Ngăn chặn nhập lậu trâu, bò qua biên giới

Trên khu vực biên giới, cư dân thường có hoạt động trao đổi, mua bán động vật, nhất là trâu, bò để nuôi vỗ béo qua các đường mòn, lối mở và sau đó bán vào nội địa. Trâu, bò thường được người dân chăn thả qua lại hàng ngày tại các khu vực biên giới.

Một khu chăn nuôi mà người dân rào chắn tạm để nuôi, nhốt trâu, bò ở khu vực biên giới

20 xã biên giới có trên 22.200 con trâu, bò

Thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 4/2023, toàn tỉnh có gần 103.000 con trâu, bò. Trong đó, tổng đàn trâu, bò của các huyện, thị xã có đường biên giới đi qua, gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Kiến Tường có trên 30.400 con (chiếm 30% tổng đàn trâu, bò thịt toàn tỉnh).

Chăn nuôi trâu, bò ở xã biên giới, đa phần là chăn nuôi nhỏ, lẻ. Tại 20 xã biên giới có trên 3.200 hộ nuôi trâu, bò với tổng đàn trên 22.200 con (chiếm 73% tổng đàn trâu, bò thịt của 6 huyện, thị xã có đường biên giới và 21,6% tổng đàn trâu, bò thịt toàn tỉnh).

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An - Lê Thị Mai Khanh, trên khu vực biên giới, cư dân thường có hoạt động trao đổi, mua, bán động vật, nhất là trâu, bò để nuôi vỗ béo qua các đường mòn, lối mở và sau đó bán vào nội địa. Qua khảo sát, trâu, bò thường được người dân chăn thả qua lại hàng ngày tại các khu vực biên giới đất liền.

Tỉnh có đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng (Campuchia) với tổng chiều dài trên 134km. Gần đây, chúng tôi có mặt trên khu vực biên giới xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa nhìn thấy người dân chăn thả một đàn trâu hàng trăm con. Trong khi đó, ở khu vực gần đường biên giới đoạn qua huyện Đức Huệ cũng dễ dàng bắt gặp những đàn trâu, bò đứng gặm cỏ. “Nuôi trâu, bò là nghề nhiều năm nay của nhiều hộ dân biên giới. Trâu, bò vẫn thường được chăn thả qua lại biên giới ăn cỏ, hết ngày thì lùa về”- ông Nguyễn Văn Nam, một hộ chăn nuôi tại xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, cho biết.

Ngoài ra, dọc tuyến biên giới có khá nhiều khu trại tạm bợ nuôi nhốt trâu, bò. Ở tỉnh Prey Veng (Campuchia) còn có một khu chợ mua bán trâu, bò nằm cách biên giới đoạn qua xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An và xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp không xa. Đây là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động trao đổi, mua, bán trâu, bò giữa các thương lái, cư dân biên giới vào khoảng 15 giờ hàng ngày.

Thời gian qua, tình trạng nhập lậu gia súc, trong đó có trâu, bò qua biên giới tỉnh còn xảy ra và tiềm ẩn những nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Việc vận chuyển động vật qua biên giới tỉnh chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch, vận chuyển lậu qua các đường mòn, lối mở với số lượng nhỏ.

Trước nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm và mất an toàn thực phẩm, các cơ quan, ban, ngành tăng cường phối hợp xử lý gia súc, gia cầm nhập lậu trên tuyến biên giới. Thượng tá Phạm Thành Trung - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), cho biết: “Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị phối hợp các lực lượng phát hiện, tạm giữ 10 con bò được các đối tượng nhập lậu đưa qua biên giới”.

Chủ động phòng, chống nhập lậu trâu, bò

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, việc chăn nuôi trâu, bò thường chăn thả qua lại hàng ngày tại các khu vực biên giới đất liền nên trong việc quản lý, kiểm soát nguồn gốc dịch bệnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý chăn nuôi vẫn còn khá lỏng lẻo, người chăn nuôi chưa thực hiện tốt việc đăng ký, kê khai với chính quyền địa phương, trong khi Luật Thú y cũng không còn yêu cầu kiểm dịch khi vận chuyển nội tỉnh. Do vậy, khi động vật đã đưa qua biên giới thì công tác phát hiện, bắt giữ lô động vật nhập lậu rất khó khăn do hộ dân, thương lái có thể mua, bán, vận chuyển trên địa bàn nội tỉnh hợp thức hóa thành trâu, bò địa phương (nuôi vỗ béo, vận chuyển đến cơ sở giết mổ trong tỉnh; hoặc sau đó có thể vận chuyển xuất tỉnh). Vì vậy, việc xác định nguồn gốc để thực hiện công tác kiểm dịch và cấp giấy kiểm dịch trâu, bò xuất tỉnh của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh rất khó thực hiện.

Đối với việc thực hiện quy định chuyên ngành tại Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BNNPTNT, ngày 08/01/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất Thông tư ban hành quy định về kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ các nước Lào và Campuchia vào Việt Nam, trâu, bò thu gom sau nhập khẩu phải được đưa vào khu cách ly kiểm dịch, theo dõi và kiểm tra lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm 4 bệnh truyền nhiễm là sảy thai truyền nhiễm, xoắn khuẩn, lao bò, lở mồm long móng đối với từng lô, khi có kết quả âm tính thì được phép giết mổ. Quy định này, thực tế tại địa phương cho thấy rất khó thực hiện, do việc vận chuyển trâu, bò qua lại biên giới diễn ra hàng ngày của cư dân với số lượng 1 - 2 con, cơ quan Thú y khó xác định lô hàng. Mặt khác, nhà đầu tư e ngại do chi phí phát sinh khá nhiều, bao gồm: Bấm thẻ tai, lấy mẫu, gửi mẫu, nuôi nhốt trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, phun tắm thuốc diệt ký sinh trùng ngoài da,...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường phối hợp kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ trong công tác kiểm dịch. Nếu phát hiện có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc, nhập lậu, làm giả các loại giấy tờ kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh thì sẽ phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

UBND tỉnh chỉ đạo các huyện tăng cường tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương, nhất là khu vực biên giới triển khai tốt việc quản lý chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi; phối hợp ngành Thú y hướng dẫn cư dân biên giới có hoạt động mua, bán, trao đổi động vật qua lại biên giới phải đăng ký kiểm dịch đúng quy định.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ tuyến biên giới, tăng cường hơn nữa trong phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu. Trong đó, chú trọng nhất công tác ngăn chặn động vật nhập lậu ngay từ biên giới./.

Công tác kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh nói chung và đối với trâu, bò ở các huyện biên giới nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện. Từ năm 2022 đến tháng 3/2023, tổng số trâu, bò kiểm dịch xuất tỉnh của các huyện biên giới của tỉnh là trên 12.400 con. Trong đó, chỉ 3 huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng và Tân Hưng đã thực hiện việc kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh trên 11.800 con trâu, bò (năm 2022 trên 9.100 con, 3 tháng đầu năm 2023 trên 2.700 con). Đa phần trâu, bò vận chuyển về tỉnh Đồng Nai và một số địa phương khác như Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Định với mục đích giết mổ.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ngan-chan-nhap-lau-trau-bo-qua-bien-gioi-a155412.html