Ngăn chặn thực phẩm 'bẩn' vào TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ chính các loại nông sản, thực phẩm tươi sống từ các tỉnh thành lân cận đổ về. Trong đó, hệ thống phân phối hiện đại chiếm khoảng 30% và chất lượng hàng hóa được kiểm soát tốt. Trong khi đó, 70% còn lại về các chợ đầu mối, chợ truyền thống và trôi nổi ngoài thị trường, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chưa được kiểm soát hết…

Ngày 18/12, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện 1 xe container đầu kéo BKS 38C-097.97, kéo theo rơmoóc số 38R - 005.72 do tài xế Trương Ánh Phú (SN 1988, quê Quảng Bình) điều khiển vào kho lạnh của Công ty TNHH DECQB LOGISTICS (đường Ngô Chí Quốc, khu phố 2, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức), để nhập hàng. Kiểm tra kho lạnh, lực lượng kiểm tra phát hiện trong kho đang chứa trữ gần 25 tấn nội tạng heo, bò đông lạnh. Số hàng trên không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Hoàng Văn Chức - Phó Giám đốc, kiêm quản lý kho lạnh khai nhận, toàn bộ số thực phẩm đông lạnh trên là của Công ty TNHH DECQB LOGISTICS lưu chứa bảo quản tại kho lạnh để bán ra thị trường kiếm lời trong dịp lễ, Tết cuối năm theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Thực phẩm không có hóa đơn chứng từ bị phát hiện tại kho lạnh của Công ty TNHH DECQB LOGISTICS.

Mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 800 tấn thịt heo. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/4, khi thành phố có chủ trương đóng tất cả các cơ sở giết mổ thủ công, đưa 5 nhà máy giết mổ công nghiệp vào hoạt động, để đảm bảo vệ sinh thú y, VSATTP, thì lượng thịt sạch cung ứng cho thị trường thành phố chỉ đạt khoảng 60% nhu cầu, 40% còn lại từ các tỉnh đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, chất lượng và VSATTP gần như bị thả nổi.

Vấn đề gian lận về chất lượng sản phẩm cũng xảy ra với mặt hàng nông sản. Điển hình như tỉnh Lâm Đồng, có hơn 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả, trong đó có 25 cơ sở được cấp chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Các cơ sở này mỗi năm cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh hơn 38.000 tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn trái cây... Tuy nhiên, đánh giá của bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, vẫn còn tình trạng gian lận thương mại như nạn trà trộn hàng hóa, nông sản từ Lâm Đồng về TP Hồ Chí Minh. Nhiều nhất là khâu trung chuyển từ các chợ đầu mối về các chợ lẻ. Đơn cử, như chuyện khoai tây từ các nơi nhưng được trộn với đất Đà Lạt, được tiểu thương "hô biến" thành nông sản Đà Lạt.

Theo đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm, để kiểm soát vấn đề ATVSTP đối với hàng hóa kinh doanh tại 3 chợ đầu mối, Ban đã bố trí Đội Quản lý An toàn thực phẩm (thuộc Phòng Thanh tra) đảm bảo nhân sự thường xuyên trực tiếp kiểm tra, giám sát lượng nông sản thực phẩm ra vào chợ đầu mối hằng đêm. Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã kiểm tra 1.907 cơ sở kinh doanh tại 3 chợ đầu mối và lấy ngẫu nhiên 1.452 mẫu nông sản thực phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Riêng chợ đầu mối Bình Điền, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị chức năng đã kiểm tra ngoại quan 1.600 mẫu thủy sản, rau củ quả và thịt gia súc, lấy 460 mẫu kiểm tra nhanh các chỉ tiêu: hàn the, thuốc bảo vệ thực... nhưng chưa phát hiện mẫu vi phạm.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: "Hiện nay nguồn hàng từ các địa phương đưa về các chợ đầu mối vẫn chưa đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát về truy xuất nguồn gốc, về VSATTP. Điều đó, đã ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, kiểm soát VSATTP cả khu vực TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, để ngăn chặn nguồn hàng kém chất lượng và không đảm bảo ATVSTP từ các tỉnh đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, thì việc kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện ngay tại nguồn".

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, dự kiến thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về 3 chợ đầu mối tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày. Sở Công Thương phối hợp UBND quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai đến Ban Quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa và kiểm soát VSATTP, chống hàng gian, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó có các mặt hàng lương thực, thực phẩm, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật... Đặc biệt, tham gia đoàn kiểm tra liên ngành "chốt chặn" tại các cửa ngõ ra vào thành phố để kịp thời ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn vào thị trường thành phố.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/ngan-chan-thuc-pham-ban-vao-tp-ho-chi-minh-i718792/