Ngăn chặn tình trạng 'quân xanh quân đỏ' trong đấu giá tài sản của nhà nước

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự án luật Đấu giá tài sản, đồng thời đề nghị bổ sung, chỉnh lý thêm một số nội dung nhằm ngăn chặn đấu giá thiếu minh bạch.

Dự án luật Đấu giá tài sản đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào ngày 24/10.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đấu giá tài sản, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 Chương và 81 Điều, trong đó rà soát, bổ sung các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật;

Rà soát, bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; bổ sung các hành vi nghiêm cấm;

Rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên và tổ chức xã hội-nghề nghiệp của đấu giá viên; bổ sung vào dự án Luật một cách tối đa các quy định tại văn bản dưới luật đã áp dụng có tính ổn định trong thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị, về thời gian xem tài sản đấu giá (Điều 35), dự thảo cần quy định rõ hơn việc tổ chức xem tài sản đấu giá ít nhất trong 2 ngày làm việc.

Hơn nữa, dự thảo không quy định mốc thời gian bắt buộc hợp lý trước khi tiến hành cuộc đấu giá dễ dẫn đến cách làm hình thức và thiếu minh bạch.

Vì vậy, Khoản 1 Điều 35 nên sửa bổ sung là: "Tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản hoặc mẫu tài sản ít nhất là trong 2 ngày làm việc sau khi đã niêm yết việc đấu giá và chậm nhất 7 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá".

Tương tự tại Khoản 2 Điều 35 quy định về việc xem hồ sơ giấy tờ cần được thực hiện chậm nhất 10 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá vì cần có thời gian kiểm tra xác minh.

Liên quan đến nội dung này cần bổ sung điều khoản quy định về điều kiện cho tài sản được đấu giá ví như tính hợp pháp của tài sản đấu giá việc thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục và trình tự đấu giá.

Đối với việc thông báo việc công khai đấu giá, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhận định, đây là nội dung rất quan trọng góp phần quyết định tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của việc đấu giá.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Thành, dự thảo quy định về mức khởi điểm giá trị tài sản từ 50 triệu đồng trở lên phải thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương là chưa hợp lý dẫn đến phát sinh các thủ tục hành chính thời gian và chi phí rất nhiều cho những hoạt động đấu giá. Do vậy, dự thảo cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng.

Một là, tất cả các tài sản đấu giá đều phải được đưa lên mạng thông tin trung tâm đấu giá địa phương.

Hai là, nâng mức khởi điểm giá trị tài sản ít nhất từ 100 triệu trở lên thay vì 50 triệu như dự thảo phải thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, cũng cần có sự phân loại từng mức giá trị tài sản phải đăng trên phương tiện thông tin cấp tỉnh hoặc trung ương. Có thể quy định từ 100 triệu đến dưới 1 tỷ thì đăng trên báo in hoặc báo hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trên 1 tỷ thì đăng trên báo in hoặc báo hình của trung ương và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.

“Về những vấn đề khác và những ý kiến khác nhau như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thì tôi thống nhất với nội dung của dự thảo và riêng đối với việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm thì theo tôi chỉ quy định về mặt nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan của vấn đề này thì việc đấu giá không do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam tự tiến hành mà phải được tiến hành một cách độc lập”, ông Thành nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) cũng đánh giá cao dự án luật, đồng thời chỉ rõ, xử lý vi phạm hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại, trên thực tiễn rất nan giải, phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy.

“Vì vậy, để đảm bảo thực sự công khai minh bạch tính chịu trách nhiệm cao đề nghị phải có chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng quân xanh quân đỏ hay tay trong, nhằm tạo hạn chế mức độ thiệt hại trong thất thoát ngân sách nhà nước.

Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá. Xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.

Qua nghiên cứu dự thảo đã có những thể hiện nhất định nhưng cần làm rõ ràng hơn, tách bạch hơn những vấn đề trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá.

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với các đấu giá viên tổ chức đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan”, Đại biểu Xuân nêu ý kiến.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng nêu đề nghị cần lưu ý tới tính minh bạch, ngay cả khi bán tài sản là nợ xấu.

Ông Cường nêu thí dụ: “Tôi cũng đồng ý với tờ trình về ý kiến đưa tổ chức VAMC là tổ chức mà có thể sử dụng nhiều hình thức để thực hiện chuyển đổi nợ xấu, tuy nhiên việc giao cho VAMC là một tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản giống như các tổ chức khác khi bán nợ xấu, điều này tôi không đồng tình, bởi lẽ khi chúng ta bán tài sản dù nợ xấu thì đây cũng là tài sản nhà nước cũng giống như các tổ chức khác.

Do vậy, khi chúng ta bán phải thực hiện thông qua các tổ chức đấu giá. Nếu giao cho VAMC là cơ quan vừa quản lý tài sản nợ xấu vừa bán nợ xấu thì không khác gì chúng ta tạo ra sự không bình đẳng là những cơ quan quản lý tài sản thì không được bán, nhưng riêng VAMC được bán.

Đặc biệt ở Điều 53, Mục c, Khoản 1 quy định bán tài sản nợ xấu lại được thực hiện theo bán quy trình rút gọn. Điều này tôi hết sức lo ngại việc chúng ta quy định như thế này sẽ tạo ra những điều tiêu cực”.

Ngọc Quang

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/ngan-chan-tinh-trang-quan-xanh-quan-do-trong-dau-gia-tai-san-cua-nha-nuoc-post171868.gd