Ngân mãi tiếng đàn bầu

Đàn bầu - một trong những nhạc cụ “độc nhất vô nhị” trên thế giới bắt nguồn từ Việt Nam, mang đặc trưng của âm nhạc đất nước nhưng đang dần ít được sử dụng. Những nghệ sĩ gắn bó nhiều năm với cây đàn này cùng giới chuyên môn đều cho rằng, muốn cây đàn bầu có sức sống lâu bền thì cần đưa thanh âm đặc biệt ấy vào âm nhạc đương đại - nhạc mới.

Thoảng đâu đó có sự ngộ nhận rằng đàn bầu là nhạc cụ xuất phát từ đất nước họ, nhưng thêm một lần nữa, trong Festival Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ 2 vừa qua, các chương trình biểu diễn tác phẩm mới viết cho đàn bầu và những cuộc tọa đàm giữa các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam với đại diện đến từ 30 quốc gia trên thế giới, đã cho thấy: Đàn bầu là của Việt Nam, là tiếng nói, tình cảm của người Việt.

Đặc biệt, chỉ có thể đến Việt Nam học tập, nghiên cứu về đàn bầu mới đạt được sự chuẩn mực khi biểu diễn với nhạc cụ này. NSND Nguyễn Tiến cho biết: “Nhiều nước trên thế giới có đàn một dây nhưng nét độc đáo của đàn bầu đấy chính là phần bầu và cần nắn. Tiếng ngân sâu thẳm, tha thiết như tiếng người nói ấy không nhạc cụ nào bắt chước được”.

Nhưng còn đó những nỗi lo mai một, khi hiện nay đàn bầu đang thưa vắng dần trên các sân khấu. NSND Thanh Tâm chỉ ra: Đàn bầu diễn tấu trên âm giai ngũ cung, nên khi tấu trên âm giai thất cung phổ biến trong âm nhạc hiện đại có cảm giác hơi chênh, non.

Nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu đã thử nghiệm và nghiên cứu tiếng đàn để điều chỉnh phù hợp với âm nhạc đương đại, có thể chơi với các dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc nhẹ hay hòa cùng các nhạc cụ dân tộc khác mà vẫn giữ được đặc trưng. Sự thay đổi ấy thể hiện ở cây đàn bầu điện tử ngày nay. Từ đây, câu chuyện lưu giữ và phát triển đàn bầu trong đời sống đương đại có những hướng đi mới.

Nhiều nhạc sĩ đã sử dụng nhạc cụ đàn bầu để viết nên những tác phẩm mới, đi vào đời sống như nhạc sĩ Đức Trí, Hồ Hoài Anh, Ngô Hồng Quang và đặc biệt là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với tác phẩm “Đối thoại”. Tác phẩm viết cho đàn bầu và nhạc giao hưởng này là một minh chứng cho sự giao hòa giữa âm hưởng nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc tiêu biểu của phương Tây, đem đến một bức tranh âm nhạc sinh động và đầy màu sắc. Sau khi trình diễn tại Festival Âm nhạc mới Á - Âu lần đầu tiên (2014), tác phẩm được mời đến nhiều nơi trong và ngoài nước như trong Liên hoan Ca nhạc Âu - Á tại Kazan (2015), 2 lần ở Tokyo Nhật Bản. NSƯT Bùi Lệ Chi đã kết hợp với những dàn nhạc nổi tiếng nhất, hoàn toàn làm chủ ở phần solo.

Đời sống hội nhập, toàn cầu hóa, ở một khía cạnh nào đó cũng đem lại thuận lợi cho âm nhạc truyền thống. Như nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: “Càng văn minh, càng không có khoảng cách thì người ta càng chú trọng đến văn hóa. Văn hóa là bản sắc riêng của từng cộng đồng tạo sự khác biệt. Và đàn bầu cùng những thanh âm tinh túy truyền từ đời này sang đời khác của Việt Nam càng được nhiều người tìm đến”.

Đến nay, nhiều người nước ngoài học đàn bầu từ Việt Nam trở về đã sử dụng trong hòa tấu, thử nghiệm nhạc đương đại, có người lại đưa vào sáng tác mới của mình.

Trong chương trình mở màn Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016, diễn ra vào giữa tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, rất nhiều khán giả thấy thú vị và không dứt tiếng vỗ tay khi thưởng thức tác phẩm “Cụ Rùa” cho đàn bầu và dàn nhạc của nhà soạn nhạc Singapore Robert Casteels. Lấy cảm hứng từ kỷ niệm chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, tác giả đã bị lôi cuốn bởi âm sắc trầm bổng của đàn bầu và viết nên tác phẩm đầy huyền tích này. Theo các nhạc sĩ, nghệ sĩ, đây là tín hiệu đáng mừng để âm nhạc dân tộc Việt Nam ngân xa hơn.

Hành trình gìn giữ và phát triển đàn bầu trong âm nhạc đương đại còn dài, nhưng may thay vẫn còn nhiều hướng đi và không hiếm người tâm huyết.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Am-nhac/853544/ngan-mai-tieng-dan-bau