Ngành công thương với mục tiêu kép: Đẩy lùi dịch bệnh và giữ vững các chỉ tiêu kinh tế

Từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) xâm nhập vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh liên tục triệu tập các cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị để lên phương án vừa phòng ngừa dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh. Cuộc họp chiều 7-2, do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì, với sự tham dự đầy đủ của 5 thứ trưởng và thủ trưởng các tổng cục, cục, vụ, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng không nằm ngoài mục tiêu trên.

Triển khai tinh thần “chống dịch như chống giặc”

Tại cuộc họp, triển khai đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Không chủ quan, lơ là, cũng không được hoang mang, dao động, chống dịch đồng bộ, quyết liệt, đồng thời giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. “Đây là quyết tâm kép của Chính phủ, Thủ tướng, đòi hỏi Bộ Công Thương cần nỗ lực hơn nữa trong việc đối phó với dịch bệnh, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân cũng như duy trì các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp để lên phương án ứng phó với dịch bệnh nCoV của ngành công thương.

Đặc biệt nhấn mạnh tới nhiệm vụ vừa cân đối phòng dịch và mục tiêu tăng trưởng vĩ mô, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục rà soát, đánh giá các tác động của dịch bệnh đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là đến các kịch bản tăng trưởng mà Bộ Công Thương đã xây dựng, từ đó đề xuất những giải pháp, chính sách cần thiết đối phó với những hệ lụy sẽ có, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dự báo cụ thể về thời gian và quy mô.

Với tư cách là đơn vị phụ trách đầu mối, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương Dương Duy Hưng nhấn mạnh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, toàn ngành công thương đã vào cuộc từ rất sớm, chủ động và trên tinh thần công khai, minh bạch, bám sát vào các chỉ đạo từ Chính phủ cũng như phối hợp chặt chẽ cùng các bộ ngành. Ngay từ Mùng 6 Tết (ngày 30-1)- ngày đầu đi làm, Thường trực Chính phủ về đã triển khai nhiệm vụ sau Tết và phòng chống dịch bệnh nCoV; ngay sáng hôm sau - mùng 7 Tết (ngày 31-1), Bộ trưởng họp triển khai công việc ứng phó với dịch nCoV của ngành công thương; tối cùng ngày (31-1), Bộ trưởng ra Chỉ thị 04 chỉ đạo công việc các đơn vị thuộc bộ. Tiếp đó, Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tổ chức hàng chục cuộc họp, ban hành hàng loạt chỉ thị, công văn ngày 2-2 ra văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh về rà soát, phối hợp xử lý lao động ở các cơ sở công nghiệp, năng lượng, thương mại… Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị toàn ngành công thương đã gấp rút triển khai một loạt công việc cụ thể và liên tục, có những hành động thiết thực nhằm ứng phó với dịch bệnh.

Tìm các giải pháp bình ổn thị trường, thúc đẩy xuất khẩu trong "tâm dịch" nCoV

Việc bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá bán các sản phẩm y tế, trong đó có mặt hàng khẩu trang là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, lực lượng QLTT đã tích cực kiểm tra, giám sát thị trường, đẩy lùi tình trạng loạn giá khẩu trang. Còn nhớ, giữa mùa dịch, khi tại chợ thuốc Hapulico (Hà Nội) đồng loạt treo tấm biển thông báo "Không bán khẩu trang, đừng hỏi”, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cùng với các đơn vị đã trực tiếp tới hiện trường kiểm tra, làm rõ. Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục cũng đã thành lập ngay Tổ thường trực phòng, chống dịch bệnh nCoV gây ra nhằm điều hành công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước của đơn vị. Hằng ngày, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát hàng trăm cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, các hiệu thuốc trên địa bàn cả nước. Tính từ ngày 31-1 tới ngày 7-2, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.206 vụ vi phạm đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát trùng, sát khuẩn trên địa bàn cả nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh thông tin về tình hình kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, các hiệu thuốc trên địa bàn cả nước.

