tồn kho còn nhiều nên cũng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.

Bộ Công thương sẽ tổ chức đoàn DN Việt Nam tham gia hội chợ đồ gỗ nội - ngoại thất High Point Market, bang Bắc Carolina từ ngày 14 đến 18-4-2023. Hội chợ có quy mô lớn và uy tín nhất trong ngành công nghiệp đồ gỗ và trang trí nội - ngoại thất quốc tế, được tổ chức 2 lần/năm. Việt Nam sẽ có từ 12-15 DN trưng bày tại khu gian hàng chung rộng 300-400m2.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) Đỗ Xuân Lập, trước những khó khăn, DN trong ngành cũng đã chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, tập trung vào tiêu chí là sản phẩm chất lượng nhưng giá tốt, phù hợp với thị hiếu và chú trọng chính sách hậu mãi. Bên cạnh đó, các DN tiếp tục tái cấu trúc sản xuất, chuyển đổi công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, tăng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh...

Đồng Nai có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 cả nước, các DN ngành gỗ trong tỉnh cũng đang buộc phải xoay sở để trụ vững. Trong bối cảnh khó khăn, vào tháng 3-2023, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) cũng đã tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2026.

Phó chủ tịch thường trực Dowa Võ Quang Hà chia sẻ, đây là động lực trong giai đoạn cần đến sự đoàn kết của các DN thành viên, cùng hỗ trợ nhau tái cấu trúc sản xuất, hỗ trợ đơn hàng cũng như nguồn nguyên liệu hợp pháp.

* Kiến nghị Chính phủ gỡ khó

Ngày 13-4, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Viforest, Viforest đã kiến nghị những chính sách cần kíp để gỡ khó trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế. Ngoài TP.HCM có trung tâm triển lãm quy mô tương đối nhỏ thì ở Hà Nội, Đà Nẵng cũng như các địa phương trọng điểm khác vẫn chưa có. Đây là một hạn chế trong việc thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm hiện nay.

Đồng thời, các bộ, ngành hỗ trợ ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức các hội chợ quốc tế trong nước để thu hút, quảng bá sản phẩm; tăng mức hỗ trợ xúc tiến thương mại cho DN Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế, vì chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp, trong khi chi phí để tham gia khá cao. Các tham tán thương mại cũng cần thường xuyên phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, DN để cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng. Các DN cũng mong muốn được giãn nợ đến hạn từ 6-12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ ngân hàng chính sách xã hội để DN vay trả lương cho công nhân trong năm 2023... Các kiến nghị này của ngành gỗ đã được Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các DN.

Với Đồng Nai, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, ngoài giải quyết khó khăn về vấn đề thị trường, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững. Theo đó, nghiên cứu giải pháp phù hợp để thay đổi cách tiếp cận theo chuỗi sản phẩm, từ khâu tạo vùng nguyên liệu cho tới khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202304/nganh-go-tai-cau-truc-de-vuot-qua-kho-khan-3163674/