Ngân hàng TMCP Sài Gòn không dễ tìm vốn ngoại phù hợp

Trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông ngày 18-4 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc cho biết SCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương bán cổ phần cho đối tác ngoại với tỷ lệ trên 50%. Tuy vậy, trên thực tế, việc tìm được đối tác là không dễ dàng.

Cổ đông bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng quản trị trong đại hội SCB hôm 18-4. Ảnh: SCB cung cấp.

“SCB đang trong quá trình thương thảo với đối tác ngoại để bán trên 50% cổ phần, sau khi được chấp thuận về mặt nguyên tắc. SCB mong muốn tìm kiếm một đối tác ngoại là tập đoàn tài chính để vừa giúp ngân hàng trong việc nâng cao năng lực vốn, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, vừa cùng nhau thúc đẩy chiến lược phát triển ngân hàng”, ông Văn phát biểu tại đại hội.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề đại hội, ông Văn khẳng định có một số đối tác đến thương thảo, nhưng trên thực tế kiếm một đối tác vừa thỏa điều kiện là cùng đi đường dài với ngân hàng, có tiềm lực tài chính vững mạnh, vừa phù hợp với quy định của luật trong việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là không dễ dàng.

Hiện tại, đa phần các đối tác tìm đến là các quỹ đầu tư tài chính, ít có ý định gắn kết lâu dài cùng ngân hàng, điều này rất không phù hợp với một ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu như SCB.

Ngoài ra, theo ông Văn, quy định tổ chức có tổng tài sản tối thiểu tương đương 10 tỉ đô la Mỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính hoặc có mức vốn điều lệ tối thiểu tương đương 1 tỉ đô la Mỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức khác vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP cũng hạn chế phần nào các đối tác muốn mua cổ phần.

Chưa kể, quy định ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính nước ngoài, công ty cho thuê tài chính nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi đặt trụ sở chính mới được sở hữu trên 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam tại nghị định trên cũng khiến SCB khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác. Theo ông Văn, trong thời gian qua cũng có một số đối tác phù hợp với ngân hàng nhưng lại không phải định chế tài chính, do đó, ngân hàng cũng chưa thể nhận lời.

Theo ông Văn, trong bối cảnh các ngân hàng khó tìm đối tác chiến lược như hiện nay thì việc NHNN đề xuất nới lỏng quy định trong từng trường hợp để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng là cần thiết.

Trong khi đó, một lãnh đạo NHNN cho rằng để kiểm soát rủi ro cho các ngân hàng sau tái cơ cấu thì việc sàng lọc đối tác chiến lược nước ngoài là cần thiết, đặc biệt ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện.

Việc tìm đối tác ngoại của các ngân hàng yếu đang được NHNN khuyến khích các ngân hàng thực hiện, nhằm tăng nguồn lực tái cơ cấu và tiềm lực tài chính. Hiện tại, ở một số ngân hàng như DongA Bank, OceanBank cũng đang có những đối tác nước ngoài đến tìm hiểu. Tuy vậy, cho đến nay, chưa có một ngân hàng nào tìm được đối tác phù hợp để cùng tham gia tái cơ cấu.

Cũng trong đại hội hôm nay, rất nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi chất vấn Chủ tọa đoàn về việc chia cổ tức cho cổ đông. Ông Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT cho biết SCB đang trong lộ trình tái cơ cấu sau hợp nhất, do đó việc chia cổ tức là chưa thể thực hiện mặc dù lợi nhuận cũng như các chỉ số tài chính khác của SCB những năm vừa qua đều đạt kế hoạch. Mục tiêu hàng đầu của SCB hiện nay là dành mọi nguồn lực tập trung cho tái cơ cấu, trích lập dự phòng, xây dựng SCB phát triển ổn định, bền vững.

Do vậy lợi nhuận để chia cổ tức đối với SCB thời điểm này chưa phải là ưu tiên hàng đầu, có thể trước mắt, các cổ đông sẽ thấy có phần thiệt thòi, nhất là với những cổ đông nhỏ lẻ, nhưng về bản chất lợi ích dài hạn sẽ tốt hơn.

Ông Thành cũng cho biết các cổ đông lớn, nhà đầu tư nước ngoài cũng hứa sẽ tham gia mua cổ phần trong đợt tăng vốn điều lệ của SCB sắp tới.

SCB là ngân hàng được hợp nhất từ ba ngân hàng TMCP Đệ nhất, Sài Gòn và Việt Nam Tín Nghĩa từ 1-1-2012. Khi hợp nhất SCB có vốn điều lệ 10.500 tỉ đồng, qua hai lần tăng vốn, đến nay vốn điều lệ của ngân hàng này là 14.000 tỉ đồng. Ngân hàng bắt đầu làm ăn có lãi trở lại từ năm 2014. Hiện tại ngân hàng cũng triển khai rất nhiều sản phẩm để phục vụ khách hàng cá nhân. Tuy thế, để giải quyết hết các tồn đọng trước đó, cũng như phát triển bền vững hơn thì ngân hàng này vẫn cần thêm thời gian.

Thảo Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159196/ngan-hang-tmcp-sai-gon-khong-de-tim-von-ngoai-phu-hop.html/