Cũng liên quan tới khẩu trang, nhu cầu của người dân tăng đột biến, khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm. Nhạy bén thông tin thị trường, linh hoạt trong điều hành, đoàn công tác của Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường trong nước đã khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp dệt may và tích cực hỗ trợ tìm nguồn cung vải kháng khuẩn và các vật tư khác (màng than hoạt tính, dây thun, hóa chất kháng khuẩn… ) cho các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân; Công ty CP Dược phẩm Đại Uy, Công ty CP Tanaphar và nhiều doanh nghiệp khác nhanh chóng nâng quy mô sản xuất và cam kết cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi. Chia sẻ rõ về điều này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân Trần Việt cho biết, công ty không phải đơn vị chuyên về sản xuất khẩu trang, nhưng trong bối cảnh mặt hàng này khan hiếm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, công ty đã ứng dụng công nghệ để sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Việc bổ sung sản phẩm khẩu trang của đơn vị có thể sử dụng nhiều lần (sau 30 lần giặt) nên hiệu quả phòng, chống dịch và lợi ích kinh tế là khá lớn. Hiện, công ty có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc/ ngày.

Lực lượng QLTT kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, các hiệu thuốc trên địa bàn cả nước.

Hay khi biết thông tin, tại một số địa phương, lo ngại dịch bệnh nCoV sẽ kéo dài, người dân có tâm lý tích trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm, Vụ thị trường trong nước đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế thị trường, thông tin rộng rãi về kế hoạch chủ động bảo đảm hàng hóa phục vụ cho người dân trong mùa dịch bệnh. Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết, để ứng phó với dịch bệnh, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều kịch bản ứng phó với những cấp độ khác nhau của dịch bệnh và đã kịp thời làm việc với các hệ thống phân phối lớn, như: Hệ thống siêu thị Big C, Sai gon Co.op, MM Mega Market, VinMart, Aeon và các hệ thống lớn khác để bảo đảm cung ứng cho người dân những mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng cần cho chống dịch, như nước rửa tay, xà phòng rửa tay, các chất tẩy rửa và khẩu trang,… “Trong trường hợp xấu nhất khi dịch bệnh bùng phát ở cấp độ cao, Bộ Công Thương vẫn có thể chủ động ứng phó kịp thời, nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường”- bà Lê Việt Nga khẳng định.

Đối với hoạt động thương mại, theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, có thể từ 6 đến 8 tháng. Do vậy, một loạt các công việc đã được các đơn vị gấp rút triển khai nhằm khơi thông cho xuất khẩu nông sản, hàng hóa. Ngay từ mùng 5 Tết (tức ngày 28-1-2020) và những ngày tiếp theo đó, Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình và đưa ra cảnh báo gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản; yêu cầu toàn bộ hệ thống Thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu; các chi nhánh Thương vụ tích cực cùng các tỉnh biên giới trao đổi với phía Trung Quốc về thời gian mở lại các chợ biên giới. Bộ cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ…

Đoàn công tác của Vụ thị trường trong nước kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa tại Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG.

Tới nay, những biện pháp này đã bắt đầu phát huy tác dụng. Hiện các xe hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Hữu Nghị đã bắt đầu được xuất sang Trung Quốc; các siêu thị cũng đang làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng bán và mở các đợt bán hàng cao điểm cho các mặt hàng, như thanh long, dưa hấu trong hệ thống của mình. Ví dụ như hệ thống siêu thị Big C, dự kiến sẽ mở chiến dịch tiêu thụ 1.200 tấn thanh long; 2.000-3.000 tấn dưa hấu trên toàn hệ thống..., Bộ Y tế đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương về việc giải tỏa hàng hóa tại cửa khẩu. Bộ cũng đã có văn bản gửi Hiệp hội logistics đề nghị giảm giá dịch vụ logistics và được Hiệp hội đồng tình giảm từ 15-20% cho hệ thống các siêu thị.

Đến thời điểm hiện tại, nỗ lực phòng dịch nCoV của ngành công thương được đánh giá cao và đạt kết quả tốt. Song không dừng lại ở đó, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ sẽ thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với dịch corona, trong đó bộ trưởng trực tiếp là trưởng ban. Ban chỉ đạo sẽ xây dựng kế hoạch hành động của Bộ Công Thương trong phòng chống dịch nCoV một cách toàn diện, trọng điểm, hướng tới phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, người dân.

Hiện dịch bệnh nCoV vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới. Song có thể thấy, Bộ Công Thương vẫn đang thể hiện tâm thế chủ động, quyết liệt và tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng chống dịch. Điều này sẽ góp phần giúp Chính phủ hoàn thành mục tiêu kép: phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân nhưng vẫn giữ vững chỉ tiêu vĩ mô, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nganh-cong-thuong-voi-muc-tieu-kep-day-lui-dich-benh-va-giu-vung-cac-chi-tieu-kinh-te-609551