Ngân sách nhà nước thu về hàng nghìn tỷ đồng qua thanh tra tài chính

Luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao từ công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đến phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đặc biệt, qua thanh tra, kiểm tra, đơn vị đã thu về cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Nộp ngân sách nhà nước 1.840 tỷ đồng

Báo cáo từ Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, đơn vị đã thực hiện 30 cuộc thanh tra và 3 cuộc kiểm tra theo kế hoạch. Đồng thời thực hiện 1 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo.

Phối hợp tốt với các đơn vị liên quan

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Thanh tra Bộ Tài chính vừa được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã yêu cầu Thanh tra Bộ bám sát các văn bản hướng dẫn Luật Thanh tra năm 2022 để tham mưu, trình Bộ kịp thời triển khai trong toàn ngành.

Đồng thời, Thanh tra Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Bộ xây dựng, sửa đổi các quy định, hướng dẫn trong ngành về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nhằm góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuẩn hóa nghiệp vụ, tăng cường trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước.

Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các đơn vị thuộc hệ thống Thanh tra tài chính nhằm tránh sự chồng chéo trong triển khai tổ chức nhiệm vụ...

Cũng trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã lưu hành 33 kết luận thanh tra, 4 báo cáo kết quả kiểm tra (bao gồm cả các cuộc thanh tra, kiểm tra (TTKT) thực hiện cuối năm 2022 chuyển sang). Kết quả kiến nghị xử lý tài chính 22.081 tỷ đồng, gồm kiến nghị nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 21.459 tỷ đồng; nộp các quỹ 56,9 tỷ đồng; giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 96 tỷ đồng; giảm lỗ 23 tỷ đồng; kiến nghị khác 442 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3 tỷ đồng. Các đơn vị được TTKT đã thực hiện nộp vào NSNN 1.840 tỷ đồng.

Theo ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, kết quả này cho thấy, đơn vị đã luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong triển khai các cuộc TTKT. Đặc biệt, đơn vị đã phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch; chủ động, sáng tạo, khẩn trương trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, đơn vị đã thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động đoàn thanh tra; tổ giám sát đoàn thanh tra hoạt động đúng quy định, có hiệu quả giúp cho việc chấp hành các quy định, quy trình, quy chế đoàn thanh tra được nâng cao; kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ được tăng cường.

Các đoàn thanh tra chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; đảm bảo thời gian và kế hoạch được duyệt. Thành viên đoàn TTKT đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế. Nội dung TTKT có trọng tâm, trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ; hoàn thành đúng tiến độ.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Tài chính đã tăng cường việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra; quy trình, quy chế đoàn thanh tra cũng như kỷ cương, kỷ luật trong ngành. Cán bộ, công chức khi tiến hành thanh tra đều tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, bao che cho đối tượng thanh tra.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất

Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024, hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao của Thanh tra Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, đơn vị đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024.

Cụ thể, Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện phổ biến, quán triệt, tổ chức đào tạo, tập huấn các quy định về Luật Thanh tra số 14/2022/QH15 trong ngành Tài chính; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị được giao thực hiện thanh tra trong toàn ngành. Tăng cường phối hợp với các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của Bộ.

Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục bám sát chỉ đạo, kịp thời hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị từ công tác xây dựng kế hoạch đến công tác TTKT giữa các đơn vị thanh tra tài chính. Tăng cường thực hiện các cuộc TTKT tra đột xuất nhằm phát hiện, phòng ngừa và xử lý kịp thời các sai phạm. Tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo giữa Thanh tra Bộ Tài chính với thanh tra chuyên ngành các tổng cục đối với các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng để có được những đánh giá sâu, toàn diện về cơ chế chính sách được ban hành và hiệu quả phát huy trong thực tiễn.

Ngoài ra, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như: Cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Đơn vị cũng tham gia có hiệu quả trong việc xây dựng chính sách pháp luật với các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính; nghiên cứu, xây dựng định hướng thanh tra ngành Tài chính và kế hoạch thanh tra năm 2025 đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của Bộ Tài chính và định hướng do Thanh tra Chính phủ ban hành; tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp tổ chức hoạt động thanh tra; nêu cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong hoạt động thanh tra; đảm bảo thực hiện nghiêm túc Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

ÔNG VŨ CHÍ HÙNG - PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ:

Vai trò tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thanh tra

Trong năm 2023, Tổng cục Thuế thường xuyên phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Thanh tra Bộ Tài chính trong các mặt công tác như: Xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thanh tra của cơ quan Tổng cục Thuế; xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra năm 2022; thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra; tham mưu, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; quá trình tiếp công dân, giải quyết đơn thư tố cáo, kiến nghị phản ánh thuộc thẩm quyền…

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ bám sát nhiệm vụ của ngành Tài chính nói chung và chỉ đạo của Thanh tra Bộ Tài chính nói riêng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực có dư địa thu lớn, rủi ro cao theo đúng hướng dẫn của Thanh tra Bộ Tài chính.

ÔNG NGUYỄN VĂN THỌ - PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN:

Tổ chức tập huấn để làm tốt công tác thanh tra

Trong năm qua, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của Thanh tra Bộ Tài chính, công tác thanh, kiểm tra của ngành Hải quan đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng.

Đặc biệt, công tác phối hợp trong thanh, kiểm tra giữa Thanh tra Bộ Tài chính với Tổng cục Hải quan thời gian qua rất hiệu quả. Thanh tra Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan, hướng dẫn tổng cục nắm được các diễn biến vi phạm, trao đổi hướng xử lý nghiêm vi phạm, đảm bảo yêu cầu bảo vệ nội bộ.

Trong năm 2024, Tổng cục Hải quan mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của Thanh tra Bộ Tài chính trong công tác thanh, kiểm tra. Đồng thời, mong muốn Thanh tra Bộ tổ chức các cuộc tập huấn cho các đơn vị làm công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành để làm tốt công tác này.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-sach-nha-nuoc-thu-ve-hang-nghin-ty-dong-qua-thanh-tra-tai-chinh-142142-142142.html