Ngành du lịch Sóc Trăng tiếp nối chặng đường phát triển chuyển đổi số

Trong bối cảnh phát triển chuyển đổi số như hiện nay, ngành du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã và đang có nhiều giải pháp nắm bắt cơ hội, xác định mục tiêu, lộ trình thực hiện. Để đạt hiệu quả cao thì công tác xúc tiến quảng bá du lịch phát huy ứng dụng công nghệ số là một trong những yếu tố then chốt, từng bước thực hiện mục tiêu đến năm 2030 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

ĐẦU TƯ NÂNG CẤP HẠ TẦNG DU LỊCH

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn”, ngành công nghiệp không khói của tỉnh Sóc Trăng như được “chắp thêm đôi cánh” để hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh nhà trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch, lãnh đạo tỉnh xác định nhiệm vụ: đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch và khai thác, nâng tầm các sự kiện, lễ hội đặc trưng của 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án du lịch tại huyện Cù Lao Dung, huyện Châu Thành, huyện Trần Đề, huyện Mỹ Tú, huyện Kế Sách, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng.

Lãnh đạo tỉnh tham quan các sản phẩm du lịch tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: “Công tác đầu tư hạ tầng du lịch đã tập trung vào những hạng mục trọng yếu, có tính chất động lực, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển và tạo đà cho ngành du lịch tăng trưởng trong thời gian tới. Công tác xã hội hóa trong phát triển du lịch ngày càng được chú trọng, nhiều dự án về du lịch đã và đang triển khai mang lại hiệu quả tích cực, tiêu biểu là dự án tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, điểm du lịch Tân Huê Viên, chùa Som Rong, chùa Sro Lôn (Chén Kiểu) được bình chọn vào “Top 7 công trình ấn tượng kiến trúc độc đáo” do độc giả báo Sài Gòn Tiếp thị bình chọn, đang hoạt động hiệu quả, tạo động lực cho phát triển du lịch; phát triển nhiều loại hình du lịch, sản phẩm du lịch mới”.

Hiện nay, tỉnh cũng đã xây dựng các dịch vụ du lịch đi kèm như: dịch vụ xe điện phục vụ đưa khách tham quan tại khu vực chùa Mahatup (chùa Dơi) và một số tuyến đường trong nội ô thành phố Sóc Trăng; dịch vụ cho khách chèo xuồng tại chợ nổi Ngã Năm; bơi xuồng tham quan trong Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng; dịch vụ đưa phà cho khách tham quan và vui chơi quanh cồn Mỹ Phước và rừng bần ngập mặn Cù Lao Dung. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 1 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao, 30 khách sạn 1 sao và 65 nhà nghỉ, 2 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Có 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, gồm: nhà hàng Khu du lịch chùa Dơi, Vincom Sóc Trăng, nhà hàng Gạo Tẻ…

Bên cạnh đó, về sản phẩm lưu niệm văn hóa du lịch, tỉnh đã xây dựng các mẫu quà lưu niệm, như: mô hình ghe ngo thu nhỏ, tranh phù điêu, tranh gạo, hình lưu niệm để bàn, móc khóa hình các ngôi chùa, hình các món đặc sản tỉnh Sóc Trăng... Về đặc sản, hiện nay Sóc Trăng có 217 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao, là các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH VÀ DU LỊCH SỐ

Tại hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án số 03/ĐA-UBND về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong đó, có xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số ngành du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí Lê Hoàng Yến - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh bày tỏ: “Thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tham mưu triển khai từng bước thực hiện ứng dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đồng thời, phối hợp cùng Viễn thông Sóc Trăng xây dựng và vận hành hệ thống du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng nhằm từng bước số hóa cơ sở dữ liệu chung cho ngành du lịch của tỉnh Sóc Trăng, xây dựng phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo tăng cường (AR), xây dựng các tour ảo, ảnh và video 360, ảnh 3D, hướng dẫn viên ảo để phát triển, mở rộng và hỗ trợ cho công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ thông tin hiện nay”.

Đoàn khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THẠCH PÍCH

Ngày 29/12/2022, hệ thống du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng chính thức khánh thành với tên miền https://soctrangtourism.vn, sử dụng thông tin, dữ liệu mới đã được chuẩn hóa, cập nhật thường xuyên qua các cuộc khảo sát thu thập thông tin, hướng tới việc tối ưu hóa công tác cung cấp thông tin cho người dùng. Việc tích hợp bản đồ số du lịch vào hệ thống giúp người dùng được hướng dẫn đường đi đến các điểm một cách dễ dàng, nhanh chóng; giao diện hệ thống thân thiện, dễ dàng truy cập cho người mới sử dụng lần đầu. Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng (https://soctrangtourism.vn) và ứng dụng trên di động (Soc Trang Tourism) được xây dựng đảm bảo về tính thẩm mỹ, thân thiện với người dùng, dễ sử dụng, tốc độ truy cập nhanh, kho lưu trữ đủ lớn, có đầy đủ các tính năng, chuyên mục cần thiết phục vụ cung cấp các thông tin cho du khách, doanh nghiệp.

“Tỉnh Sóc Trăng tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa Khmer, bằng giải pháp xây dựng hoàn chỉnh không gian văn hóa - du lịch Khmer tỉnh Sóc Trăng gắn liền với các khu di tích, đền chùa. Bên cạnh đó phát triển các sản phẩm nghệ thuật dân tộc đặc sắc phục vụ khách du lịch thường xuyên tại các điểm đến du lịch trên địa bàn, nhất là các loại hình nghệ thuật được Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghệ thuật sân khấu dù kê, nghệ thuật rô băm, múa rom vong và nhạc ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer... Qua đó, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương góp phần xây dựng Sóc Trăng là vùng đất của những di sản và những lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng; đồng thời, khai thác những giá trị của di sản nêu trên để phục vụ cho phát triển du lịch tỉnh nhà” - đồng chí Trần Minh Lý cho biết thêm.

Để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đề án tổng thể và phát triển du lịch..., tỉnh Sóc Trăng cần quyết tâm hơn nữa. Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhất là phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái; nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch gắn với kêu gọi đầu tư về du lịch để phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch…”.

Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng cùng với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng hơn, việc ứng dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch đã và đang có nhiều tác động tích cực với du lịch Sóc Trăng. Đây chính là động lực để du lịch Sóc Trăng tiếp tục chuyển mình và bứt phá mạnh mẽ, tạo dựng điểm đến du lịch văn minh, chuyên nghiệp và hiện đại, từng bước vươn tầm khu vực và quốc tế.

Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2.794.740 lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.484 tỷ đồng. Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2.900.810 lượt, đạt 127% kế hoạch năm, tăng 3,8% so năm 2022 (2.794.740 lượt); tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.550 tỷ đồng, đạt 154% kế hoạch năm, tăng 4,4% so năm 2022 (1.484 tỷ đồng).

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/nganh-du-lich-soc-trang-tiep-noi-chang-duong-phat-trien-chuyen-doi-so-69223.html