Ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay

Một số ngân hàng mới đây thông báo hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Động thái này diễn ra sau khi một số ngân hàng, chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Khách hàng đang giao dịch tại Vietcombank. Ảnh: TL

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam (VCB) vừa cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng Việt Nam đối với năm lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp, kể từ ngày 15-10-2016. Thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi này sẽ kéo dài đến ngày 31-12-2016.

Cụ thể, đối với năm lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại Thông tư 08/2014/TT-NHNN, tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ đang chịu mức lãi suất trên 6%/năm sẽ được VCB điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm, tức giảm 1 điểm phần trăm so với mặt bằng hiện nay. Các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm.

Năm lĩnh vực ưu tiên này gồm phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; và phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ cũng sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm. Theo VCB, việc giảm lãi suất này nhằm khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của VCB, ngân hàng này cho biết sẽ xem xét điều chỉnh giảm lãi suất sâu hơn.

Trước đó, vào ngày 10-10, Ngân hàng HDBank cũng thông báo đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, đối với khách hàng cá nhân vay mới, HDBank giảm lãi suất cho vay tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm.

Với khách hàng doanh nghiệp, từ năm 2014 đến nay, HDBank có tổng doanh số giải ngân là hơn 80.000 tỉ đồng từ các chương trình lãi suất cho vay ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp. Từ nay đến hết năm 2016, HDBank còn hơn 10.000 tỉ đồng nguồn vốn khả dụng cho các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất dành cho các khách hàng doanh nghiệp mới và hiện hữu với lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn từ 6,5%/năm. Lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên từ 9,69%/năm.

Hiện chưa có thông báo về việc giảm lãi suất cho khách hàng hiện hữu, nhưng Ngân hàng SHB mới đây cũng cho biết đang dành gói tín dụng 1.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/ năm, nhằm kích cầu tiêu dùng.

Theo đó, từ nay đến hết ngày 31-12-2016 hoặc tới khi giải ngân hết hạn mức của chương trình, khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để mua bất động sản, xây dựng sửa chữa nhà, mua ô tô, đầu tư tài sản cố định, bổ sung vốn lưu động, và các mục đích tiêu dùng, kinh doanh khác có thể được hưởng mức lãi suất ưu đãi 7,5%/năm.

Ưu đãi này không dành cho khách hàng vay tiền theo dự án Tài chính nông thôn, dự án hỗ trợ nhà theo Nghị quyết 02, đầu tư chứng khoán, mua cổ phần, chứng minh tài chính, cầm cố/chiết khấu giấy tờ có giá, cầm cố vàng vật chất, vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo.

Mức lãi suất 7,5%/năm được áp dụng cho tất cả các kỳ hạn vay dưới 60 tháng, thời gian áp dụng là ¼ thời gian vay và không quá 24 tháng. Ngoài ra, với món vay từ 60 tháng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng mức ưu đãi 9%/năm trong vòng 24 tháng.

Việc giảm lãi suất trên diễn ra sau khi trước đó từ ngày 26-9, một số tổ chức tín dụng lớn (như BIDV, VCB,…) đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng ở các kỳ hạn dưới một năm với mức giảm 0,3-0,5%/năm. Theo Ngân hàng Nhà nước, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động này là giải pháp tích cực để tiết giảm chi phí, phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 4-10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ thời điểm này tới cuối năm, bao giờ nhu cầu tín dụng cũng tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, trong lộ trình và diễn biến của lạm phát hiện nay thì NHNN vẫn theo dõi rất sát để có thể điều hành.

“Gần đây có một số ngân hàng thương mại lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay”, bà Hồng cho biết.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ ngày 3 đến ngày 7-10-2016, mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn 4-5%/năm.

Lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ hiện phổ biến ở mức 2,8-6%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5-6%/năm.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152662/ngan-hang-bat-dau-giam-lai-suat-cho-vay.html/